25 năm đầu tư FDI tại Việt Nam: Thu hút FDI sẽ đi vào "thực chất"

Thứ tư, ngày 27/03/2013 14:38 PM (GMT+7)
Dân Việt - Hôm nay 27.3, tại Hà Nội Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam (VN).
Bình luận 0

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại của đầu tư nước ngoài tại VN; trên cơ sở đó xác định những định hướng, giải pháp cho giai đoạn tới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Bộ KH&ĐT cho biết, sau khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời (tháng 2.1987), đã có hai làn sóng đầu tư FDI vào VN. Từ năm 1991 đến năm 1997 đã diễn ra làn sóng FDI thứ nhất, với 2.230 dự án và vốn đăng ký 16,244 tỷ USD, vốn thực hiện 12,98 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng năm 1997, vốn thực hiện đã đạt 3,115 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991. Năm 2005 lại mở đầu làn sóng FDI thứ hai vào VN, với vốn đăng ký 6,839 tỷ USD và vốn thực hiện 3,3 tỷ USD.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, đến hết tháng 2.2013, VN đã thu hút được 14.550 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỉ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỉ USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư xã hội.

Có thể nói, FDI đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. FDI đã góp phần quan trọng hình thành nhiều ngành kinh tế, như khai thác, lọc hóa dầu, ô tô, xe máy, điện tử, xi măng, sắt thép, thực phẩm, thức ăn gia súc; cũng như góp phần hình thành một số khu đô thị hiện đại như Phú Mỹ Hưng, Nam Thăng Long, nhiều khách sạn 4- 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, văn phòng cho thuê...

Lĩnh vực dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bán buôn, bán lẻ đã du nhập phương thức kinh doanh hiện đại, công nghệ tiên tiến, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp dân cư...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, hoạt động FDI cũng đã bộc lộ những nhược điểm và khuyết điểm, như chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế, một số máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu đã được nhập khẩu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Cùng với đó, cũng đã xảy ra “cuộc chiến giữa các tỉnh, thành phố chào mời nhà đầu tư quốc tế” bằng những ưu đãi quá mức thuế, tiền thuê đất, ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợi chung của cộng đồng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: FDI tiếp tục là nguồn vốn quốc tế quan trọng nhất đối với VN, khi viện trợ phát triển (ODA) đang có xu hướng giảm, khi đầu tư gián tiếp khá bấp bênh. Chính phủ đưa ra thông điệp rõ ràng về định hướng FDI mới chuyển sang chính sách nâng cấp FDI, coi trọng hơn chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Chính sách nâng cấp FDI sẽ được hình thành theo các hướng ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hiện đại, xây dựng khu kinh tế đặc biệt... Thủ tướng yêu cầu: Thu hút FDI tới đây sẽ phải đi vào thực chất; phải có giải pháp đồng bộ sớm khắc phục các hạn chế; đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải cách chính sách đầu tư phải tạo thuận lợi, cạnh tranh cao hơn so với các nước trong khu vực.

Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ ưu tiên các dự án FDI vào hạ tầng, các địa phương phải bố trí vốn ngân sách cho các dự án hợp tác công tư về đầu tư cơ sở hạ tầng. FDI cũng sẽ hướng vào ngành công nghệ thông tin công nghệ cao, công nghệ sinh học; bổ sung ưu đãi cho công nghiệp phụ trợ; ưu đãi cho các dự án FDI vào thị trường vốn, tài chính... Ngay sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết về thu hút FDI cùng với hàng loạt các chủ trương chính sách để thúc đẩy khu vực này một cách toàn diện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem