Sáng 25/4, tại Hội nghị khoa học toàn quốc với chủ đề “Y tế công cộng Việt Nam: Thực trạng và định hướng tương lai”, PGS.TS Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, tại Việt Nam, chi tiêu tiền túi của người bệnh cho chi phí y tế vẫn là một gánh nặng cho bệnh nhân, dù hiện nay con số hơn 70% dân số tham gia BHYT đã giảm đáng kể chi tiêu tiền túi của người bệnh.
Người bệnh có thẻ BHYT sẽ có mức chi tiêu tiền túi ít hơn người bệnh không có thẻ BHYT, do được quỹ BHYT chi trả phần lớn viện phí. Ảnh minh họa: H.Hải
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân bằng hoặc vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì gọi là chi phí thảm họa. Trong khi đó, theo mức chung ở các nước có thu nhập trung bình, chi phí từ tiền túi cho y tế hiện là trên 52%. Và theo Báo cáo tổng quan ngành y tế năm 2013, chi phí từ tiền túi cho y tế tại Việt Nam là 54,8%, cao hơn mức trung bình, cao hơn hẳn Malaysia, Indonesia, Thái Lan (với mức chi tiêu tiền túi của người bệnh lần lượt là 40%, 30% và 19,2%) và chỉ thấp hơn Philipin, Camphuchia, Lào…
Chi phí thảm họa và nghèo hóa do chi phí y tế là các chỉ số phản ánh mức độ bảo vệ rủi ro tài chính, cho thấy phần trăm dân số có nguy c ơ phải đối mặt với khó khăn tài chính do các chi phí y tế phát sinh, cũng như mức độ của sự khó khăn đó. Hai chỉ số này được sử dụng để đo lường phạm vi bảo hiểm tài chính hoặc bảo hiểm chi phí hay mức độ bao phủ của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
|
Về tỉ lệ số hộ gia đình phải gánh chi phí thảm họa, nghèo hóa được nhận định là vẫn ở mức cao dù chi phí y tế ngày càng có xu hướng giảm xuống. Cụ thể, tỷ lệ hộ gia đình chịu mức chi phí thảm họa năm 2014 khoảng 2,3% (tương đương khoảng 550.000 hộ gia đình), giảm gần 40% so với năm 2010 là hơn 860 nghìn hộ gia đình chịu mức phí thảm họa nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực.Tỷ lệ nghèo hóa do chi phí y tế cũng có xu hướng giảm còn hơn 400.000 hộ sau 10 năm so với hơn 750.000 hộ năm 2004.
Trong khi đó, theo TS Minh, các hộ gia đình có người già, hộ gia đình ở nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo là những người phải gánh chi phí y tế thảm họa và nghèo hóa nhiều hơn các đối tượng khác.
Cụ thể, kết quả nghiên cứu với gần 2.000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Trung ương và BV Ung bướu TP HCM cho thấy sau 1 năm phát hiện bệnh, có 22,36% bệnh nhân bị khó khăn về kinh tế. Trong đó có gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc; 24% bệnh nhân không thể thanh toán tiền gas, điện, nước; 21% không thể thanh toán chi phí đi lại và có tới 15,2% không có tiền mua đồ ăn uống. Để giải quyết những vấn đề này, 66,7% bệnh nhân phải vay mượn; 22% bệnh nhân phải bán đi tài sản…
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ chi cho y tế từ tiền túi của người dân vượt quá 30% thì khó đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Vì thế, hiện Bộ Y tế đang thực hiện giải pháp để giảm chi tiêu tiền túi của ngườ bệnh, đó là thúc đẩy được toàn dân tham gia BHYT. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm mức chi tiêu tiền túi của người bệnh xuống dưới 40% và dưới 30% vào năm 2020.
Hồng Hải (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.