Hàng loạt nhạc sĩ kêu cứu vì bị BH Media "nhận vơ" bản quyền ca khúc

Tùy Linh - Khánh Đăng Thứ tư, ngày 10/11/2021 16:22 PM (GMT+7)
Theo VCPMC, 76 CD tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang bị BHMedia sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube.
Bình luận 0

Ngày 9/11, Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã làm việc với các nhạc sĩ và trả lời các thắc mắc của báo chí để làm rõ các vấn đề liên quan đến đơn kiến nghị của nhạc sĩ: Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê, nhóm M6 về việc các sản phẩm âm nhạc của họ bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên chính kênh YouTube của tác giả. 

Bên cạnh đó, VCPMC cũng trả lời các vấn đề liên quan đến trường hợp của tác giả: Trần Thanh Tùng, Bảo Chấn, Hoàng Sông Hương về việc ký Hợp đồng chuyển nhượng với BHMedia.

Hàng loạt nhạc sĩ kêu cứu vì bị BH Media "nhận vơ" bản quyền ca khúc - Ảnh 1.

Các nhạc sĩ Doãn Nho, Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Văn Thao... trong buổi gặp gỡ với VCPMC sáng 9/11. (Ảnh: NMH)

Về bản ghi "Giấc mơ trưa" của nhạc sĩ Giáng Son, VCPMC khẳng định việc nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh sử dụng tác phẩm và bản phối của Giáng Son chưa xin phép là hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Trung tâm này cũng cho biết, họ đã 3 lần gửi Công văn mời BH Media lên làm việc và BH Media đã phản hồi. Hai bên thống nhất sẽ làm việc liên quan đến nội dung Đơn kiến nghị của các tác giả vào ngày 10/11/2021.

Là tác giả phần lời của ca khúc "Giấc mơ trưa", nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho biết, chính anh cũng bị ảnh hưởng trong lùm xùm tác quyền quanh bài hát. Ngoài ra, anh còn bị xâm phạm quyền ở nhiều sáng tác khác. Số lượng bao gồm 21 bài hát trong 2 album của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến gồm album "Giọt sương bay lên" với 9 tác phẩm và "Ngồi trên vách nắng" với 12 tác phẩm trả tiền cho Hồ Gươm Audio phát hành.

Với trường hợp của Nguyễn Vĩnh Tiến và Hồ Gươm Audio, VCPMC đề nghị tác giả cung cấp hợp đồng giữa hai bên để có căn cứ tiến hành bảo vệ quyền tác giả. Với các nền tảng như Spotify hay Google, VCPMC đã có hợp đồng về việc sử dụng quyền tác giả và tiền phân phối hàng quý tới tác giả có thể đã bao gồm tác quyền từ các nền tảng này. Trung tâm cũng đề nghị tác giả thống kê các bản ghi tự sản xuất để tiếp tục làm việc với các nền tảng. Trung tâm khẳng định sẽ làm việc với các kênh của các ca sĩ đăng tải bài của Nguyễn Vĩnh Tiến chưa xin phép.

Trong khi đó, tác giả Trần Thanh Tùng cũng đã gửi kiến nghị về việc có nhiều điểm không minh bạch trong Hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa tác giả và BH Media đối với 3 tác phẩm: "Đừng ví em là biển", "Tình khúc nguyệt hồ", "Biển hát lời anh ca". Điều đáng nói là theo tác giả này, trong bản hợp đồng được ký kết, ngoài trang có chữ ký của tác giả thì những trang khác đều có nội dung không đúng như nhân viên BH Media đã trao đổi từ trước đó.

Hàng loạt nhạc sĩ kêu cứu vì bị BH Media "nhận vơ" bản quyền ca khúc - Ảnh 2.

Tác giả Hoàng Sông Hương (Ảnh: TP)

Tác giả Hoàng Sông Hương cũng có kiến nghị về nội dung và tính minh bạch của Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả được ký giữa tác giả và BH Media ngày 28/5/2020 đối với tác phẩm "Tình ta biển bạc đồng xanh" vì nội dung Hợp đồng nhận được (bản ảnh) không giống với nội dung đã thỏa thuận.

Trong buổi làm việc, VCPMC cũng thông tin thêm cho biết, 76 CD tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ đầu tư sản xuất cũng đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube (có kèm theo Danh sách tác giả và album)

Theo dự kiến, vào hôm nay, 10/11, BH Media và VCPMC sẽ có buổi làm việc về các vấn đề liên quan. Kết quả làm việc sẽ VCPMC được thông báo bằng văn bản tới các nhạc sĩ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem