Hậu Giang tìm giải pháp dinh dưỡng nhằm tăng giá trị cây ăn trái

Quang Dương Thứ tư, ngày 16/08/2023 18:52 PM (GMT+7)
Với khoảng 45.800ha trồng cây ăn trái, tỉnh Hậu Giang đang thực hiện các công trình nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng cây ăn trái tại địa phương. Trong đó yếu tố dinh dưỡng cho cây trồng được đặc biệt quan tâm.
Bình luận 0

Sáng 16/8, tại TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) diễn ra hội thảo Giải pháp dinh dưỡng hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL. Chương trình do Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Xuân Tân - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết, Hậu Giang là tỉnh thuần nông với khoảng 80% dân số sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 136.000ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 77.000ha đất sản xuất lúa; diện tích trồng cây ăn trái đạt 45.800ha. Các cây ăn trái chủ yếu tại Hậu Giang gồm cây có múi, xoài, mít, sầu riêng…

Hậu Giang tìm giải pháp dinh dưỡng nhằm tăng giá trị cây ăn trái - Ảnh 1.

Ông Võ Xuân Tân - Giám đốc trung tâm khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang Dương

Hiện nay, nông dân tại Hậu Giang đang tìm nhiều giải pháp để nâng cao năng suất và chất lượng cây ăn trái. Trong đó bao gồm tăng cường cải tiến giống, kỹ thuật; sử dụng phân bón hợp lý hơn.

“Để có được năng suất cao, trước tiên cần phải có giống tốt. Tuy nhiên, để giống phát huy tốt tiềm năng năng suất thì phải có biện pháp canh tác hợp lý. Do đó, phân bón cũng là yếu tố quan trọng để tăng năng suất cây trồng, bón phân đầy đủ cân đối hợp lý sẽ thu được năng suất cây trồng cao, chất lượng sản phẩm tốt, không làm ô nhiễm môi trường, suy kiệt đất mà còn giúp tăng lợi nhuận hiệu quả kinh tế”, ông Tân nhấn mạnh.

Hậu Giang tìm giải pháp dinh dưỡng nhằm tăng giá trị cây ăn trái - Ảnh 2.

Tỉnh Hậu Giang có 12.341ha trồng cây có múi. Ảnh: Q.S

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - chuyên gia nông nghiệp cho biết, việc bón phân ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cây ăn trái. Mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây ăn trái sẽ có cách bón khác nhau; đối với đất phèn, cần hạn chế loại phân bón có lưu huỳnh.

Theo Th.S Nguyễn Văn Sơn - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Canh tác (Viện Cây ăn quả miền Nam), bón phân đúng cách là để bù đắp lượng dinh dưỡng khoáng cho đất, mà cây trồng đã lấy đi trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây và quả.

“Hiện nay, nông dân chưa quan tâm nhiều đến phân bón cho cây ăn quả giai đoạn kinh doanh. Đây là giai đoạn quyết định ảnh hưởng đến chất lượng trái phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu”, ông Sơn đánh giá.

Hậu Giang tìm giải pháp dinh dưỡng nhằm tăng giá trị cây ăn trái - Ảnh 3.

Th.S Nguyễn Văn Sơn - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Canh tác (Viện Cây ăn quả miền Nam) chia sẻ về tác dụng của phân bón đối với cây ăn trái. Ảnh: Quang Dương

Tại Hậu Giang, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác cây ăn trái, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu. Trong đó, điển hình như mô hình trình diễn sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ và NPK của Công ty Cổ phần phân bón Dầu khí Cà Mau trên cây mít.

Qua nghiên cứu, kỹ sư Lê Minh Chiến đánh giá: “Các mô hình bón phân theo quy trình đều có năng suất và lợi nhuận cao hơn so với vườn đối chứng. Các loại phân bón phù hợp được sử dụng cho cây mít, tạo ra nhiều lựa chọn về phân bón cho người dân".

Hậu Giang tìm giải pháp dinh dưỡng nhằm tăng giá trị cây ăn trái - Ảnh 4.

Trong trồng cây ăn trái, yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của cây và hệ sinh thái của toàn vườn. Ảnh: Q.S

Cũng theo ông Chiến, thông qua những mô hình trình diễn, người dân đã nhận biết rõ hơn về lợi ích của việc sử dụng phân bón đúng cách, đặc biệt là phân hữu cơ trong canh tác nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, theo ông Chiến, hiện nay tâm lý nông dân vẫn còn nặng về thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn cao.

“Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục xây dựng thêm các mô hình trình diễn, nghiên cứu trên cây xoài, sầu riêng. Đồng thời quan tâm đến khâu liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm; đặc biệt là công tác chế biến sau thu hoạch, nhằm nâng cao giá trị nông sản”, kỹ sư Lê Minh Chiến cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem