Hết thời “tay không” thu hút FDI

Thứ năm, ngày 28/03/2013 08:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Việt Nam sẽ phải thay đổi căn bản cách thức cũng như cải cách nội tại mạnh mẽ mới có thể thu hút nguồn vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) một cách hiệu quả tới đây...”.
Bình luận 0

Ý kiến này là của hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư FDI tại VN do Bộ KHĐT tổ chức tại Hà Nội hôm qua (27.3).

img
Sản xuất linh kiện điện tử tại một công ty của Hàn Quốc ở Việt Nam (ảnh lớn). Biểu đồ: đóng góp của FDI vào một số lĩnh vực năm 2011.

Từ chỗ không có gì...

Theo GS Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) FDI tại VN, cách đây 25 năm, VN thu hút FDI là "không có gì, không kinh nghiệm và rất bỡ ngỡ". Đến nay, 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội là của FDI. Nếu không có FDI thì VN không thể liên tục tăng trưởng 7-8%/năm và hiện nay là 5-6%/năm. Kim ngạch của 5 ngày xuất khẩu của VN hiện nay bằng xuất khẩu của cả năm 1991, trong đó 64% là của DN FDI.

Tuy nhiên, cũng từ ngày có dòng vốn FDI vào VN đã rộ lên những lo ngại như việc chuyển giá, trốn thuế; nhập khẩu thiết bị cũ, rồi VN trở thành "bãi rác" của thế giới; đình công tăng lên; ô nhiễm môi trường... "Nhìn thẳng các yếu kém này thì VN mới tự đánh giá được môi trường đầu tư của mình và cạnh tranh thu hút FDI trong tương lai"- ông Mại nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN ông Toyoaki Funakoshi:

Có DN Nhật đầu tư vào VN, không chờ nổi thủ tục nhiêu khê của địa phương, phải kêu lên Thủ tướng mới được đầu tư. Nhiều đạo luật, quy định của VN mỗi tỉnh, mỗi Bộ lại thực hiện một kiểu... "Với đà này, VN sẽ không thể cạnh tranh nổi với các nước trong khu vực về thu hút FDI từ Nhật Bản"-ông Toyoaki Funakoshi khẳng định.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, ông Dương Anh Điền cũng cho rằng, nếu chỉ coi DN FDI cần đầu tư gì thì đến không thì thôi như 25 năm qua, sẽ rất khó thu hút FDI. "VN phải chủ động tạo ra môi trường, điều kiện, nguồn nhân lực để có được sức mạnh nội lực thu hút FDI. Thu hút FDI hiệu quả chính là sự gặp nhau về lợi ích của VN và nhà đầu tư"- ông Điền nói.

Đại sứ VN tại Nhật Bản, ông Đặng Dương Hưng nêu một thực tế: Chưa bao giờ DN Nhật lại quan tâm đầu tư vào VN như hiện nay, nhưng họ đòi hỏi VN cần cải cách môi trường đầu tư kinh doanh rõ ràng. VN nói ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng chính sách lại không có, khiến nhà đầu tư không biết điều kiện gì để đầu tư. DN FDI đều chưa thấy VN thực sự nỗ lực cải cách".

Tiếp tục có làn sóng FDI?

Có thể nói, thu hút FDI của VN 25 năm qua chỉ có 5-6% là vào công nghệ cao, còn lại 80% chỉ là công nghệ trung bình, còn lại là kém và lạc hậu. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ông Lê Mạnh Hà, yếu kém này là do chúng ta không có trình độ thẩm định công nghệ. Nếu không sớm khắc phục VN sẽ tiếp tục bị "tụt hậu" về thu hút FDI trong tương lai.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Đoàn đại biểu Quốc Hội TP.HCM, ông Trần Du Lịch phát biểu: VN cần chủ động trong thu hút FDI để loại bỏ những dự án, công nghệ yếu kém. VN có tạo được trào lưu thu hút FDI mới hay không cũng ở thế chủ động này. Ông Lịch kiến nghị: VN cần phải lựa chọn đối tác theo từng lĩnh vực.

Theo đó, VN nên tập trung thu hút FDI liên quan đến công nghệ cao: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp. Hai là thu hút FDI vào hạ tầng. Ba là vào thị trường tài chính bởi nếu không có đầu tư FDI VN sẽ không tái cấu trúc nổi tài chính, kể cả lĩnh vực ngân hàng. Cuối cùng là vào công nghiệp, chuyển từ công nghiệp gia công sang sản xuất, nhất là công nghiệp phụ trợ.

Ông Lịch kể rằng, có DN Nhật đầu tư vào VN sản xuất rượu sakê nhưng phải mua gạo nếp của Thái Lan vì VN không trồng loại nếp làm rượu sakê. Nếu cứ thu hút đầu tư mà không có chiến lược phát triển các ngành phụ trợ, VN sẽ không có dòng FDI hiệu quả.

GS Nguyễn Mại cũng cho rằng, cơ hội cho một làn sóng đầu tư FDI mới là rất rõ, còn lại là liệu chúng ta có vượt qua những rào cản, thách thức của chính mình, có thay đổi được cách làm để thu hút FDI. DN FDI không có nhiều thời gian, nên chúng ta không thể tiếp tục rườm rà trong kiểm tra, thẩm định, cấp phép các dự án... Bây giờ, chúng ta phải năng động, nói phải đi với đôi với làm chứ không thể quay lại cái thời “tay không” thu hút FDI như trước được.

Thu hút FDI phải đi vào thực chất

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Thu hút FDI tới đây sẽ phải đi vào thực chất; phải có giải pháp đồng bộ sớm khắc phục các hạn chế; đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải cách chính sách đầu tư phải tạo thuận lợi, cạnh tranh cao hơn so với các nước trong khu vực. Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành địa phương phải rà soát bổ sung để có các ưu đãi cao với các dự án FDI đầu tư vào hạ tầng, áp dụng ưu đãi trong các dự án hợp tác công tư (PPP), địa phương phải bố trí vốn ngân sách cho các dự án này, tránh tình trạng hơn 2 năm VN mới có 1 dự án PPP là dự án cảng nước sâu ở Hải Phòng.

Với các dự án FDI đầu tư vào công nghệ IT, công nghệ sinh học, theo Thủ tướng sẽ ưu tiên cho các dự án lớn, thu hút nhiều lao động để chuyển đổi tăng trưởng kinh tế; bổ sung thêm các ưu đãi cho đầu tư công nghiệp phụ trợ. Cuối cùng là ưu đãi cho các dự án FDI vào lĩnh vực thị trường vốn, tài chính. Tới đây chiến lược thu hút FDI sẽ phải được nghiên cứu kỹ để vừa hiệu quả, vừa chặt chẽ. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết về thu hút FDI cùng với hàng loạt các chủ trương chính sách để thúc đẩy khu vực này một cách toàn diện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem