Hậu Covid-19, TP.HCM kiến nghị Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách

Bạch Dương Thứ ba, ngày 12/10/2021 17:09 PM (GMT+7)
Chiều 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với HĐND, UBND TP.HCM về giám sát công tác phòng chống dịch, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2021.
Bình luận 0
"Hậu Covid-19": TP.HCM kiến nghị Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với HĐND, UBND TP.HCM chiều 12/10. Ảnh: HMC

TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sau hơn 10 ngày nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, số ca mắc mới trung bình mỗi ngày tại TP.HCM giảm 5 lần so với trước đây. Số ca tử vong giảm về 2 con số, không còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện điều trị Covid-19. Những điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại TP được kiểm soát.

TP.HCM đánh giá thời gian qua, địa phương đã làm tốt một số công việc như triển khai xét nghiệm thần tốc theo kế hoạch được duyệt, hoàn thành 3 giai đoạn với hơn 17,5 triệu mẫu. Tỷ lệ hệ số lây nhiễm giảm rõ rệt, từng bước chuyển hóa các vùng đỏ, mở rộng nhiều vùng xanh; chuyển trọng tâm điều trị xuống cơ sở, thành lập 536 trạm y tế lưu động, hệ thống các tầng điều trị đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiếp cận y tế của người dân, từng bước kéo giảm sâu số ca bệnh nặng và tử vong. Trên 98% dân số 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, trên 72% được tiêm mũi 2; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân; TP.Thủ Đức và tất cả các quận, huyện đã kiểm soát được dịch bệnh.

Về mặt hạn chế, ông Đức nhận định, đặc thù TP dân số đông, mật độ dân cư dày đặc, nhiều nơi sống chen chúc trong khi biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 là biến chủng nguy hiểm, không triệu chứng, lây lan nhanh, người bị nhiễm có khả năng chuyển biến nguy kịch rất nhanh trong khi khoa học chưa có nghiên cứu nhiều về biến chủng này và cách phòng trị.

Trong thời gian đầu dịch bùng phát, việc giãn cách xã hội toàn TP có lúc, có nơi còn chưa triệt để; vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức, lơ là, chủ quan; một số trường hợp ca nhiễm do chưa phát hiện kịp thời, chậm chuyển viện điều trị, dẫn đến chuyển nặng, tử vong; công tác bố trí và điều phối nhân lực chưa hợp lý. Các hạn chế trên sau này đã được khắc phục và thực hiện tốt.

Sự khác biệt về số lượng vùng đỏ, vùng cam và dân số giữa các quận, huyện và TP.Thủ Đức ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các đợt xét nghiệm, đồng bộ kết quả và nhất là nguồn lực để tiến hành xét nghiệm trong doanh nghiệp, trong cộng đồng, trong nhân dân trong thời gian tới.

Mặc dù Bộ Y tế đã có Công văn 8228 về hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn chưa có quy định xét nghiệm đối với nhiều nhóm đối tượng khác (như shipper…) nên công tác quản lý bị ảnh hưởng.

Đứt gãy nhiều hoạt động kinh tế

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM 6 tháng đầu năm tăng 5,66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh trong quý 3, giảm 24,39% so với cùng kỳ. Do đó, GRDP 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ. TP.HCM dự báo GRDP cả năm 2021 sẽ giảm 5,06% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu đề ra.

Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống và nhà máy phải dừng hoạt động để chống dịch. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn chưa có dấu hiệu hồi phục, một số ít doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" hoặc "4 xanh", còn lại đa số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, tạm thời cho công nhân nghỉ việc. 

Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy do khó khăn về lưu thông, doanh nghiệp không nhận được đơn hàng mới hoặc bị mất khách hàng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều dự án tại TP.HCM phải ngừng hoạt động, chỉ có ít dự án đủ điều kiện "3 tại chỗ" mới được thi công dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm mạnh do nhu cầu thị trường giảm.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Ngoài ra, nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, đứt gãy, công nhân phải nghỉ việc, các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, hàng không chịu ảnh hưởng lớn. Nhiều đơn vị kinh doanh như khách sạn - nhà hàng buộc phải đóng cửa. Dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Về việc làm, hàng triệu người lao động của TP bị mất việc, không có việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm nên ảnh hưởng đến thu nhập, đến sinh kế và đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

"Hậu Covid-19": TP.HCM kiến nghị Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức báo cáo tình hình TP tại cuộc làm việc. Ảnh: HMC

Về ngân sách, TP.HCM cho biết do dịch bệnh, thu ngân sách giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu kinh phí phục vụ phòng chống dịch tạo áp lực lớn. Do đó, thành phố phải sử dụng nguồn dự phòng bố trí trong dự toán, các khoản tích lũy từ nhiều năm trước.

Một số giải pháp đã được triển khai thời gian qua như điều chỉnh hệ số thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức để bổ sung nguồn hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch; cắt giảm kinh phí một số nội dung; đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ thành phố.

Để bổ sung cân đối ngân sách 2021, TP.HCM dự kiến khai thác nguồn thu từ đất; tăng biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ với các khoản tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp và khoản thu liên quan về đất.

Về chi ngân sách, TP.HCM sẽ giảm 10% chi thường xuyên, giảm hệ số thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức... Thành phố sẽ chủ động cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tiến độ giải ngân cao.

Nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, TP.HCM kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở.

Hậu Covid-19, TP.HCM kiến nghị Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách - Ảnh 4.

Chợ truyền thống được mở lại, người dân và tiểu thương đều cho biết họ cảm thấy rất vui mừng. Ảnh: Hồng Phúc

Cụ thể, TP.HCM đề xuất Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút nhân viên y tế về làm tại cơ sở.

Thành phố cũng kiến nghị mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế; cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19.

Để tạo động lực phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại do tác động của đại dịch Covid-19, TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem