Hé lộ bí mật mà cựu đặc vụ Mỹ che dấu bao lâu nay

Hồng Ngọc (AP) Thứ năm, ngày 06/04/2023 14:54 PM (GMT+7)
Các nhân viên Sở Mật vụ đã giữ bí mật về nhiệm vụ của mình — ngay cả với chính cấp trên của họ.
Bình luận 0
Hé lộ bí mật mà cựu đặc vụ Mỹ che dấu bao lâu nay  - Ảnh 1.

Cựu Phó tổng thống Mỹ Spiro T. Agnew nói chuyện với cánh truyền thông bên ngoài tòa nhà Tòa án Liên bang ở Baltimore, ngày 10/10/1973. (Nguồn: APNews)

Vào ngày 10/10/1973, một số đặc vụ đã phạm sai lầm khi cố tình che giấu việc hộ tống Phó Tổng thống Mỹ Spiro Agnew tới phòng xử án liên bang để nhận tội và từ chức. “Đó là một ngày trọng đại đối với đất nước, và cũng là một ngày buồn. Chúng tôi đã không nói với bất cứ ai về điều đó, bất chấp hậu quả có ra sao, Jerry Parr, một trong những đặc vụ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2010.

Tuy nhiên, lần này sẽ không còn bí mật nào nữa. Sở Mật vụ đưa cựu Tổng thống Donald Trump đến phòng xử án của Thành phố New York vào ngày 04/04 để đối mặt với các cáo buộc liên quan đến các khoản hối lộ được thực hiện trong vài tuần trước cuộc bầu cử năm 2016. Sự kiện này chắc chắn là một cảnh tượng hoành tráng và chính Trump đã lên kế hoạch cho một cuộc họp báo vào tối hôm đó.

Trong khi ông Trump trở thành cựu tổng thống đầu tiên xuất hiện trước tòa để trả lời một bản cáo trạng, thì Cơ quan Mật vụ đã từng ở một vị trí tương tự trước đây. Và có những bài học được rút ra từ cách Parr và các đặc vụ khác đã giúp Agnew vượt qua những giờ cuối cùng của ông với tư cách là phó tổng thống thứ 39 của quốc gia này.

Nguyên nhân chính của việc che giấu là do các đặc vụ đã để sự ngưỡng mộ của họ đối với cựu Phó tổng thống Agnew cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ông Parr tham gia Cơ quan Mật vụ vào năm 1962, và được bổ nhiệm phụ trách Agnew vào thập kỷ sau đó. Vị Phó tổng thống nổi tiếng là “trợ thủ đắc lực” của Tổng thống Nixon và coi các đối thủ chính trị là “những kẻ hay càm ràm của chủ nghĩa tiêu cực”, “đại diện của sự dao động” và “những kẻ nhát gan dễ dãi”.

Tuy nhiên, trái với những gì ông thể hiện, Parr phát hiện ra rằng Agnew không giống như tính cách phản diện của ông. “Ông ấy thực sự là một người đàn ông rất tốt. Tất cả các đặc vụ thực sự quý ông ấy.”

Một ví dụ về lòng tốt của Agnew là vào năm 1972, khi gia đình Parr tổ chức một bữa tiệc Giáng sinh cho các đặc vụ, Agnew khăng khăng muốn tới thăm để các đặc vụ làm việc trong ca đó cũng có thể tham dự. Theo Parr, không mấy khi có quan chức cấp cao nào lại chu đáo tới vậy.

Trong cuốn hồi ký năm 2013 của mình, Parr viết: “Ở một mức độ độc nhất vô nhị, phó tổng thống và vợ của ông ấy đã công nhận lòng nhân đạo và đánh giá cao sự phục vụ của chúng tôi. Đối với họ, chúng tôi là con người chứ không phải món đồ đi kèm với công việc.”

Vào tháng 08/1973, thông tin về rắc rối pháp lý nghiêm trọng của Agnew xuất hiện khi Luật sư tại Maryland thông báo rằng các công tố viên đang điều tra phó tổng thống vì cáo buộc nhận hối lộ với tư cách là thống đốc Maryland. Không mất nhiều thời gian để tin tức về cuộc điều tra thống trị trang nhất của các mặt báo.

Parr kể, một buổi sáng, phó tổng thống cảm thấy khó chịu khi họ lái xe ngang qua một nhóm nhà báo đang rình rập ngôi nhà của ông ở một vùng ngoại ô sầm uất của Washington. “Họ chỉ muốn tống tôi vào tù,” Agnew giận dữ.

Parr quay lại chỗ ngồi của mình và nói đùa với Agnew rằng mình sẽ cùng vị tổng thống vào tù. “Chúng tôi sẽ tìm người tuồn vào một cái lưỡi cưa sắt, để chúng tôi có thể đưa ngài ra ngoài.”

Tuy nhiên, ông chủ của Parr, Samuel Sulliman, đã kéo Parr sang một bên để giải thích rằng vị Phó tổng thống sẽ sớm đưa ra lời biện hộ để kết thúc cuộc điều tra. Theo thỏa thuận, Agnew có khả năng sẽ phải từ chức. 

Thông thường, nếu Cơ quan Mật vụ biết phó tổng thống có thể sẽ từ chức, họ sẽ điều gấp các đặc vụ để bảo vệ người phát ngôn của Hạ viện - người chuẩn bị kế nhiệm vị trí đó. Do vậy, động thái này sẽ thu hút sự chú ý của các phóng viên. Agnew không muốn tin tức bị rò rỉ trước khi chính thức từ chức, nên ông đã yêu cầu những đặc vụ của mình giữ im lặng.

Vào ngày 10/10, đoàn xe hộ tống của Phó tổng thống đã nhanh chóng dừng lại ở Nhà Trắng, nơi Agnew đã gửi lá thư từ chức của mình, sau đó họ đến tòa án liên bang Baltimore.

Khi Agnew bước vào phòng xử án, đã có 50 phóng viên tham dự phiên điều trần liên quan đến việc phó tổng thống buộc các nhà báo tiết lộ nguồn thông tin rò rỉ về cuộc điều tra của Bộ Tư pháp. Các phóng viên há hốc mồm khi nhận ra tầm quan trọng của sự xuất hiện của Agnew.

Đơn từ chức của Agnew đã được luật sư của ông thông báo và cựu phó tổng thống đã nhanh chóng biện hộ cho việc không báo cáo 29.500 đô la tiền thuế liên bang vào năm 1967. Đổi lại, các công tố viên liên bang từ chối đưa ra các cáo buộc nghiêm trọng hơn nhiều về hối lộ, tống tiền và âm mưu. (Theo cáo buộc của Bộ Tư pháp, Agnew đã nhận ít nhất 87.500 đô la tiền lại quả để đổi lấy việc đưa ra các hợp đồng không đấu thầu. Một thẩm phán Maryland sau đó đã xác định rằng Agnew đã nhận 147.000 đô la tiền hối lộ trong khoảng thời gian hai năm).

Tổng chưởng lý Elliott Richardson lập luận rằng sự khoan hồng là hợp lý do "tầm quan trọng lịch sử" của việc Agnew từ chức và bị kết án trọng tội. Thẩm phán cuối cùng đã đồng ý với tổng chưởng lý, kết án Agnew ba năm quản chế và yêu cầu ông nộp phạt 10.000 đô la.

Phiên điều trần ấy thật kỳ lạ đối với Parr, ông nhớ lại cảm giác sốc và thất vọng về một người đàn ông mà ông vô cùng ngưỡng mộ.

Bốn mươi phút sau, Parr và các đặc vụ khác vượt qua đám đông người xem và phóng viên trên đường đến đoàn xe hộ tống. Trước khi có thể ổn định chỗ ngồi, Parr nghe thấy tiếng radio của mình phát ra tiếng nói giận dữ của cấp trên, yêu cầu được biết lý do tại sao không ai thông báo rằng Agnew sẽ từ chức. Ngay khi nghe các bản tin về sự ra đi của Agnew, cơ quan này đã phải nhanh chóng tìm các đặc vụ để bảo vệ Chủ tịch Hạ viện Đảng Dân chủ Carl Albert.

Khi ngẫm lại, Parr thấy bản thân đã phạm sai lầm khi giữ bí mật, viết rằng “chúng tôi đã để mình bị lôi kéo, gây ra những mối nguy hiểm tiềm tàng cho người được bảo hộ (Albert), đất nước và sự nghiệp của chúng tôi.”

Khi lái xe rời khỏi tòa án, người đặc vụ nghe thấy tiếng thì thầm từ băng ghế sau. Chú ý lắng nghe, ông nhận ra Agnew đang đọc thuộc lòng một đoạn độc thoại nổi tiếng của Shakespeare: “Thế giới này một sân khấu, và tất cả đàn ông và phụ nữ chỉ đơn thuần là những diễn viên".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem