Hàng loạt cầu bộ hành tại TP.HCM bị người dân "chê", vì sao?

Diệu Bình - Nguyệt Minh Thứ hai, ngày 22/07/2024 05:52 AM (GMT+7)
Hàng loạt cầu bộ hành bị người dân TP.HCM ngó lơ, rơi vào tình trạng bị chiếm dụng, trở thành nơi tá túc, buôn bán...
Bình luận 0

Người dân "chê" cầu bộ hành

Ghi nhận của PV Dân Việt tại các tuyến đường có mật độ khu dân cư đông đúc như: Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Minh Giám, Điện Biên Phủ… cho thấy, dù đã có cầu bộ hành nhưng đa phần người dân vẫn chọn băng ngang dưới lòng đường.

Tại một số nơi, cầu bộ hành trở thành nơi ăn ngủ của người vô gia cư, vứt bừa bãi rác thải gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Hàng loạt cầu bộ hành tại TP.HCM bị người dân "chê", vì sao?- Ảnh 1.

TP.HCM đã cải tạo, nâng cấp và làm mới nhiều cầu đi bộ ở các nút giao thông đông đúc. Ảnh: D.B

Anh Văn Khôi (trú quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: "Cầu bộ hành giải quyết được rất nhiều vấn đề như đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc nhưng nhiều người dân không sử dụng".

Hàng loạt cầu bộ hành tại TP.HCM bị người dân "chê", vì sao?- Ảnh 2.

Người dân chiếm dụng cầu bộ hành thành nơi tá túc. Ảnh: D.B

Thời gian qua, TP.HCM đã cải tạo, nâng cấp và làm mới nhiều cầu đi bộ ở các nút giao thông đông đúc, bệnh viện... Tuy nhiên, người đi bộ lại thờ ơ với những cây cầu được xây dựng dành cho mình và vẫn chọn cách băng qua đường dù nguy hiểm.

Lý do được nhiều người dân đưa ra là do cầu bộ hành có đường dẫn dài, các bậc cao khiến việc di chuyển trở nên khó khăn.

"Thêm vào đó là nơi đây thường xuyên tụ tập người vô gia cư, không có gì để để giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn cho người đi bộ trên những cây cầu này nên người dân rất e ngại đi trên cầu bộ hành", chị Nguyễn Linh (trú quận 3, TP.HCM) nói.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo ông Hoàng Phúc Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện Sở đang quản lý 40 công trình cầu vượt bộ hành; tập trung tại một số tuyến đường chính như: Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Kinh Dương Vương, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Minh Giám, Quang Trung, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22... và 23 vị trí có chốt đèn dành cho người bộ hành.

Hàng loạt cầu bộ hành tại TP.HCM bị người dân "chê", vì sao?- Ảnh 3.

Cầu bộ hành trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ bị người dân ngó lơ. Ảnh: D.B

Theo đại diện Sở Giao thông vận, nhiều người dân vẫn giữ thói quen băng đường "nhanh" và "tiện", bỏ qua yếu tố an toàn giao thông. Tình trạng lấn chiếm phạm vi xung quanh cầu vượt bộ hành để buôn bán, kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người có nhu cầu. Ý thức về việc đảm bảo vệ sinh trên cầu và xung quanh khu vực cầu của người dân chưa cao, dẫn đến không đảm bảo vệ sinh, về lâu dài có thể gây nghẽn hệ thống thoát nước mặt cầu.

Bên cạnh đó, còn tình trạng người nhà bệnh nhân của các bệnh viện xung quanh như Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Gia Định tụ tập, sinh hoạt trên công trình cầu vượt bộ hành ảnh hưởng đến việc sử dụng của người đi bộ. Trước đây, có tình trạng các đối tượng tụ tập, sử dụng trái phép các chất kích thích tại một số công trình cầu vượt bộ hành vắng người gây tâm lý e ngại cho nhiều người.

Hàng loạt cầu bộ hành tại TP.HCM bị người dân "chê", vì sao?- Ảnh 4.

Người dân vẫn chọn băng ngang dưới lòng đường thay vì đi trên cầu bộ hành. Ảnh: M.N

Về giải pháp, ông Dũng cho biết, Sở Giao thông vận tải đã đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân giữ gìn vệ sinh, trật tự khi sử dụng cầu bộ hành.

Đồng thời, Sở Giao thông vận tải đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra về việc chấp hành Luật giao thông đường bộ, đảm bảo trật tự an ninh và vệ sinh môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem