Khẩn trương thu hoạch lúa vụ đông xuân, tránh thiệt hại do mưa, gió xoáy
Hàng nghìn ha lúa ở Bắc Trung Bộ nguy cơ mất trắng: Cục Trồng trọt ra thông báo khẩn
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 30/04/2021 09:48 AM (GMT+7)
Hiện nay, lúa Đông Xuân tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đã trỗ, chín sữa, một số diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch cần bố trí tối đa nguồn nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do mưa, gió xoáy.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trong thời gian vừa qua, do mưa lớn và dông lốc đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa, rau màu tại một số tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…).
Hiện nay, lúa Đông Xuân tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đã trỗ, chín sữa, một số diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch.
Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc lúa đang giai đoạn phân hóa đòng, một số diện tích lúa gieo cấy sớm đã trỗ.
Để chủ động ứng phó với thời tiết bất thường, đảm bảo sản xuất thắng lợi trong vụ Đông Xuân và triển khai sản xuất vụ Hè Thu, Mùa và vụ Đông theo kế hoạch, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh Bắc Trung Bộ, đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch bố trí tối đa nguồn nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa Đông Xuân đã chín với phương châm "xanh nhà hơn già đồng" để tránh thiệt hại do những đợt mưa kèm gió xoáy.
Trên các diện tích đã thu hoạch triển khai cày lồng vùi rơm rạ sớm, kết hợp xử lý chế phẩm sinh học (Trichoderma, AT-YTB, …) để phân hủy nhanh rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ với lúa vụ sau, đồng thời hạn chế cầu nối sâu bệnh cho vụ sau.
Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng phương án sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương mình, đảm bảo cho trà lúa Hè Thu chạy lụt sớm thu hoạch trước ngày 5/9, đối với vùng thấp trũng thu hoạch trước 20/8.
Đối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, cần giữ nước mặt ruộng đảm bảo đủ nước cho cây lúa trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông, vào chắc nhằm hạn chế tác động của nắng nóng.
Với diện tích lúa chuẩn bị phân hóa đòng (ở một số vùng núi phía Bắc) chỉ đạo tiến hành bón đón đòng kịp thời; bón bổ sung Kaliclorua và cân đối NPK để lúa sinh trưởng phát triển tốt, quần thể đồng đều, trỗ tập trung.
Tiếp theo đó, các địa phương chủ động xây dựng phương án sản xuất vụ Mùa phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương mình, đảm bảo cho trà lúa Mùa sớm ở các tỉnh thu hoạch trước ngày 25/9 để tạo quỹ đất làm cây vụ Đông sớm.
Hạn chế việc gieo thẳng ở những vùng thấp trũng, không chủ động tưới tiêu, thường xuyên bị ngập úng.
Đặc biệt, các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và sâu, bệnh hại để chủ động phòng trừ sớm như: bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, rầy nâu…trên tất cả các trà lúa, chú ý những giống nhiễm sâu bệnh, vùng ổ dịch, chân đất trũng thấp.
Bên cạnh đó, các tỉnh chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch hoặc đề án gieo cấy lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Đông 2021, với định hướng mở rộng diện tích các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, mở rộng hợp lý tỷ lệ diện tích trà Mùa sớm và cực sớm, hạn chế gieo cấy giống nhiễm và nhạy cảm với bệnh bạc lá trên chân đất thấp trũng, vùng thường xuyên bị bạc lá.
Đối với cây rau, màu Cục Trồng trọt đề nghị rà soát lại diện tích gieo trồng của từng chủng loại, tuyên truyền tập huấn cho nông dân về sản xuất an toàn, ưu tiên phát triển những loại rau có đầu ra, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh sản xuất quá tập trung 1 loại gây dư thừa sản phẩm, giảm giá, giảm hiệu quả sản xuất.
Tiếp đó, các địa phương chủ động phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh hại.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, trận mưa lớn vào tối 26/4 đã khiến trên 5.400 ha lúa xuân Hà Tĩnh đang trong giai đoạn trổ bông, ngậm sữa bị đổ, gãy. Trong đó, tại Cẩm Xuyên là 1.700 ha, Kỳ Anh là 1.000 ha (ngoài ra còn có Thạch Hà với 1.500 ha lúa bị đổ).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, đề nghị các địa phương khẩn trương tiêu thoát úng, tuyên truyền bà con nông dân xuống đồng, bó dựng lúa để giảm thiểu những thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Tại tỉnh Quảng Bình, sáng ngày 29/4, một trận mưa lớn kéo dài hơn 2 giờ đã làm khoảng 2000ha lúa của bà con nông dân ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn của tỉnh Quảng Bình ngã đổ và có nguy cơ mất trắng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.