Hành trình "săn" virus dịch tả lợn châu Phi: 4 năm nữa mới có?

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 12/04/2019 13:44 PM (GMT+7)
Nhìn lại hành trình thế giới “săn” virus dịch tả lợn châu Phi cả trăm năm qua kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện vào những năm 1920, mới thấy việc sản xuất được vaccine phòng chống dịch bệnh này là một nhiệm vụ vô cùng gian khó.
Bình luận 0

Theo ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y, trên thế giới đã và đang có rất nhiều công trình nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi (tổng cộng đã có trên 1.500 bài báo khoa học nói chung về bệnh và khoảng 200 bài báo khoa học chuyên về vaccine).

Tuy nhiên, đến nay chưa có bất kỳ loại vaccine dịch tả lợn châu Phi (AFS) nào được phép lưu hành và đưa vào sử dụng trong thực tế vì virus AFS có cấu trúc gen phức tạp, có nhiều loại protein khác nhau được mã hóa bởi nhiều gen khác nhau, nên hiện các nhà nghiên cứu chưa xác định được loại kháng nguyên nào dùng để sản xuất vaccine để giúp lợn có cả đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào.

img

Đến nay chưa có vaccine để phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: T.L

Virus AFS tấn công vào tế bào đại thực bào (Macrophage), nhân lên, phá hủy hoặc làm điều chỉnh chức năng hoạt động của tế bào này, dẫn đến lợn bị nhiễm bệnh không còn khả năng tạo ra miễn dịch để chống lại virus.

Thực tế, một số vaccine dịch tả lợn châu Phi đã được sản xuất và thử nghiệm ở trong phòng thí nghiệm ở một số quốc gia. Các vaccine này có thể giúp lợn có được kháng thể, nhưng loại kháng thể này không hoặc ít có khả năng làm trung hòa, tiêu diệt được virus.

Cụ thể, ông Đông thông tin, từ những năm 1960, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã nghiên cứu và thử nghiệm loại vaccine vô hoạt toàn phần (hay còn gọi là vaccine chết, inactivated vaccine). Vaccine có khả năng tạo kháng thể, tuy nhiên, không có hiệu quả bảo hộ sau khi công cường độc với chủng virus thực địa. Lợn thí nghiệm được tiêm vaccine vô hoạt nhưng không có khả năng chống lại virus AFS.

Cũng trong những năm 1960, hai nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm vaccine nhược độc được sản xuất từ chủng virus AFS nhược độc ngoài tự nhiên (nhược độc toàn phần). Tuy nhiên, sau đó vaccine này không được sử dụng vì lo ngại virus nhược độc có trong vaccine có thể biến đổi đột biến gen, chuyển thành dạng độc lực cao gây ra dịch bệnh trầm trọng hơn, sẽ không đảm bảo được an toàn sinh học khi sử dụng.

Năm 2017, các nhà khoa học của phòng thí nghiệm tham chiếu dịch tả lợn châu Phi của châu Âu đặt tại Tây Ban Nha cũng phân lập được một chủng virus dịch tả lợn châu Phi có độc lực thấp từ lợn rừng tại Latvia.

Mỹ cũng đã cấp 2 bằng sáng chế cho Công ty Zoetis liên quan đến sản xuất vaccine AFS. 

Ông Đông cho biết thêm, Chính phủ các nước châu Âu; Chính phủ Mỹ có chính sách ưu tiên đặc biệt, sẵn sàng cấp kinh phí và có cơ chế đặc biệt cho phép lưu hành nếu có vaccine; Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt khẩn cấp chương trình nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi sử dụng chủng virus phân lập tại nước này. Các kết quả nghiên cứu nêu trên của thế giới đã tạo tiền đề quan trọng cho việc định hướng phát triển nghiên cứu về các giải pháp phòng, chống bệnh tại nước ta.

“Trên thế giới, đã có nhiều cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sản xuất vaccine phòng bệnh cho động vật tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi nhưng chưa có bất kỳ vaccine nào được phép lưu hành. Theo đoàn chuyên gia của FAO sang Việt Nam hỗ trợ khẩn cấp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, ít nhất 4 năm nữa trên thế giới mới có vaccine dịch tả lợn châu Phi được phép lưu hành và sử dụng" - ông Đông thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem