Hàng xách tay tung hoành

Thứ bảy, ngày 18/06/2016 08:36 AM (GMT+7)
Vấn đề quản lý, kiểm soát các loại hàng hóa “xách tay” đang bài toán khó đối với các lực lượng chức năng.
Bình luận 0

Ghi nhận tại địa bàn thành phố Vinh (Nghệ  An) gần đây cho thấy xuất hiện nhiều cửa hàng được gắn nhãn mác chuyên kinh doanh các mặt hàng ngoại. Trào lưu sính hàng xách tay mà coi nhẹ lợi ích, an toàn sức khỏe chính mình bởi chất lượng sản phẩm không nằm ở “mác” hàng ngoại. 

Từ mỹ phẩm đến thực phẩm

Thực tế, “sính” hàng ngoại là tâm lý thường thấy của một bộ phận người tiêu dùng. Chị Phan Thị Thanh (phường Quán Bàu -Nghệ An), một “tín đồ” của hàng Nhật, cho biết: “Mình thường mua các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm dưỡng da, đắp mặt của Nhật vì nghe bạn bè “mách nước” các sản phẩm làm đẹp này dùng thích. Giá các mặt hàng này cao hơn hàng nội từ vài chục đến vài trăm nghìn nhưng mình khá yên tâm vì mua hàng từ người quen”. 

Chị Nguyễn Kim Ngân (phường Hà Huy Tập, TP.Vinh) chuyển sang dùng nhiều mặt hàng xuất xứ từ nước này. Chị Ngân cho biết: “Hiện nay, nhiều đồ dùng trong nhà tôi như: Các loại mỹ phẩm, rửa bát, bột giặt, dép, bát, chén… đều có xuất xứ Thái Lan. Tôi thấy hàng Thái mẫu mã đa dạng, bền, đẹp mà giá cả chỉ nhỉnh hơn hàng Việt một ít. Hiện nay tìm địa chỉ mua sắm hàng Thái cũng rất thuận tiện”.  

Một cửa hàng chuyên bán hàng xách tay

Với lợi thế mẫu mã đa dạng, giá cả chỉ cao hơn các sản phẩm Việt cùng loại từ 10 - 20%, các mặt hàng ngoại đang ngày càng “được lòng” người tiêu dùng thành phố. Các mặt hàng xuất xứ từ các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… có mặt trên thị trường ngày càng nhiều. Từ các siêu thị, đến các chợ, cửa hàng.   

Chưa có số liệu thống kê, tuy nhiên, chỉ riêng trên một số tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng bán hàng ngoại như: Hồng Bàng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ… đã có đến hàng chục cửa hàng có biển hiệu giới thiệu bán hàng Thái, Nhật, Hàn Quốc.  

Chủ một cửa hàng kinh doanh hàng Hàn Quốc (đường Nguyễn Văn Cừ) cho biết: Cửa hàng chúng tôi bán khá chạy, từ rong biển, nước uống, mì tôm, mỹ phẩm… Chúng tôi còn phân phối hàng cho nhiều cửa hàng ở các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò…

Ai kiểm soát chất lượng hàng “xách tay”?

Sự xuất hiện của các mặt hàng xuất xứ nước ngoài đang làm phong phú thêm thị trường bán lẻ, tăng cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là việc kiểm soát các mặt hàng ngoại này vẫn còn những hạn chế nên người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi. Ghi nhận tại một số cửa hàng bán hàng xuất xứ nước ngoài trên địa bàn thành phố, hầu hết các mặt hàng lẫn lộn, xuất xứ không rõ ràng.

Tại một cửa hàng chuyên bán hàng Thái trên đường Hồng Bàng, rất nhiều mặt hàng được bày bán từ thực phẩm, tới mỹ phẩm, hàng tiêu dùng xuất xứ Thái Lan,  Malaysia, Hàn Quốc. Trong đó, một số mặt hàng không có nhãn phụ. Khi chúng tôi thắc mắc, chủ cửa hàng tên Hằng thừa nhận: Có người nhà ở Thái nên không có hóa đơn.  

Tại Siêu thị chuyên kinh doanh hàng Nhật Bản (đường Lê Hồng Phong - NA) nơi có rất nhiều mặt hàng được giới thiệu là xuất xứ Nhật, chủ cửa hàng cho biết: Hàng của chúng tôi bán rất chạy, đặc biệt là hàng cho trẻ em, hầu hết là hàng “xách tay” nên không có nhãn phụ, khách hàng muốn biết thông tin sản phẩm thì lên mạng tìm hiểu để tư vấn. Mỗi tháng chúng tôi nhập khoảng 20 chuyến hàng, với số lượng đến cả tạ. Là hàng “xách tay” nên giá cao hơn các nơi khác nhưng chất lượng thì yên tâm”. 

Tuy là hàng “xách tay” nhưng nghịch lý là tại các cửa hàng này, hàng hóa lại bày bán với số lượng rất lớn.  

Rõ ràng vấn đề quản lý, kiểm soát các loại hàng hóa “xách tay” đang bài toán khó đối với các lực lượng chức năng. Ông Nguyễn Văn Thủy - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ xử lý – Chi Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: “Rất khó để chứng minh được có phải hàng “xách tay” hay không. Hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ thì đều bị coi như là hàng nhập lậu. Nhưng hiện nay hóa đơn trôi nổi nhiều, nhiều chủ cửa hàng tìm cách để đối phó với lực lượng chức năng; gây khó khăn rất lớn trong việc kiểm soát nguồn gốc của các mặt hàng nhập khẩu”. 

Sự  xuất hiện và gia tăng các loại hàng hóa Thái, Nhật, Hàn trên thị trường mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, có nhiều loại hàng hóa bị pha trộn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây nhầm lẫn, thiệt thòi cho khách hàng. Bởi, với các hàng hóa “xách tay” rất khó có thể kiểm soát được chất lượng, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm... nguy cơ hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái rất cao. 

Thói quen mua sắm của người tiêu dùng hiện đại luôn ưu tiên hàng xuất xứ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, lựa chọn hàng ngoại, người tiêu dùng mới chỉ được thỏa mãn về tiêu chí mẫu mã đa dạng phong phú, còn chất lượng sản phẩm rất khó kiểm soát. Đừng vì trào lưu mà coi nhẹ lợi ích, an toàn sức khỏe chính mình bởi chất lượng sản phẩm không nằm ở “mác” hàng ngoại. 

Nguyệt Minh (Báo Nghệ An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem