Hành trình của Thái An với mẹ

Thứ sáu, ngày 05/05/2017 19:00 PM (GMT+7)
Mẹ của An, Trần Thị Minh Thảo lấy chồng từ năm 20 tuổi, 27 sanh ra Phạm Thái An. Giờ thì người mẹ đơn thân này đã gần 40.
Bình luận 0

Ngày cậu bé hai tuổi, mẹ bé An bắt đầu những hành trình tìm lối thoát cho cả cuộc đời mẹ và con, trong khi An thì chỉ biết xoay cái muỗng suốt ngày với ánh mắt khờ dại.

img

Hai mẹ con Thảo( bên trái) và An. Ảnh: Trần Hoài Thư

“Khi biết con bị bệnh tự kỷ, trong những ngày tháng chữa bệnh cho con, mình bị căng thẳng đến nỗi, có những lúc muốn cả hai mẹ con chết đi cho rồi. Nhưng có lần mình xem bộ phim có hai cha con cũng rơi vào tình huống đó, người cha đã cột chân con vào chân mình và nhảy xuống sông. Bản năng sống của cậu con trai trỗi dậy, câu đã tháo được sợi dây và cứu cả cha mình lên. Xem phim đó xong, mình biết, mình phải sống để cho con được sống. Và những giấc mơ để mình rơi hoàn toàn cũng qua đi”.

Không thể ngồi đó mà than trách số mệnh. Hai mẹ con bắt đầu hành trình giúp nhau trưởng thành. Mẹ dạy An từ những việc nhỏ nhất, ngủ dậy, biết gấp quần áo, đánh răng, tự ăn cho đến nay, An đã gần 12 tuổi đã biết tự nấu cho mình một vài món ăn như trứng chiên, nấu cơm, luộc rau. An dạy lại mẹ sự kiên nhẫn và lòng thương. Từ một cô gái trẻ với bao nhiêu mơ ước đẹp về cuộc hôn nhân đầu đời, mẹ An phải từng ngày đấu tranh với những oan nghiệt mà cô gặp: sinh con tự kỷ, chồng bỏ nhà đi lấy vợ khác, và cô chỉ còn một mình để chống chọi với mọi bi kịch. Cũng may cô còn hai người em bên cạnh chia sẻ cùng hoàn cảnh của chị gái mình. Cha mẹ cô cũng đã qua đời. Thảo đã gạt nước mắt và đau khổ để cùng con từng bước. Niềm hạnh phúc nhất của Thảo là mỗi khi An ngồi vẽ. Lên ba, An không biết giao tiếp bằng lời, cậu chỉ vẽ ra những gì mình muốn nói với mẹ và mọi người. Từ đó, Thảo nhận ra năng khiếu vẽ của con. Thảo tìm thầy cho con vì không có nơi nào nhận dạy cậu bé tự kỷ cả. Và hiện nay, lúc này, An vẫn học cùng với lớp dành cho trẻ chuyên biệt.

Câu chuyện của chúng tôi tiếp diễn, chỉ tay lên sân khấu đang trưng bày mười bức tranh của An sẽ đấu giá trong trong chương trình “Tôi đã hiểu, còn bạn?” của ca sĩ Thái Thuỳ Linh phối hợp với hội quán Các bà mẹ hôm nay, Thảo nói: “Bức thấp nhất của An là 5 triệu đồng và có bức đã được trả 15 triệu đồng đó chị. Số tiền bán được sẽ đóng góp một phần cho quỹ vì trẻ em tự kỷ”.

Thảo cho rằng, dù có tự lập được đến mức nào thì cũng chỉ là tiến bộ trong mức của con mắc tự kỷ, “Vì đây là một hội chứng mà con mắc phải sẽ đi liền suốt đời. Và cha mẹ cũng phải chấp nhận điều này để giúp con. Quan trọng là mình có thể giữ sức khoẻ và tinh thần cho tốt để còn được cùng con trên chặng đường dài hơn, cho con được lớn hơn”.

Bảng chữ “Tự kỷ, hãy yêu thương vô điều kiện”, cậu bé mặc áo dài nam giơ lên trong tiết mục trình diễn áo dài trẻ em của nhà thiết kế Phương Nguyễn Silk. Tôi hỏi Thảo: “Ba An thì sao, bây giờ ông có quan tâm đến cậu bé không?” – “Hiện tại, thỉnh thoảng anh ấy có ghé thăm và chở An đi chơi. Không hiểu sao ít gần ba, nhưng khi anh ấy xuất hiện ở cửa, An đã lao ra ngoài đòi ba bế như hồi còn nhỏ xíu. Dù những gì anh ấy đã làm ở quá khứ thì mình vẫn nghĩ, anh ấy là cha của An, vì vậy, để cho hai cha con gặp nhau là điều tốt nhất mà An mong ước. Giờ đây, có những lúc mình bất lực với tâm sinh lý của con, mình lại mong giá mà An có người cha bên cạnh. Và dù không được vậy, mình vẫn mong anh ấy đến với con thường xuyên hơn. Mà lỡ sau này, mình có chuyện gì, An vẫn còn có cha. Vì An, mình có thể làm tất cả, kể cả hy sinh cả cuộc đời mình, thì chỉ vì một cảm xúc cá nhân, mình làm sao có thể tước đoạt đi tình thương của con với người cha của nó, và cả tương lai cuộc đời con sau này nữa”.

Hồ Trần (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem