Hé lộ nguyên nhân gây dịch tả lợn châu Phi ở Đồng Nai

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 09/05/2019 13:20 PM (GMT+7)
Hoạt động giết mổ trái phép và nguồn thức ăn thừa là 2 nguyên nhân chính đã gây ra dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ở 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vừa qua.
Bình luận 0

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp bàn các biện pháp ứng phó khẩn cấp do Sở NNPTNT TP.HCM báo cáo tại UBND TP.HCM ngày 9.5.

Như báo Dân Việt đã thông tin trước đó, bệnh DTLCP được phát hiện ở xã Đồi 61, huyện Trảng Bom vào ngày 24.4 tại một hộ chăn nuôi lợn có tổng đàn 26 con.

img

Giết mổ lợn trái phép là một trong những nguyên nhân gây ra DTLCP. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo nội dung của Báo cáo, qua kiểm tra dịch tễ, ngành chức năng của Đồng Nai ghi nhận hộ này có sử dụng tinh (tinh trùng) của một hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Bình Minh.

Đến ngày 26.4, các ngành chức năng của Đồng Nai kiểm tra hộ cung cấp tinh tại xã Bình Minh – nơi đang có tổng đàn 468 con lợn. Kiểm tra đã ghi nhận đàn đàn lợn này có triệu chứng lâm sàng. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm của 2 hộ chăn nuôi nêu trên dương tính với DTLCP.

Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh do hộ chăn nuôi tại xã Bình Minh nằm liền kề với 2 hộ giết mổ lợn trái phép. 2 cơ sở giết mổ (CSGM) này có tiếp nhận nguồn lợn bệnh, lợn chết về giết mổ; sau dó bán tinh sang hộ chăn nuôi tại xã Đồi 61 làm lây lan dịch bệnh. Hiện số lợn này đã được tiêu hủy.

Còn tại huyện Nhơn Trạch, cơ quan chức năng cũng phát hiện lợn của 2 hộ chăn nuôi có triệu chứng bệnh DTLCP. Cụ thể là 1 hộ chăn nuôi lợn (có tổng đàn 26 con) ở xã Phước Thiền và 1 hộ chăn nuôi (3 con lợn nái) tại xã Hiệp Phước.

Nguyên nhân phát sinh dịch bệnh do hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa của khu công nghiệp không qua nấu chín. Toàn bộ số lợn bệnh đã được tiêu hủy trong ngày 30.4.

img

Các hộ, trại chăn nuôi cần kiểm soát nguồn thức ăn cho lợn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y TP.HCM cho biết từ đầu tháng 2 đến nay, cả nước có 25 tỉnh thành đã xảy ra dịch bệnh. 2 tỉnh Hòa Bình, Bắc Cạn đã công bố hết dịch. Hiện còn lại 23 tỉnh có dịch đang tiếp diễn.

Qua nắm thông tin với các Chi cục chăn nuôi thú y các tỉnh phía Bắc, diễn tiến dịch bệnh rất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi và chưa có dấu hiệu bệnh được kiểm soát.

 “Còn tại Đồng Nai, trong vòng 30 ngày, nguồn lợn tại các xã có dịch sẽ không được xuất về thành phố. Các điểm giết mổ cũng sẽ đình chỉ hoạt động trong thơi gian có dịch”, ông Phát nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác, tại tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Chánh - Phó chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp DTLCP của tỉnh cũng chính thức xác nhận Đồng Nai đã phát hiện 4 ổ DTLCP. Trong đó có 2 điểm tại 2 xã là Bình Minh và xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom); 2 điểm tại 2 xã Phước Thiền và Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch). Các ổ dịch đều xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Từ đầu tháng 5, UBND 2 huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom đã lần lượt ban hành quyết định công bố DTLCP trên địa bàn 4 xã nói trên. Ngay khi phát hiện dịch, các ngành chức năng đã tập trung dập dịch ngay tại chỗ, tiêu hủy toàn bộ lợn bệnh; lập các trạm, chốt kiểm dịch; hướng dẫn việc đi lại, cấm người không có nhiệm vụ vào vùng dịch; thực hiện cấm giết mổ tại xã có dịch…

Ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện các địa phương đang làm thủ tục theo quy định; dự kiến trong vòng 15 ngày tới sẽ thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.

img

Tổng đàn lợn của đã giảm khoảng nửa triệu con so với thời điểm chưa xuất hiện dịch. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo thống kê, tỉnh Đồng Nai hiện có tổng đàn 2 triệu con, đã giảm khoảng nửa triệu con so với thời điểm chưa xuất hiện dịch. Đồng Nai đã thành lập 23 trạm kiểm dịch, nhằm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. Toàn tỉnh Đồng Nai đang tập trung cao độ cho công tác phòng dịch.

Còn tại TP.HCM - thị trường tiêu thụ lợn lớn nhất và liền kề với Đồng Nai cũng đang có tổng đàn 274.154 con với 3.917 hộ chăn nuôi. Trong đó, 247 hộ đang chăn nuôi bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn, có nguy cơ cao với DTLCP.

Về công tác kiểm dịch và giết mổ, TP.HCM có 11 cơ sở giết mổ (CSGM) với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm 6.500 – 7.000 con/ngày. Nguồn lợn nhập vào thành phố giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương 19,03%, Bình Thuận 10,88%, Bà Rịa Vũng Tàu 8,01 %.

Để chủ động ngăn DTLCP, Sở NNPTNT TP.HCM đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp. Đến nay, các quận huyện đã triển khai đầy đủ các giải pháp phòng chống dịch, chuẩn bị địa điểm chôn lấp trong tình huống xấu nhất là dịch xuất hiện trên địa bàn thành phố. Các đoàn kiểm tra liên ngành và địa phương cũng tăng cường tần suất kiểm tra việc vận chuyển heo và thịt heo vào, ra thành phố, tăng cường kiểm tra giết mổ trái phép.

Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết 3 ngay từ lúc tỉnh Đồng Nai xảy xảy ra dịch bệnh, Sở đã gửi văn bản triển khai các giải pháp phòng chống được quy định tại tình huống thứ 2 và sẵn  sàng chuyển sang tình huống thứ 3.

Theo ông Phát, TP.HCM là đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn nhất trong khu vực. Trong đó nguồn lợn từ Đồng Nai chiếm 45 – 50%. Hiện giá lợn giữa các tỉnh 2 miền Bắc, Nam đang chênh lệch; bình quân có khoảng 3.500 – 4.000 con lợn từ khu vực phía Bắc quá cảnh qua địa bàn thành phố đi vào các tỉnh ĐBSCL. Quá trình này sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ Bắc vào Nam

img

Giá đang chênh lệch cùng việc đưa lợn quá cảnh qua địa bàn TP.HCM dễ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ Bắc vào Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trên địa bàn thành phố, một số nơi vẫn còn tình trạng giết mổ lợn trái phép hoạt động, đặc biệt là quận Gò Vấp, quận 12 và Bình Tân. Dù đã xử lý nhưng chưa dứt điểm. Đây là nguy cơ phát sinh dịch bệnh do tiếp nhận nguồn lợn không qua kiểm dịch rồi lại cung cấp trực tiếp cho các KCN, chợ truyền thống, chợ tự phát...

Hiện nay, nguồn lợn nhập vào các CSGM ở các tỉnh rồi đưa ra chợ đầu mối cần có sự phối hợp chặc chẽ giữa các địa phương, nhất là khi dịch bệnh diễn ra trên diện rộng. Việc này cũng cần tăng cường ở cả chợ truyền thống.

“Đề nghị tất cả các sở ngành liên quan tích cực vào cuộc phối hợp để cùng thành phố chủ động ứng phó DTLCP”, ông Phát nói.

Từ ngày 2.5, Chi cục chăn nuôi thú y của TP.HCM đã thống nhất với Chi cục chăn nuôi thú y Đồng Nai nhiều giải pháp biện pháp cụ thể. Trước hết là thiết lập kênh trao đổi cập nhật thường xuyên diễn tiến DTLCP giữa 2 Chi cục để phối hợp kiểm soát nguồn lợn nhập về thành phố giết mổ đung quy định.

Thống nhất giám sát chặc chẽ nguồn lợn xuất về thành phố phải xuất phát từ khu vực không có dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch thể hiện nguồn gốc ghi rõ tên chủ hộ nuôi, nguồn gốc 3 cấp xã huyện tỉnh.

Thống nhất tuyến đường vận chuyển lợn xuất về thành phố giết mổ chỉ đi qua 2 tuyến đường QL1A VÀ QL1K. Trừ các trường hợp xuất lợn về các tỉnh miền Tây Nam bộ nếu chủ hàng có nhu cầu đi tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Dây phải đăng ký ghi rõ tuyến đường vận chuyển trên giấy chứng nhận kiểm dịch.

Không cấp giấy kiểm dịch sản phẩm thịt lợn từ các CSGM thuộc vùng dịch, tăng cường kiểm tra đối với các CSGM tại các xã thuộc vùng uy hiếp, vùng giáp sát có xuất nguồn thịt lợn về thành phố tiêu thụ.

Thống nhất tăng tần suất kiểm tra liên ngành 24/24 tại khu vực cao tốc Long Thành - Dầu Dây TP.HCM. Phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông Cát Lái khảo sát địa điểm bố trí chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực cầu Kỳ Hà.

TP.HCM thống nhất với UBND huyện Củ Chi thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực giáp ranh Bình Dương; lập 1 đoàn kiểm tra lưu động khu vực giáp ranh với Long An và các tuyến đường giáp tỉnh Tây Ninh. Riêng tuyến QL22 sẽ do đoàn liên ngành phòng chống dịch số 1 của thành phố đảm trách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem