Hành vi "nựng" bé gái của nguyên Viện phó VKS xử lý thế nào về Đảng?

Lương Kết Thứ năm, ngày 04/04/2019 13:42 PM (GMT+7)
Trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó VKSND Đà Nẵng có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy có điều khác so với trường hợp đối tượng sàm sỡ cô gái trong thang máy ở Hà Nội, bị phạt hành chính 200 nghìn đồng.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Đà Nẵng thừa nhận là người trong clip (ảnh IT).

Dư luận đang hết sức phẫn nộ về trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh – người có hành vi sàm sỡ một bé gái trong thang máy ở TP. HCM. Điều đáng nói hơn, người có hành vi như vậy lại nguyên là Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Đà Nẵng (nghỉ hưu năm 2018). Ngày 3.4, khi trả lời trên plo.vn, cũng như khi làm việc với Công an quận 4 –TP.HCM, ông Linh xác nhận là người trong clip nhưng phủ nhận việc sàm sỡ hay dâm ô gì bé gái mà chỉ là "nựng" cháu bé vì thấy cháu dễ thương.

Hiện Cơ quan Công an đang củng cố hồ sơ để đưa ra hướng xử lý. Xét về mặt nhân thân trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh có điểm khác so với trường hơp đối tượng sàm sỡ cô gái trong thang máy ở Hà Nội, bị xử phạt hành chính 200 nghìn đồng. Đối tượng sàm sỡ cô gái trong thang máy ở Hà Nội không phải là cán bộ, đảng viên nên ngoài việc bị xử lý hành chính, phạt 200 nghìn đồng, đối tượng không có tư cách gì nữa để bị xem xét xử lý.

Còn đối với trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh, ông này là đảng viên, là cán bộ nghỉ hưu (theo thông tin trên cổng thông tin của Viện KSND thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Linh từng là Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Đà Nẵng) nên khi có dấu hiệu sai phạm thì việc xem xét, xử lý sẽ khác so với đối tượng sàm sỡ cô gái ở Hà Nội. Trước tiên tổ chức Đảng nơi quản lý ông Nguyễn Hữu Linh cần phải vào cuộc.

Trao đổi với PV Dân Việt, một vị Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, về mặt nguyên tắc, khi một đảng viên có hành vi gây bức xúc dư luận, ngoài việc đang bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý thì tổ chức Đảng nơi quản lý đảng viên đó có thể chủ động vào cuộc để xem xét. Khi tổ chức Đảng xem xét thấy hành vi của đảng viên đó là vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì thi hành kỷ luật, không nhất thiết phải chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trường hợp một đảng viên có hành vi vi phạm gây bức xúc dư luận xã hội thì tổ chức Đảng cần chủ động vào cuộc. Và hành vi của đảng viên đó phải được xem xét, xử lý về mặt Đảng trước tiên. Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Điều đó có nghĩa là một hành vi sai phạm của người đảng viên, tổ chức Đảng xem xét, xử lý về mặt Đảng, còn phía các cơ quan chức năng xem xét xử lý nếu ở mức độ hành chính thì xử lý hành chính, ở mức độ hình sự thì xử lý hình sự.

Theo Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, tại Điều 33 có quy định xử lý về vi phạm về đạo đức, nếp sống văn minh. Cụ thể, Khoản 1: Đảng viên có hành vi quấy rối tình dục dưới mọi hình thức, thuộc trường hợp gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách; Khoản 2: Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định của Khoản 1 mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ); Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 và 2 gây hậu quả rất nghiêm trọng sẽ bị thi hành kỷ luật khai trừ.

- "Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng" là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại không lớn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

- "Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng" là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, Cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

- "Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng" là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

- "Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây phẫn nộ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất tư cách của đảng viên và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem