Hào hùng công trình thế kỷ

Thứ ba, ngày 27/05/2014 06:16 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một đường dây siêu cao áp chỉ với thời gian 2 năm, vừa thiết kế, vừa thi công - trong khi thế giới đánh giá phải làm từ 8-10 năm. Đó là một kỳ tích chưa từng có.
Bình luận 0
Hôm nay (27.5), ngành điện lực tổ chức kỷ niệm trọng thể sự kiện đáng nhớ này.

Trở lại bối cảnh đất nước những năm 80-90 của thế kỷ trước để chúng ta có thể hình dung ra rằng, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển đất nước những năm ấy là áp lực cực lớn đối với ngành điện Việt Nam, trong điều kiện khu vực miền Nam với một nền kinh tế năng động, nhu cầu điện luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Công suất lắp đặt các nhà máy của miền Nam chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu nên phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần. Trong khi đó, ở khu vực miền Trung, do đường dây quá dài nên công suất truyền tải bị hạn chế và chất lượng điện cuối nguồn cũng không đảm bảo.

Đường dây 500KV đang ngày đêm cung cấp đủ điện cho các tỉnh phía Nam.
Đường dây 500KV đang ngày đêm cung cấp đủ điện cho các tỉnh phía Nam.

Bối cảnh ấy đòi hỏi những người đứng đầu Chính phủ nói chung và ngành điện Việt Nam nói riêng phải nghĩ đến việc xây dưng đường dây siêu cao áp thống nhất hệ thống điện cả nước. Nhiệm vụ này được Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho đích thân ông Vũ Ngọc Hải - Bộ trưởng Bộ Năng lượng thời bấy giờ chủ trì.

Sau đó, dự án công trình thế kỷ- Đường dây 500KV Bắc -Nam ra đời. Mục tiêu xây dựng công trình đường dây 500KV Bắc-Nam mạch 1 là nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa từ miền Bắc để cấp điện cho miền Trung và miền Nam đang trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ ba miền thành một khối thống nhất.

Một quyết định táo bạo.

Đáng ra đường dây 500KV Bắc-Nam đã được xây dựng sớm hơn và việc miền Nam thiếu điện đã được khắc phục sớm, nhưng những ý tưởng về một công trình như vậy đã vấp phải không ít những lực cản. Ông Vũ Ngọc Hải - người được coi là “kiến trúc sư” của công trình thế kỷ sau này nhớ lại: “Sau khi Thủy điện Hoà Bình làm xong thì miền Bắc thừa điện, trong khi đó miền Nam lại thiếu điện. Tôi đã tính hoặc sẽ bán điện cho Trung Quốc, hoặc làm đường siêu cao áp để dẫn điện vào trong Nam”.

Việc thiếu điện ở miền Nam lúc đó không phải là lỗi của ngành điện. Theo ông Hải, việc thiếu điện ở miền Nam lẽ ra đã được khắc phục sớm hơn nhiều, vì khi sắp xây dựng xong Nhà máy Thủy điện Trị An chúng tôi đã bàn với Bộ trưởng Năng lượng Liên Xô thời bấy giờ là sẽ xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện. Phía Liên Xô đồng ý sẽ tài trợ vốn và đã cử người sang giúp, nhưng khi tôi trình lên trên thì lại không được duyệt.

Một hôm, “cụ” Đỗ Mười (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) chất vấn tôi: “Vì sao để miền Nam thiếu điện?”. Tôi đáp: “Là do các anh không duyệt”. “Cụ” Mười chất vấn tiếp: “Các anh là ai?”. Tôi đáp: “Chính anh không duyệt!”. Nghe tôi báo cáo lại chi tiết, “cụ” Mười cười: “À lúc đó mình mới là Phó Thủ tướng”.

Theo lời kể của ông Hải: Sau này, anh Kiệt (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) chủ trì cuộc họp Chính phủ, tôi trình bày lại 2 phương án trên. Anh Kiệt hỏi: “Ý anh nghiêng về phương án nào?”. “Ý tôi là nên đưa điện cho miền Nam”. Anh Kiệt lại hỏi: “Vì sao?”. Tôi trả lời: “Cả hai phương án tôi đều đã cho anh em khảo sát và làm luận chứng cả rồi. Trong khi chúng ta đang thiếu điện mà lại đi bán thì về chính trị và kinh tế đều không ổn, rồi sau này mình không bán nữa thì lại bỏ phí đường dây. Trong quy hoạch đã có việc xây dựng đường dây cao áp trong vài năm tới, tức là việc xây dựng đường cao áp thì trước sau gì mình cũng phải làm, chỉ có điều nay mình làm sớm hơn thôi. Mà tốt nhất làm đường dây 500KV là an toàn nhất”.

Rất may là những ý kiến của Bộ trường Vũ Ngọc Hải đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ủng hộ và Chính phủ nhất trí cho triển khai đưa điện vào miền Nam, thay vì bán điện cho Trung Quốc.

Ông Vũ Ngọc Hải kể: “Trước Tết 1992, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho làm, thì tháng 3. 1993 mới ký phê duyệt luận chứng, tháng 5 đã phải khởi công. Vì vậy phải vừa thiết kế, vừa thi công. Nhưng tôi yêu cầu, bất cứ công trình nào khi làm phải có thiết kế, phải huy động chất xám của cả trong nước và nước ngoài. Huy động tổng lực các lực lượng trong ngành, ngoài ngành như quân đội, nhân dân… tham gia. Với phương án đó, trong phạm vi 2 năm chúng tôi đã làm xong”.

Còn ông Trần Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó Chỉ huy công trình 500KV Bắc-Nam thì kể: “Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một đường dây siêu cao áp chỉ với thời gian 2 năm, vừa thiết kế, vừa thi công trong khi thế giới đánh giá phải làm từ 8-10 năm là một kỳ tích chưa từng có. Sở dĩ chúng ta làm được như vậy là do ý chí của con người, bên cạnh những quyết sách động viên hợp lý của Chính phủ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Hai năm đó để lại một tác phẩm đỉnh cao của thời đại với sự tham gia của một tập thể lớn con người để kịp tiến độ công trình”.

Ý chí Võ Văn Kiệt

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nói rằng một trong những người có công lớn nhất là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Không có quyết tâm lớn, sự quyêt liệt, táo bạo của ông thì chưa chắc công trình đã được xây dựng sớm như vậy.

Mặc dù Chính phủ đã quyết định xây dựng đường dây 500KV, nhưng tại nhiều diễn đàn quan trọng vẫn còn không ít ý kiến “bàn ra tính vào”, thậm chí có cả những chuyên gia nước ngoài.

Ông Vũ Ngọc Hải kể: “Khi chúng tôi đang làm đường dây thì có một “cha” giáo sư Việt kiều ở Nhật viết một bài gửi cho tất cả các ủy viên Bộ chính trị, Quốc hội… nêu 3 vấn đề: 2 năm không thể xong; đường dây làm theo kiểu ¼ bước sóng nên sẽ không đưa điện được vào miền Nam; sẽ vượt dự toán rất cao.

Tôi ra Quốc hội giải trình: 3 vấn đề đó chúng tôi đều đã có hướng xử lý- xây thêm các trạm bù để khắc phục ¼ bước sóng; tôi khẳng định 2 năm sẽ làm xong, vì không phải chúng tôi làm một điểm mà đồng loạt ra quân ở nhiều địa điểm. Và cứ 10km tôi cử một kỹ sư đi giám sát... Nhưng đến khi triển khai thì chính “tay” giáo sư này lại về nước xin được tham gia xây dựng”.



Đường dây 500KV Bắc-Nam mạch 1 có chiều dài 1.487km, gồm 3.437 trụ tháp sắt, kéo dài từ Thủy điện Hòa Bình đến trạm 500KV Phú Lâm (TP.HCM). Đường dây đi qua 14 tỉnh thành phố, trong đó qua vùng trung du- cao nguyên là 669 km; núi cao, rừng rậm là 521km (chiếm 35%) với 8 lần vượt sông là sông Đà, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Sài Gòn, và 17 lần vượt quốc lộ. Sau hơn 2 năm thi công thần tốc, đến ngày 27.5.1994, công trình chính thức đóng điện đưa vào vận hành và hợp nhất hệ thống điện trong toàn quốc, mỗi năm truyền tải khoảng 2 tỷ kWh vào TP.HCM với công suất lớn nhất từ 600MW - 800MW.

Tôi còn nhớ tại diễn đàn Quốc hội đã có không ít đại biểu, thậm chí là cả Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thời bấy giờ cũng tỏ ra nghi ngại về thành công của đường dây 500KV. Ông Vũ Ngọc Hải nhớ lại: “Có lần thậm chí Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng lo lắng nói với tôi: “Này, liệu Đường dây 500KV có đổ không?”.

Tôi báo cáo: “Anh cứ yên tâm, về mặt kỹ thuật đường dây 500KV dứt khoát không có vấn đề gì! Khó khăn nhất là việc bảo vệ an ninh cho nó”. Tuy nhiên tôi cũng đã suy nghĩ rất kỹ, trong trường hợp xấu nhất, nghĩa là đóng điện không thành công thì chính tôi sẽ xin từ chức trước, chứ không đợi cấp trên phải cách chức”.

Còn ông Vũ Quốc Tuấn- Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì nói: “Hôm đóng điện, ngày 27.5.1994, anh Kiệt mang sâm banh đến trụ sở làm việc, với sự hồi hộp thấy rõ. 7 giờ tối đóng điện, nhưng 5 giờ anh Sáu đã đến. Anh Sáu ngồi chờ. Mừng thì mừng thật, nhưng cũng lo. Khi đóng điện thành công anh Sáu vui mừng không tả xiết!”.

Kể lại những ngày gian khó mà hào hùng ấy chúng ta mới thấy rằng, để có được Công trình thế kỷ- đường dây 500KV Bắc-Nam, ngoài việc tập thể ngành điện nói riêng và người dân cả nước nói chung phải lao động cật lực, thậm chí là hy sinh cả máu xương, còn không ít những con người đã hy sinh thầm lặng, dám đánh đổi cả sinh mạng chính trị cho sự thành công của công trình thế kỷ.

Lê Thọ Bình (Lê Thọ Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem