Cánh tài xế xe tải tỉnh Hậu Giang sợ lây Covid-19 nên không dám chở trái cây, tôm, cá ra thị trường
Hậu Giang: Rau xanh, trái cây, tôm, cá "muốn ra chợ" lắm, nhưng tài xế sợ bị lây Covid-19 nên không dám chở
Thứ tư, ngày 21/07/2021 06:16 AM (GMT+7)
Mặc dù nguồn cung các mặt hàng nông sản thiết yếu trên địa bàn tỉnh hiện nay rất dồi dào, nhưng do gặp những vấn đề khó khăn nên tình hình tiêu thụ gặp trở ngại.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NNPTNT, cho biết: Trước khi thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh Hậu Giang (bắt đầu từ ngày 19-7) nhằm phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả thì mới đây thực hiện theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành rà soát khả năng cung ứng các mặt hàng nông sản thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, sau khi rà soát thì một điều khá phấn khởi và an tâm là nguồn cung các mặt hàng nông sản hiện nay của tỉnh Hậu Giang khá dồi dào.
Đặc biệt, nguồn cung không chỉ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân trong tỉnh Hậu Giang trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 mà nhiều mặt hàng nông sản còn có thể kết nối tiêu thụ cho các địa phương khác với số lượng không nhỏ.
Theo đó, một trong những mặt hàng nông sản có nguồn cung dồi dào nhất của tỉnh hiện nay là lúa. Bởi, nông dân tại nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa Hè thu.
Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh ước tính từ nay đến cuối tháng 7 này, nông dân trong tỉnh sẽ cung ứng khoảng 158.000 tấn lúa, trong đó nhu cầu cung cấp tiêu dùng của tỉnh khoảng 4.000 tấn lúa nên còn đến 154.000 tấn sẽ kết nối tiêu thụ và cung ứng cho các địa phương khác.
Sang tháng 8 tới, nguồn cung lúa của tỉnh có thể đạt 256.000 tấn, nhu cầu trong tỉnh chỉ tiêu thụ khoảng 12.000 tấn, còn thừa đến 244.000 tấn. Không chỉ khi lúa đang trong giai đoạn thu hoạch mới có nguồn cung dồi dào mà nhiều hộ gia đình trồng lúa của tỉnh còn có thói quen dự trữ sẵn một số lượng không nhỏ lúa trong nhà để xay xát gạo ăn, từ đó góp phần làm cho số lượng lúa được nhiều như trên.
Bà Nguyễn Như Ý, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Vụ lúa nào cũng vậy, sau khi bán xong hơn 2ha lúa của gia đình thì tôi thường chừa lại khoảng một tấn lúa để dành ăn hoặc có khi kẹt tiền thì đem đi bán một ít nhằm trang trải cuộc sống gia đình. Nhờ chủ động từ trước nên gia đình cũng đỡ lo việc thiếu gạo trong lúc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay”.
Bên cạnh mặt hàng lúa thì sản lượng cây ăn trái của tỉnh Hậu Giang từ nay đến cuối tháng 7 này cũng ước cung ứng gần 4.000 tấn, nhưng khả năng tiêu thụ trong tỉnh khoảng 360 tấn, còn lại hơn 3.600 tấn có thể chi viện cho các địa phương có nhu cầu.
Trong đó, mặt hàng có tổng sản lượng nhiều nhất là mít, với gần 1.400 tấn; kế tiếp là chanh không hạt gần 1.200 tấn; khóm 455 tấn; cam 271 tấn; chuối 134 tấn; nhãn 122 tấn; mãng cầu 73 tấn…
Ngoài ra, mặt hàng rau màu cũng có nguồn cung phong phú và dồi dào trong thời gian từ nay đến cuối tháng 7 này. Cụ thể, rau ăn lá các loại ước cung ứng khoảng 774 tấn, nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh khoảng 500 tấn, khả năng hỗ trợ ngoài tỉnh 274 tấn; còn rau ăn trái các loại ước cung ứng khoảng 403 tấn, tiêu thụ trong tỉnh khoảng 200 tấn…
Về mặt hàng thịt heo và gia cầm chỉ đủ cung ứng cho người dân của tỉnh Hậu Giang, trong đó số lượng thịt heo khoảng 65 tấn và gia cầm khoảng 70 tấn; riêng số lượng thủy sản các loại có thể cung ứng khoảng 450 tấn, tiêu thụ trong tỉnh chỉ 150 tấn…
Khó trong lưu thông, phân phối
Tuy nguồn cung các mặt hàng nông sản của tỉnh Hậu Giang hiện nay rất dồi dào nhưng theo phản ánh của một số doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, nông sản ra ngoài tỉnh thì vấn đề lưu thông, phân phối gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19.
Cụ thể, nông sản vận chuyển đi tiêu thụ mặc dù có đầy đủ giấy tờ về phòng, chống dịch nhưng chủ phương tiện rất e ngại, nhất là các tài xế sợ bị lây bệnh.
Mặt khác, do số lượng vắc-xin tiêm ngừa Covid-19 còn hạn chế nên phần lớn lái xe và người áp tải hàng chưa được tiêm, từ đó tạo ra tâm lý e ngại không muốn tham gia vận chuyển hàng hóa nên gây thiếu phương tiện và lái xe cục bộ.
Với những lý do trên đã dẫn đến chi phí giá thành vận chuyển hàng hóa tăng nên kéo theo giá các mặt hàng nông sản tiêu thụ tại các chợ địa phương tăng từ 30-60% như những ngày vừa qua và còn tiếp tục kéo dài. Tuy giá nông sản tại các chợ tăng mạnh nhưng giá thu mua từ nông dân hầu như không tăng, thậm chí còn sụt giảm do ít người đi thu mua.
Chia sẻ về tình hình có liên quan, ông Trần Thanh Ký, nông dân sản xuất rau an toàn ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, thông tin: “Cách nay khoảng 10 ngày, dù nguồn cung rau ăn lá các loại của gia đình tôi và bà con nơi đây rất nhiều nhưng do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 nên thương lái đi thu gom rau tại rẫy rất hạn chế và giá bán cũng thấp...".
"Cụ thể, giá rau các loại lúc ấy chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ. Thế nhưng giá rau màu các loại được bán ở các chợ những ngày qua lại tăng gấp 4-5 lần so với giá tại rẫy của nông dân. Còn hiện tại, tuy giá rau ăn lá bắt đầu khởi sắc trở lại nhưng vẫn còn ở mức thấp so với cùng kỳ”, ông Ký cho biết thêm.
Cũng theo một số doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa nông sản thì do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên nhân công phục vụ cho khâu thu hoạch nông sản trong thời gian qua đã thiếu nay lại càng thiếu nhiều hơn, nhất là ở những khâu thu hoạch cần nhân công chuyên nghiệp.
Như vậy, trước sự tiêu thụ có ảnh hưởng do thương lái hạn chế đi lại, từ đó nhiều khả năng sẽ tiếp tục tác động đến việc thu hoạch, tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới, điển hình là vụ lúa Hè thu đang trong giai đoạn thu hoạch khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ.
Do đó, ngành chức năng cần phải có cơ chế tháo gỡ sớm để giúp doanh nghiệp và nông dân.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết thêm: Đơn vị đang phối hợp chặt với Sở Công thương tỉnh trong việc liên hệ với những đầu mối để giúp tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh có khả năng cung ứng cho các tỉnh.
Đồng thời, ngành nông nghiệp phối hợp với Sở Y tế và Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang tổ chức rà soát tháo gỡ một số khó khăn trong khâu vận chuyển, lưu thông nông sản. Bên cạnh đó, đơn vị cũng kiến nghị Bộ NNPTNT tiếp tục có các giải pháp thông thoáng hơn nhằm tạo điều kiện cho khâu lưu thông nông sản được thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.