Hệ thống y tế sụp đổ, tính mạng của hàng triệu người Afghanistan bị đe dọa

Thứ bảy, ngày 09/10/2021 11:07 AM (GMT+7)
Theo Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ làm việc tại nước này, hoạt động chăm sóc sức khỏe ở Afghanistan đang dần sụp đổ. Đã sáu tháng nay, hàng nghìn nhân viên y tế không được trả lương, các phòng khám không có thuốc men hay thiết bị.
Bình luận 0
Hệ thống y tế sụp đổ, tính mạng của hàng triệu người Afghanistan bị đe dọa - Ảnh 1.

Các nữ y tá chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Wazir Akbar Khan ở Kabul, ngày 1/9/2021. Ảnh: CNN

Tổ chức phi chính phủ Save The Children cho biết nếu hệ thống y tế của Afghanistan sụp đổ, hàng nghìn trẻ em sẽ chết, đặc biệt là khi mùa đông đang đến gần. Đa số người dân Afghanistan không được chăm sóc sức khỏe - đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Tình trạng thiếu lương thực cũng trầm trọng hơn bao giờ hết. Hơn 12 triệu người Afghanistan phải đối mặt với nạn đói và phụ thuộc vào viện trợ lương thực, theo Liên Hợp Quốc. Số lượng trẻ em suy dinh dưỡng tăng mạnh. Tiền mặt không có đủ khiến các tổ chức phi chính phủ làm việc ở Afghanistan gặp khó khăn trong việc trả lương và mua vật tư.

Hơn 600.000 người Afghanistan đã phải rời bỏ đất nước trong năm nay, 80% trong số họ là phụ nữ và trẻ em, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.

Thêm vào đó, số lượng ca mắc Covid-19 cũng đang gia tăng trở lại, trong bối cảnh phần lớn dân số vẫn chưa được tiêm phòng đầy đủ. Việc thiếu các số liệu đáng tin cậy khiến tác động của đại dịch trở nên khó đánh giá. Theo Liên Hợp Quốc, trước tháng 8/2021, mới có khoảng 2,2 triệu người Afghanistan được tiêm vaccine Covid-19.

Hệ thống y tế sụp đổ, tính mạng của hàng triệu người Afghanistan bị đe dọa - Ảnh 2.

Tình trạng thiếu lương thực cũng diễn ra phổ biến ở Afghanistan. Ảnh: CNN

Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) trong tuần này cho biết các cơ quan cứu trợ ở Afghanistan đang chạy đua với thời gian để cung cấp viện trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nguồn cung ứng chuẩn bị trước mùa đông.

Mary-Ellen McGroarty, Giám đốc Quốc gia của Chương trình Lương thực Thế giới, nói với CNN rằng bà chưa từng thấy một cuộc khủng hoảng nào diễn ra với tốc độ và quy mô lớn như thế này. Bà nói: "Người dân đang thiếu thốn mọi thứ do hạn hán và khủng hoảng kinh tế đẩy giá lương thực, nhiên liệu lên cao".

Ngay cả thời điểm trước khi Taliban tiếp quản, theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi và 1/4 phụ nữ mang thai cần được điều trị gấp vì suy dinh dưỡng. Một quan chức cấp cao của một tổ chức phi chính phủ, người đề nghị giấu tên khi nói về chủ đề nhạy cảm này, cho biết Taliban đã thay thế nhiều chuyên gia y tế ở Kabul và các tỉnh khác - khiến việc cứu chữa bệnh nhân càng khó khăn hơn.

Các cơ quan như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bắt đầu vận chuyển các nguồn cung cấp y tế thiết yếu đến Afghanistan, thế nhưng đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Tiến sĩ Luo Dapeng, Đại diện Quốc gia của WHO tại Afghanistan nói: "Khả năng đảm bảo sức khỏe của người dân Afghanistan đang ngày càng xa tầm tay khi mùa đông đến gần".

Lê Phương (CNN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem