Lý do người dân kéo lên UBND tỉnh là vì người dân cho rằng, chính quyền đã lấy đất khu vực neo đậu tàu, thuyền để giao cho Tập đoàn FLC, khiến họ mất đường sinh nhai.
Lấy đất, cấm cả đường kiếm sống
Trong 2 ngày qua, có hàng trăm người dân ở xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, kéo nhau lên vây kín khu vực cổng chính của UBDN tỉnh Thanh Hóa. Thậm chí, suốt đêm hôm qua, người dân mang theo cả chăn, chiếu trải ngay trước khu vực cổng UBND tỉnh và ngủ lại, để mong được gặp lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, phản đối việc thu hồi đất khu vực neo đậu bến thuyền phía Đông đường Hồ Xuân Hương (thuộc xã Quảng Cư), giao cho Tập đoàn FLC xây dựng lại bờ biển, khiến người dân không còn kế sinh sống.
Trước tình hình ngày càng đông người dân tập trung trước cổng UBND tỉnh, nên Công an tỉnh Thanh Hóa đã phải điều động hàng chục chiến sĩ công an đến để bảo vệ trật tự. Xe cứu thương cũng được điều đến khu vực này thường trực để đề phòng có người nào không may xảy ra ngất xỉu hay ốm đau.
Theo phản ánh của nhiều người dân, sau khi UBND tỉnh giao cho đất cho Tập đoàn FLC, thì tập đoàn này đã chặn đường ra biển, thậm chí họ còn cho người ra xua đuổi và cấm người dân không được khai thác thủy sản gần bờ. Việc làm của Tập đoàn FLC đã được người dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã Quảng Cư và thị xã Sầm Sơn, nhưng không được giải quyết triệt để, khiến họ bức xúc.
Hàng trăm người dân kéo nhau lên khu vực cổng UBND tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, người dân xã Quảng Cư cũng cho rằng, Tập đoàn FLC lấy hết đất nông nghiệp, đất rừng của bà con, lại còn cấm không cho họ khai thách thủy sản, đánh bắt gần bờ, không cho ngươi dân neo đậu tàu thuyền tại khu vực bến mà bà con vẫn thường neo đậu bao đời nay mà phải chuyển về tận xã Quảng Hùng (Quảng Xương) và ra cảng Hới (xã Quảng Tiến - Sầm Sơn) xa cả chục km để neo đậu, vừa trái đường, đi lại khó khăn…. “Chúng tôi chỉ mong mỏi lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của chúng tôi thôi. Tập đoàn FLC đã lấy hết đất, lại cấm luôn cả đường kiếm sống của người dân chúng tôi nữa, thì chúng tôi phải lên tiếng”- một người dân bức xúc cho hay.
Tỉnh "hứa" tạo chính sách tốt cho bà con
Trước việc hàng trăm người dân kéo nhau lên tập trung trước cổng UBND tỉnh, đòi gặp lạnh đạo tỉnh để phản đối việc giải phóng khu neo đậu tàu thuyền của người dân ở phía Đông đường Hồ Xuân Hương (giáp khu nghi dưỡng của FLC) để giao cho FLC, ông Ngô Hoàng Kỳ - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Trưa ngày hôm qua (1.3), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền, đã gặp và đối thoại với người dân. Lãnh đạo tỉnh cũng đã hứa sẽ tạo cơ chế, chính sách tốt nhất cho bà con. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng ý và thỏa mãn với những yêu cầu của mình, nên họ vẫn chưa giải tán. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đang đang tiếp tục bàn bạc để có hướng xử lý.” - ông Kỳ cho hay.
Cuối giờ chiều ngày 1.3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 705/2016/QĐ-UBND ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Trường Sơn và phường Bắc Sơn, thị xã sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã sầm Sơn".
Quyết định nêu rõ: Mức hỗ trợ đối với hộ gia đình có tàu, thuyền khai thác hải sàn có công suất máy chính dưới 20cv giải bản (tức phá bỏ-PV), thì được hỗ trợ 70 triệu đồng/bè (bao gồm: Bè, ngư lưới cự, trang bị hảng hải, trang bị an toàn); Đối với loại: Mủng, ngư lưới cụ, trang bị hàng hải, trang bị an toàn là 50 triệu đồng/mủng; Hỗ trợ hộ gia đình (theo số khẩu thực tế) có tàu, thuyền khai thác hải sản công suất máy chính dưới 20CV giải bản thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng; mức hỗ trợ cho một nhân khẩu được tính bằng tiền tương đương 300 kg gạo tẻ/tháng theo thời giá trung bình tạì thời điểm hỗ trợ của địa phương; Hỗ trợ hộ gia đình có tàu, thuyền khai thác hải sản có công suất máy chính dưới 20CV giải bản, thì được hỗ trợ tìm nghề mới là 12 triệu đồng/bè và 8 triệu đồng/mủng; Hỗ trợ hộ gia đình có tàu, thuyền khai thác hải sản có công suất máy chính dưới 20CV giải bản trước trước ngày 15.3.2016, thì đưọc thưởng 10 triệu đồng/bè hoặc mủng (thời gian thực hiện trước 15.4.2016).
Bên cạnh đó, Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nêu: Hỗ trợ chủ phương tiện đóng mới, mua mới tàu cá khai thác hải sản (bao gồm cả máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị an toàn) một lần sau đầu tư (tương đương với mức lãi suất hỗ trợ khi vay vốn ngân hàng) là 35% giá trị đóng mới tàu. Theo đó, đối với tàu có công suất từ 30CV < 50CV: mức hỗ trợ là 125 triệu đồng; Đối với tàu có công suất từ 50CV < 70CV: mức hỗ trợ là 160 triệu đồng; Đối với tàu có công suất từ 70CV < 90CV: mức hỗ trợ là 195 triệu đồng; Đối với tàu có cồng suất từ 90CV trở lên: mức hỗ trợ là 250 triệu đồng. Điều kiện hỗ trợ một lần sau đầu tư: Chủ phương tiện đã hoàn thành đóng mới, mua mới tàu cá; chỉ được nhận hỗ trợ một lần sau đầu tư khi có đầy đủ các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản; Hỗ trợ lãi suất khi vay vốn ngân hàng với mức 7%/năm trên tổng vốn vay trong thời hạn 5 năm. Thời gian thực hiện là trong năm 2016 và nguồn kinh phí được trích từ ngân sách của tỉnh.
UBND tỉnh cũng giao cho UBND thị xã Sầm Sơn thống kê, xác định chính xác số lượng tàu, thuyền thuộc đối tượng, điều kiện được hỗ trợ theo quy định trong quyết định nêu trên gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính trước ngày 05.3.2016 để tổng họp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; Giao Sở Tài chính phối họp với sở Nông nghiệp vả PTNT ban hành hồ sơ mẫu để các đối tượng được thụ hướng chính sách kê khai và nộp cho UBND thị xã sầm Sơn chậm nhất vào ngày 3.3.2016.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.