Nhà đầu tư BOT được hưởng tỷ suất lợi nhuận 12%/năm
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong đầu tư dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), phương án tài chính của các dự án BOT đã và đang triển khai là tương tự nhau và được tính toán phù hợp với các quy định tại thời điểm triển khai dự án về nguồn vốn thực hiện dự án, lãi vay và mức lãi suất vay, lợi nhuận của nhà đầu tư, các khoản thuế, kế hoạch phân bổ vốn thực hiện dự án; dự báo lưu lượng xe, mức giá và lộ trình tăng giá.
Nhà đầu tư hưởng lợi nhuận 12%/năm
Về nguồn vốn thực hiện dự án (vốn chủ sở hữu, vốn vay tín dụng), phần vốn chủ sở hữu được tính toán trong tổng mức đầu tư với mức giá trị tối thiểu theo quy định của các nghị định về quản lý đầu tư dự án BOT từ 10 - 15% tuỳ thuộc tổng vốn đầu tư. Vốn này do nhà đầu tư huy động bằng nguồn vốn tự có, phần còn lại nhà đầu tư huy động từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng.
Lãi vay đối với phần vốn vay trong thời gian xây dựng được tính trong tổng mức đầu tư dự án; chi phí lãi vay phụ thuộc mức lãi suất vay và giá trị giải ngân đối với phần vốn vay.
Về mức lãi suất vay, theo Thông tư số 166/2011/TT-BTC, lãi suất vay trong dự án đầu tư là tạm tính và được xác định khi đàm phán hợp đồng. Giá trị lãi vay được cập nhật theo thực tế khi mức lãi suất ngân hàng thay đổi với biên độ theo kết quả đàm phán hợp đồng, thường trong khoảng 0,5 - 2%.
Trong đầu tư BOT, lợi nhuận nhà đầu tư được tính ở cuối thời kỳ khai thác công trình dự án bằng thời gian thu phí tạo lợi nhuận (thường từ 2 - 3 năm); một số dự án có tính khoản chi phí bảo toàn vốn huy động của nhà đầu tư.
Giai đoạn sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 166/2011/TT-BTC và Thông tư số 55/2016/TT-BTC, lợi nhuận của nhà đầu tư được tính trên cơ sở phần vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án với tỷ suất lợi nhuận trung bình khoảng 11- 12%/năm (bắt đầu từ các dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 và nâng cấp Quốc lộ 14).
Toàn bộ phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư góp vào dự án không được tính trong giai đoạn xây dựng mà chỉ được tính bắt đầu từ khi công trình hoàn thành, đưa vào khai thác; phần vốn vay hoàn toàn không được hưởng lợi nhuận.
Về các khoản thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng), theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, thuế thu nhập doanh nghiệp và hoàn thuế giá trị gia tăng được tính trong phương án tài chính dự án (thuế thu nhập doanh nghiệp là nguồn chi và hoàn thuế giá trị gia tăng là nguồn thu của dự án).
70 trạm đang thu phí đường bộ
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính ban hành các Thông tư số 90/2004/TT-BTC và Thông tư số 159/2013/TT-BTC, trong đó có quy định việc đặt trạm thu phí.
Theo đó, đường bộ đặt trạm thu phí với khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường đảm bảo tối thiểu 70 km thì do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí với khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định.
Hiện nay, cả nước có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm (55 trạm đang thu, 18 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý và đang thu phí tại 14 trạm.
Trong tổng số 88 trạm thu phí có 10 trạm (chiếm 11%) có khoảng cách 60 - 70 km do địa hình vị trí đặt trạm đảm bảo 70 km không thuận lợi; 20 trạm (chiếm 23%) có khoảng cách nhỏ hơn 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.
Châu Như Quỳnh (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.