Hàng loạt nhà dân ở Hải Dương bị côn đồ đập phá, đe dọa

Chủ nhật, ngày 24/04/2016 18:31 PM (GMT+7)
Người dân phản ánh về việc bị người lạ đập phá nhà, trong khi Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn (Hải Dương) phủ nhận việc đó.
Bình luận 0

Người lạ đe dọa, đập phá nhà dân

Thông tin phản ánh về việc vừa qua, một số hộ dân tại khu vực Tử Lạc 1, xóm Núi 1 (thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) bị nhóm đối tượng lạ mặt kéo đến đập phá nhà cửa, đe dọa yêu cầu phải rời khỏi nơi sinh sống đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Được biết, ngoài việc bị phá nhà, một số hộ dân trong khu vực còn nhận được tin nhắn đe dọa đến tính mạng nếu như còn tiếp tục không chịu di dời khỏi khu vực này, nhường mặt bằng cho dự án khai thác đá của Công ty xi măng Hoàng Thạch.

Người dân cho biết, khu vực các hộ dân bị đập nhà nằm trong vùng Dự án khai thác vật liệu sản xuất xi măng và là vành đai an toàn khai thác mỏ của Công ty xi măng Hoàng Thạch đóng trên địa bàn. Thời gian này một số hộ dân vẫn chưa thống nhất được mức đền bù nên xảy ra tranh cãi, bất đồng.

img

Nhà của người dân bị phá dỡ. Ảnh: Mạnh Tú/Vietnam+

Sáng 23.4, trao đổi với Báo Phụ nữ TP.HCM bà Vũ Thị Mai, con gái ông Vũ Văn Ban, trú tại khu vực Tủ Lạc 1 và là một trong các hộ bị nhóm người lạ đập phá nhà chia sẻ: "Dự án mở rộng vành đai an toàn của Công ty xi măng Hoàng Thạch tại khu vực trên địa bàn thì chúng tôi cũng rất là chấp hành, không có vấn đề gì. Nhưng sau khi trả đơn giá đền bù tôi thấy rằng, ông bà nhà tôi ra đây khai hoang lập nghiệp vào năm 1980 và ở đến bây giờ. Mới đây, chúng tôi cũng mới được ký hợp đồng".

Theo quan điểm của gia đình: "Số tiền trả cho gia đình quá thấp, có 18.000 đồng/m2 đất, tôi cứ cho rằng đó là đất khai hoang thì địa phương phải hướng dẫn để làm thủ tục hợp lý".

Ông bà già, còn 2 đứa cháu thì cho vào miền Nam để học, nhà ông bà trông nom thì nay người này đến dọa, mai người kia đến dọa. Sau đó ông ốm nên gia đình đưa đi viện mấy hôm, bà ở nhà bị dọa sợ quá, chúng tôi đóng cửa đón lên đấy nốt nên họ vào phá nhà, lấy hết đồ đạc không còn cái gì, nhà tôi chỉ nhặt được vài thứ vặt".

Gia đình đã phải nhặt di ảnh các cụ đặt sang nhà cậu con trai út của ông bà thờ cúng. Bà Mai cho biết, cả ông bà và người em trai có khoảng 17.000m2 đất nhưng nếu như cách đền bù thì không mua được nổi một suất đất tái định cư.

Theo bà Mai: "Ban đầu, toàn bộ tiền đền bù tài sản trên đất, cây cối là gia đình không nhận. Tuy nhiên, khi đó một số lãnh đạo có nói rõ rằng cứ nhận đi sau này thiếu thốn, cần đề nghị cái gì thì cứ đề nghị thì lúc đó tôi mới đồng ý".

"Nhưng sau đó tôi kiến nghị thì không ai trả lời cả nên coi như tôi bị lừa, cho đến giờ phút này thì tiền đất tôi không nhận. Và suất đất tái định cư tôi cũng không nhận vì có tiền đâu mà nhận", bà khẳng định.

Khi tôi kiến nghị thì được trả lời rằng, tiền nhà nước đền bù thì trích lại để công ích cho địa phương, còn đâu chỉ trả dân 18.000 đồng/m2  là đất có hợp đồng. Đó là mức 1, còn mức 2 là 10.000 đồng và 9.000 đồng. "Với mức đền bù đó nhà tôi không nhận", bà Mai nhấn mạnh quan điểm.

Bà Mai thông tin thêm: "Cũng còn vài hộ khác cũng bị phá như gia đình tôi, họ mới chỉ nhận tiền đền bù tài sản trên đất, còn một số hộ khác người ta không biết thì người ta cứ nhận đền bù thôi".

Huyện nói: "Không có hiện tượng đấy"

Sáng cùng ngày, trao đổi với Báo Phụ nữ TP.HCM, bà Nguyễn Thị Liễu - Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết: "Sau khi nhận phản ánh thông tin của báo chí chúng tôi xác định là chưa có một thông tin nào báo cáo với chính quyền cấp huyện và cấp xã. Chúng tôi cũng đã cho các lực lượng công an huyện, công an thị trấn, xã xuống kiểm tra đây cũng chưa hoàn toàn đúng như thông tin báo mạng đã đăng và người dân phản ánh".

img

Nhà của một hộ dân trong vùng phải di dời bị đập bể. Ảnh: Đình Ngọc/Tuổi Trẻ

"Từ hôm qua đến giờ là rất loạn thông tin và đến giờ thì tôi chưa nhận báo cáo chính thức về sự việc xảy ra, mặc dù vậy chúng tôi cũng đang cho các lực lượng chức năng triển khai kiểm tra. Hiện nay không có hiện tượng đấy, tôi cũng đã trực tiếp xuống kiểm tra và toàn bộ dân này, dân người ta nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng, người ta đã di chuyển rất lâu rồi, không có việc đó", Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn khẳng định.

PV (Phụ nữ TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem