Hành trình “làm người lương thiện” gian nan của giang hồ khét tiếng Hùng “sầu“

Đàm Vân - Linh Đan (Dòng đời) Thứ hai, ngày 08/09/2014 20:11 PM (GMT+7)
Từ một tay giang hồ cộm cán, 3 lần vào tù ra tội vì sẵn sàng chém bất cứ ai dám động đến lãnh địa bảo kê của mình, Lê Thừa Dương Hùng (được giới giang hồ tứ chiếng gọi là Hùng “sầu”) đã từ bỏ chốn giang hồ để hướng đến cõi thiện. Hùng “sầu” giờ đã hết sầu và cơ sở mỹ nghệ của anh đang là chỗ nương thân cho nhiều đối tượng cai nghiện ma túy và phạm nhân mới ra tù.
Bình luận 0

Đại bản doanh của Hùng “sầu” bây giờ là một cơ sở điêu khắc mỹ nghệ bên trong một con hẻm nằm khuất sau chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.HCM). Dưới ánh nắng hắt vào khuôn mặt đầy sương gió, Hùng “sầu” tỏ vẻ trầm ngâm ít nói nhưng nở nụ cười đầy thân thiện kể với chúng tôi rằng chính ngôi chùa này đã khai sáng cuộc đời đầy tăm tối của anh.

img

Lê Thừa Dương Hùng.

 

Hùng “sầu” kể với chúng tôi về giai đoạn sóng gió của đời mình, thi thoảng ngoái mặt nhìn những tay thợ đang cẩn thận đục đẽo từng bức tượng Phật bằng gỗ - sản phẩm chính của cơ sở anh – rồi bảo: “Mười mấy công nhân ở đây thì một nửa mới đi tù về, gần một nửa còn lại là các con nghiện mà các gia đình gửi đến nhờ tôi giúp, còn công nhân có “lai lịch sạch” chỉ vài người”.

Trên tay, chân và khắp người những “tay thợ” của Hùng “sầu” đầy những hình xăm vằn vện, như bằng chứng của những năm tháng phiêu bạt giang hồ. 
 
Tay giang hồ khét tiếng từ Bắc chí Nam...

Hùng “sầu” nhớ lại, trong những tháng ngày sống nay đây mai đó, từ nhỏ đã lang thang khắp nơi, đến năm 11 tuổi thì gặp Lê Lam, một đại ca giang hồ khét tiếng đất Quảng Trị và khu vực miền Trung, từng phiêu bạt trong thế giới ngầm ở Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản. Vì có tố chất đại ca nên Hùng lọt vào mắt Lê Lam.

Được Lê Lam thu nạp, chỉ trong một thời gian ngắn, cậu bé Hùng đã trở thành cánh tay đắc lực của đại ca đất Quảng. Như “cá gặp nước”, Hùng ngày càng trở thành một tay giang hồ nhí hung bạo, sẵn sàng đâm chém bất cứ ai khi thích. Năm 15 tuổi, trong một lần bảo kê cho đàn em ở bến xe khách ở Huế, Hùng đã đánh người gây thương tích nặng. Vì chưa đủ tuổi thành niên, Hùng chỉ bị giữ 2,5 năm ở trại để giáo dục.

img
Anh Hùng tận tâm chỉ dạy những người em, người anh vào học nghề. Cơ sở điêu khắc Tịnh Tín của anh Lê Thừa Dương Hùng luôn giang rộng vòng tay đón nhận những cảnh đời lầm lỡ. (Ảnh: Linh Đan)

Khi trở về, những gì được giáo dục ở trại, Hùng đã quên sạch và tiếp tục lao vào con đường giang hồ, ngày càng lún sâu vào tội lỗi. Hùng “sầu” nhớ lại: “Có lần, bị nhóm giang hồ tấn công, một mình tôi lao vào giữa đám người đó, đánh trả đến cùng. Cầm con dao thái thịt trên tay, tôi đã chặt đứt bàn tay của một đối tượng. Sau đó, tôi xẻo 1 vành tai của tên này rồi đêm về khoe với đại ca mình, coi như chiến lợi phẩm”.

Nhưng rồi, Hùng “sầu” cũng không thể làm mưa làm gió. Một lần ra Quảng Trị, Hùng đã đánh trọng thương một công an. Hùng “sầu” lần thứ 2 dính vào con đường lao lý, bị bắt và kết án 3,5 năm tù giam. Chấp hình phạt không được bao lâu, với bản tính một tay giang hồ tinh ranh, Hùng “sầu” vượt ngục thành công, lang bạt khắp nơi rồi trôi dạt vào đất Sài Gòn. 

Gã giang hồ nhanh chóng tìm được một băng nhóm đòi nợ thuê ở khu vực An Sương (quận 12, TP.HCM) đầu quân. Hùng “sầu” nhận làm nhiệm vụ đi đòi nợ thuê ở các tỉnh lân cận Sài Gòn cho Tâm “voi”. Đúng lúc này thì Hùng “sầu” biết được tin mình bị truy nã toàn quốc vì trốn tù. Hùng “sầu” đã phải cao chạy xa bay qua đất Campuchia ẩn trốn.

Mặc dù sống ở đất khách quê người nhưng với cái bản tính một tay giang hồ, Hùng “sầu” tiếp tục gầy dựng băng nhóm bảo kê cho khu người Việt. Tuy nhiên vì không thể cạnh tranh được với nhóm giang hồ bản địa, Hùng lại tiếp tục trôi dạt sang Lào 6 tháng trước khi về Việt Nam để tiếp quản chiếc ghế đại ca của Tâm “voi”. 

Thời gian này, Hùng “sầu” sa vào con đường hút chích, nghiện ngập, càng trở nên một kẻ máu lạnh đáng sợ.  

"Điều gì làm anh day dứt mà đến giờ vẫn không thể nào gột rửa được?" - chúng tôi chen ngang lời anh.

Hùng “sầu” trầm ngâm: “Có lần đi đòi nợ, gặp con nợ là phụ nữ, không trả tiền, tôi đã cho đàn em đoạt lấy chiếc xe máy của chị ấy. Người đàn bà này khóc lóc, van xin trả lại phương tiện kiếm sống duy nhất của gia đình. Tôi không có một chút động lòng mà còn dùng chân đạp liên tiếp vào bụng người phụ nữ đó. Cú đạp đã khiến chị này sảy thai”.
 Lúc này, tôi không thể kìm được nước mắt vì từ trước giờ chẳng ai cho không mình bất cứ điều gì. Tất cả những gì tôi có trước đó, điều đánh đổi bằng máu. Nhưng giờ đây, trước mắt tôi là một vị sư hiền lành và một bát cơm. Tôi khóc, và ăn ngon lành…” - Lê Thừa Dương Hùng

 “Ngày trở về vô cùng gian nan…”

Hùng “sầu” vẫn ý thức được rằng hắn sẽ bị công an tóm bất cứ lúc nào nếu về tiếp quản chiếc ghế của Tâm “voi” để lại. Nhưng vì đàn em cấp dưới không thể sống nếu băng nhóm như rắn không đầu, Hùng đã chấp nhận mạo hiểm trở về Việt Nam.

Cái giá cho chiếc ghế đại ca đó một lần nữa đã đưa Hùng “sầu” ngồi tù gần 2,5 năm. Trong thời gian ngồi tù, anh vừa lao động vừa cải tạo năng nổ, tranh thủ học chữ. Đến năm 20 tuổi, Hùng “sầu” mới đọc ê a những chữ cái đầu tiên. Rồi chính cái sự học, cải tạo trong tù, Hùng “sầu” thèm được làm lương thiện, thèm được cái tình thương giữa người với người. Từ đó, Hùng “sầu” quyết tâm hoàn lương.

Nhưng cuộc sống bên ngoài không như những gì Hùng đã tưởng tượng lúc trong tù. Mãn hạn tù, đi đâu, Hùng cũng bị người ta khinh rẻ, xem là thằng giang hồ, chẳng ai chứa chấp, nhận vào làm. Chẳng ai xem anh là một thằng có lòng hướng thiện, muốn làm việc thiện. Thế rồi, Hùng lang thang phiêu bạt, sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Có lúc, Hùng muốn quay trở lại con đường đâm thuê chém mướn.

Hùng nhớ lại: “Trong một lần đi lang thang, tôi vào một ngôi chùa, ngồi giữa sân rất lâu như một sự ăn năn hối hận về những tội lỗi mình đã gây ra. Giữa cái nắng chói chang của trưa hè, từng cơn thèm thuốc (lúc ra tù, Hùng vẫn chưa cai nghiện xong - PV) cộng với cái đói dường như làm cho tôi thấm thía cái sự thèm khát được yêu thương, tình cảm của mọi người. Đúng lúc đó, từ trong nhà chùa bước ra, một vị sư cầm bát cơm và mời tôi ăn. Lúc này, tôi không thể kìm được nước mắt vì từ trước giờ chẳng ai cho không mình bất cứ điều gì. Tất cả những gì tôi có trước đó, điều đánh đổi bằng máu. Nhưng giờ đây, trước mắt tôi là một vị sư hiền lành và một bát cơm. Tôi khóc, và ăn ngon lành…”.

Rồi từ đó, ngày nào anh Hùng cũng tìm đến cửa phật để ngồi tịnh tâm. Trong một lần như thế, anh biết được đại ca Lê Lam, người một thời làm mưa làm gió trong giới giang hồ miền Trung, giờ đã quy y cửa phật. Gặp lại đại ca một thời của mình, Hùng “sầu” vô cùng bất ngờ khi nghe Lê Lam kể về những day dứt, ân hận và sám hối mà ông từng trải qua. Được nghe ông nói về những mơ ước xóa bỏ những nghiệp chướng mà mình đã gây, Hùng “sầu” càng  quyết tâm hoàn lương, làm lại cuộc đời mình.

Tự cai nghiện ở nhà, Hùng “sầu” đi tìm nghề điêu khắc gỗ để học. Sau gần 4 năm miệt mài, tay nghề của anh đã vững chãi. Với số tiền dành dụm được, Hùng “sầu” quyết định mở một xưởng điêu khắc Tịnh Tín (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) để thu nhận những đứa trẻ, người lang thang, phạm pháp vừa ra tù về dạy nghề miễn phí. Giờ đây, cơ sở của anh đã không ngừng lớn mạnh, uy tín. Anh nhanh chóng mở thêm một cơ sở ở Đăk Nông.

Chia sẻ những thành công ban đầu, anh Hùng vẫn luôn ấp ủ một dự định táo bạo: “Khi mở cơ sở dạy nghề điêu khắc miễn phí, có rất nhiều người là nữ đến xin vào học. Vì điều kiện nơi ăn chốn ở, tôi không thể tiếp nhận nữ nên giờ vẫn có ước nguyện mở một xưởng may để đón nhận họ vào học nghề. Có như thế, tôi đã thỏa ước nguyện dùng đôi bàn tay từng tội lỗi của mình để làm những điều tốt đẹp cho đời…”.

Hỏi Hùng “sầu” khu vực An Sương giờ có ai còn nhớ đến tên anh nữa không, Hùng bảo giới giang hồ khu vực đó vẫn còn nhắc nhưng “nhắc làm chi nữa cho thêm buồn. Tôi đã quên cái chốn địa ngục trần gian đó rồi”. 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem