Hậu cơn bão "thế kỷ" Linda: Vẫn quyết tâm bám biển, ra khơi

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ năm, ngày 02/11/2017 06:10 AM (GMT+7)
Bão Linda là cơn bão thảm khốc nhất miền Tây trong vòng 100 năm. Mất mát mà cơn bão “thế kỷ” ấy tàn phá vùng biển Cà Mau là không gì bù đắp được... Nhưng không chùn bước sau mất mát và trước những bão giông, sóng dữ, ngư dân Cà Mau vẫn quyết tâm bám biển, ra khơi.
Bình luận 0

Tình người trong đau thương

Đến giờ, người dân ở kênh Xáng Mới (ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh) vẫn nhớ rất rõ hình ảnh cứ tới ngày đám giỗ của những ngư dân tử nạn, bà con lại chèo xuồng đi dọc theo xóm để thắp nhang. Điều đặc biệt là trên xuồng luôn chất đầy bánh, rau củ đã được chia sẵn để gửi cúng cho từng nhà mà họ đến. 

img

Nhiều phụ nữ ở Khánh Hội bây giờ phụ giữ cháu để con trai nối tiếp nghề biển của cha. Ảnh: CHÚC LY

"Bài học từ 20 năm trước, đã phần nào làm tăng thêm ý thức của người dân đi biển. Giờ đây, trên địa bàn xã hầu hết các phương tiện đánh bắt đều được trang bị đầy đủ các phương tiện cứu nạn, cứu hộ theo quy định...”.

Ông Châu Minh Đảm

Nhiều người lớn tuổi ở Kênh Xáng nhớ lại, chỉ có đi bằng xuồng thì mới chở hết đồ. Nhà không có đám giỗ còn tốn kém hơn nhà có đám giỗ, bởi kênh này có hơn 100 người chết. Nhà nào họ cũng ghé, gửi đồ cúng, thắp nhang... rồi lại sang nhà khác.

Bà con ở Kênh Xáng kể rằng, cô Sáu Hương là người khởi xướng việc này, năm nào cứ đến ngày này là bà chèo xuồng chở đầy đồ đi đám giỗ, kể cả gia đình không quen biết. Sau khi cô Sáu mất mấy năm, việc đi cúng giỗ như thế kéo dài khoảng 5 năm thì dừng.

Lật lại ký ức của mình, chị Lý Hồng Lý (42 tuổi, ngụ ấp 1, xã Khánh Hội), bồi hồi kể: “Cha và hai em tôi đều nằm lại dưới biển. H đứa em tôi, một 21 tuổi, một mới chỉ 16 tuổi. Con dì Tư tôi, mới đi nghĩa vụ về, xin đi biển chơi cũng không may gặp nạn; còn con của người dì thứ bảy thì mới đám hỏi vợ xong cũng nằm lại đáy biển”.

Chị Lý nghẹn ngào cho hay: “Hôm đó có người cùng xóm đang đánh bắt trên biển, gọi bộ đàm báo bão, nhưng ba tôi không tin. Ba tôi báo là ghe mình đang trúng mực, mới nửa con nước mà được 15 triệu đồng. Ông nói ráng đến hết con nước, kiếm được 30 triệu đồng, đem về trả nợ đóng ghe. Nhưng tối đó, bão dữ nhấn chìm ghe của ba”.

Chị lý cho biết thêm, sau đó khoảng 2 tuần, trên đài thông báo có 1 nghe cào ở Kiên Giang cào được cặp đựng tiền và giấy tờ của ba chị. Mẹ chị qua Kiên Giang nhận, trong đó đúng là có tiền nhưng bị hư hỏng...

Quyết tâm bám biển

Theo UBND xã Khánh Hội, sau khi cơn bão Linda đi qua, vẫn có hơn 70% ngư dân của xã bám biển. Hiện trên địa bàn xã Khánh Hội có 351 hộ dân tham gia đánh bắt với 368 phương tiện tàu, thuyền.

img

Bia tưởng niệm nạn nhân bão Linda tại xã Khánh Hội.  Ảnh: T.L

Ông Trần Văn Húa (80 tuổi, ấp 4, Khánh Hội) người đã có 3 con trai, 2 con rể và 1  cháu trai đã mất tích trong cơn bão Linda, nhớ lại: “Ngày trước, đi ngoài biển khơi, đa số đều rất chủ quan vì nghĩ mình đã quen với biển cả. Tàu ghe vừa nhỏ vừa không đủ công suất, phương tiện liên lạc thì chỉ có chiếc máy bộ đàm, dụng cụ cứu nạn cứu hộ thì đơn sơ”. 

Đến nay, gia đình ông Húa vẫn bám biển mưu sinh, hiện có 2 tàu tham gia đánh bắt xa bờ. “Nhưng bây giờ khác rồi, ý thức của người đi biển nâng lên đáng kể. Chúng tôi tự trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản. Hơn nữa, phải cập nhật thông tin thời tiết thường xuyên, tìm nơi trú ẩn an toàn hoặc nhanh chóng quay vào bờ khi hay tin có bão” - ông Húa chia sẻ.

Ngư dân Trần Văn Hùng (35 tuổi, ngụ cùng ấp), cho biết: Bây giờ đa số ngư dân đã được tập huấn cách phòng, chống thiên tai. Từ những điều nhỏ nhất như: Cách neo đậu tàu thuyền cho an toàn, cách chằng chống nhà cửa hiệu quả khi có dông bão, sơ cấp cứu nạn nhân, phương thức cập nhật thông tin báo bão. Do vậy, ngư dân xã Khánh Hội đã phần nào yên tâm mỗi lần vươn khơi.

Ông Châu Minh Đảm - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Bài học từ 20 năm trước, đã phần nào làm tăng thêm ý thức của người dân đi biển. Giờ đây, trên địa bàn xã hầu hết các phương tiện đánh bắt đều được trang bị đầy đủ các phương tiện cứu nạn, cứu hộ theo quy định. Công tác kiểm tra, tuyên truyền được các cấp, ngành thường xuyên được thực hiện”. 

Cũng theo ông Đảm, hiện xã Khánh Hội đã và đang cùng các ngành chức năng xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá, dọc theo 2 bên bờ của tuyến Kinh Mới. Đồng thời, tiến hành xây dựng các khu dân cư để di dời các hộ sống trên đê, ven đê vào khu vực an toàn. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác thuỷ, hải sản ở Khánh Hội là 19.000 tấn (đạt hơn 86% chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của xã đề ra). Phấn đấu đến năm 2019, xã Khánh Hội sẽ đạt chuẩn nông thôn mới.

Hôm nay, lễ tưởng niệm đồng bào tử nạn

Ngày 2.11, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào tử nạn trong bão Linda 1997. Lễ tưởng niệm chính thức được tổ chức tại xã Khánh Hội (huyện U Minh), với sự tham gia của khoảng 400 người, trong đó có những thân nhân của những người bị tử nạn. Đồng thời, 2 địa điểm khác cũng diễn ra lễ tưởng niệm là thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân).
Lễ tưởng niệm nhằm tưởng nhớ những người đã tử nạn trong cơn bão; ghi nhận ý chí, nghị lực và động viên những gia đình bị thiệt hại nặng nề do cơn bão gây ra, đặc biệt là những gia đình có thân nhân bị tử nạn vẫn bám biển, tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Đồng thời, qua hoạt động tưởng niệm nhằm tuyên truyền cảnh báo hậu quả do thiên tai, thảm họa gây ra; các nguy cơ, thách thức trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; góp phần nâng cao nhận thức, tự giác, trách nhiệm của người dân và các cấp, các ngành trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

L.S

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem