Kết luận trên của cơ quan chức năng, được giới truyền thông “hỗ trợ”, như giọt nước làm tràn ly. Thật ra, không đợi đến khi cơ quan chức năng có kết luận trên, người dân mới coi trọng cây xáo tam phân mà lâu nay, nhiều người ở vùng Ninh Hòa cũng đã sử dụng loại cây này để chữa trị một số căn bệnh liên quan đến gan và một số bệnh khác.
|
Quật đá vệ đường đào rễ xáo tam phân |
Cây thuốc trên cũng đã có một số tác dụng nhất định trong điều trị bệnh nhưng những lời đồn thổi về công hiệu của nó còn ghê gớm hơn, làm xô ngã mọi bức tường khoa học. Cũng cần khẳng định rằng, một vài người bị xơ gan cổ trướng đã khỏi bệnh sau khi dùng loại dược liệu này nhưng không phải bất cứ một ai đau gan cũng đều bớt bệnh khi sử dụng cây xáo tam phân.
Ông bà ta có câu: “Có bệnh thì vái tứ phương”, ai bày thuốc gì thì uống thuốc đó, nhất là khi Tây y đã bó tay, đưa người bệnh về nhà nằm chờ chết. Những bệnh nhân này, không phải chỉ uống một loại “thần dược” nọ mà họ đã uống rất nhiều loại thuốc Nam, vì vậy, cũng đừng vội kết luận rằng xáo tam phân chính là cây thuốc chữa khỏi căn bệnh ấy. Bằng chứng là, có những người được bệnh viện kết luận ung thư, hết phương cứu chữa nhưng nghe một ai đó bày uống loại thuốc Nam x, y nào đó, thế rồi thần chết đã phải lùi xa.
Một bệnh nhân khác, thấy vậy cũng nhờ người nhà lùng tìm loại thuốc Nam x,y ấy về uống nhưng vẫn không thoát được lưỡi hái của tử thần. Ai cũng biết, niềm tin đóng một vai trò khá quan trọng trong điều trị bệnh, nhất là những bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, cũng không nên quá tin vào một loại thần dược nào đó để rồi thất vọng.
Trở lại với cây xáo tam phân. Tin đồn xáo tam phân chữa được ung thư, lập tức phong trào truy lùng loài cây được coi như thần dược này đã lan nhanh đến tận hang cùng xóm vắng khu vực miền Trung, nhất là vùng Khánh Hòa. Người đi tìm để chữa bệnh hiểm nghèo cho người thân thì ít mà kẻ kinh doanh “thần dược” thì nhiều. Người ta đổ xô vào vùng Hòn Hèo để tìm xáo tam phân còn hơn cả tìm trầm. Giá mỗi ký xáo tam phân đã được giới đầu cơ đẩy lên chóng mặt, từ vài ba chục ngàn 1kg đã vọt lên 500-600 ngàn/kg. Cũng rất nhanh chóng, giới đầu cơ và một số người vô lương đã trộn cây rừng “na ná xáo tam phân” vào để trục lợi. Kết quả là tiền thì mất mà tật vẫn cứ mang!
Một “kết luận bước đầu” của cơ quan chuyên môn về loại dược liệu nặng về tính tham khảo hơn là thực tế trị bệnh, vô tình đã tạo điều kiện cho những lời đồn thổi có đất sinh sôi. Những kẻ trục lợi được dịp “đục nước béo cò”. Đồn như thế, tai hại thay!
Trần Đăng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.