Poster "Cánh đồng bất tận": Lập lờ đánh lận tác quyền

Thứ tư, ngày 01/12/2010 09:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một nhiếp ảnh gia 35 năm cầm máy tuyên bố người thiết kế poster có thể sử dụng ảnh mà không cần ghi nguồn. Một hãng làm phim lớn cho rằng ảnh hiện trường phim không cần ghi tên tác giả...?
Bình luận 0

Ảnh của tập thể!

Hôm qua 30-11, Hãng phim Việt (đại diện Công ty BHD) có văn bản chính thức trả lời báo chí về tranh cãi gây xôn xao dư luận, xung quanh quyền tác giả của các bức ảnh trong poster phim "Cánh đồng bất tận" giữa tác giả Đặng Minh Tùng và nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan. 

img
Poster "Cánh đồng bất tận" tạo từ bức hình cánh đồng chụp ở Mộc Hóa - Long An và hai bức hình chụp nhân vật Dustin Nguyễn, Dustin Nguyễn - Tăng Thanh Hà của Đặng Minh Tùng.

Hãng phim Việt khẳng định: Đặng Minh Tùng đã ký hợp đồng lao động thời vụ ngày 23-11-2009 với hãng để chụp hình hiện trường cho đoàn phim "Sông nước" (Cánh đồng bất tận), đã nhận đủ thù lao theo đúng hợp đồng.

Theo hợp đồng này, Hãng phim Việt là chủ sở hữu và đăng ký bản quyền toàn bộ các bức ảnh và Đặng Minh Tùng không được phép lưu giữ các hình ảnh chụp ở hiện trường, phải đảm bảo bàn giao toàn bộ hình ảnh trong thẻ nhớ, ổ cứng cho hãng cũng như không được phát tán và lưu hành ra ngoài công chúng. Hãng toàn quyền sử dụng toàn bộ hình ảnh Đặng Minh Tùng thực hiện tại hiện trường phim cho bất kỳ một mục đích nào của mình (trừ mục đích vi phạm pháp luật).

Theo Hãng phim Việt, vị trí người chụp ảnh hiện trường của Đặng Minh Tùng đã được ghi nhận xứng đáng với chức danh "Nhiếp ảnh" ở phần "credit", còn "trên poster phim chỉ cần ghi tên những thành phần chính tham gia đoàn phim với mục đích quảng cáo và theo thông lệ về poster phim trên thế giới cũng như tại VN, không đưa thông tin về người chụp ảnh, người thiết kế, cũng như không đưa hết tên tuổi của những người tham gia đóng góp xây dựng bộ phim…

Đặng Minh Tùng = 0?

img
Diễn viên Lan Ngọc - Tăng Thanh Hà chụp ảnh kỷ niệm với Đặng Minh Tùng.

Không cần phải là người am hiểu sâu sắc về nghệ thuật nhiếp ảnh cũng có thể thấy ngay sự bất ổn trong lý lẽ của Phim Việt. Dù là ảnh chụp hiện trường phim hay chụp bất cứ một đối tượng nào khác thì sáng tạo cá nhân của tác giả qua việc lựa chọn góc máy, chớp lấy những khoảnh khắc tiêu biểu là không thể phủ nhận.

Tranh cãi xung quanh poster phim "Cánh đồng bất tận" cho thấy, dù đã ký nhiều công ước quốc tế về bản quyền, ý thức về quyền tác giả ở VN vẫn chỉ là chuyện… trên giấy.

Trong khi không thừa nhận vai trò sáng tạo của tác giả Đặng Minh Tùng, Hãng phim Việt lại lý giải về việc đề tên nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan dưới những poster sử dụng ảnh của Đặng Minh Tùng: "Trần Huy Hoan tham gia vào bộ phim không phải chỉ là một nhiếp ảnh gia thông thường trong việc chụp ảnh studio và hiện trường (trong thời gian chọn cảnh trước khi quay phim và một số ngày trong khi quay phim) mà còn giúp đạo diễn tạo hình một số nhân vật và trong những cảnh quay đặc biệt… Một từ "nhiếp ảnh gia" cũng chưa đủ để nói những việc ông đã làm cho bộ phim, vì vậy Hãng trân trọng đặt tên ông lên poster phim".

Trước đó không lâu, một đại diện nhà sản xuất "Cánh đồng bất tận" lý giải với báo chí việc để tên Trần Huy Hoan trên poster vì đó là tên tuổi có lợi cho bán vé (!). Lôi kéo khán giả đến rạp đương nhiên là việc làm chính đáng, nhưng lôi kéo bằng cách lấy tên của nhiếp ảnh gia này đặt vào dưới poster có hình ảnh của người khác lại là một việc làm trái luật.

Lạ hơn nữa là cách chốt vấn đề của Hãng phim Việt trong văn bản trả lời báo chí: "Nhân sự việc này hy vọng Đặng Minh Tùng có thể hiểu hơn về công việc nhiếp ảnh hiện trường trong một đoàn làm phim khác biệt với công tác nhiếp ảnh thông thường”.

Vậy là dưới góc nhìn của Hãng, Đặng Minh Tùng từ một người đi đòi quyền tác giả chính đáng đã trở thành một người không hiểu việc. Một thương hiệu đã có tên tuổi như Hãng phim Việt và BHD vẫn coi thường quyền tác giả đến vậy thì quả là rất nản!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem