Huyền Anh
Thứ ba, ngày 22/03/2022 07:52 AM (GMT+7)
Các chuyên gia, tổ chức đều chung quan điểm cho rằng, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã tạo đáy và kỳ vọng nhích tăng dần về cuối năm. Lãi suất huy động có thể tăng tối đa 0,5% trong 6 tháng cuối năm.
Từ ngày 11/3 đến 17/3/2022, lãi suất liên ngân hàng (LSLNH) các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có chung diễn biến tăng trở lại, lần lượt ở mức 0,08%; 0,07% và 0,43% lên 2,19%; 2,22% và 2,74%/năm.
Thực tế, lãi suất liên ngân hàng thời gian qua đã thiết lập một mặt bằng mới, mặc dù vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 nhưng đã cao hơn 2 năm 2020-2021.
Theo đó, lãi suất liên ngân hàng trung bình từ đầu năm tới nay của các kỳ hạn đêm, 1 tuần và 2 tuần hiện lần lượt ở mức 2,12%; 2,26% và 2,43%/năm, so với mức quanh và dưới 1% trong 2 năm 2020-2021.
Theo các chuyên gia tại chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong năm 2022, nền kinh tế mở cửa trở lại kéo theo nhu cầu về vốn tăng cao; trong khi các NHTƯ lớn trên thế giới đã bắt đầu có những động thái tăng lại lãi suất (Cục dự trữ liên bang Mỹ, NHTƯ Anh BoE), lãi suất liên ngân hàng năm 2022 khó có khả năng sẽ quay về mặt bằng thấp như 2 năm trước.
Đồng tình, các nhà phân tích tại chứng khoán SSI thì cho rằng, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021 dưới áp lực của tín dụng hồi phục.
Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và tương đồng với kỳ vọng của SSI, các tổ chức tín dụng (TCTD) ước tính tín dụng tăng 5,3% trong quý I/2022 và 14,1% cả năm 2022 so với cuối năm 2021.
Trên thực tế, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 10/3, tăng trưởng tín dụng đạt 3,11%, cao hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và 0,6 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng ghi nhận vào 25/2.
Sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng trong giai đoạn đầu năm 2022 phản ánh nhu cầu tín dụng tăng dần của doanh nghiệp sau khi bị giãn đoạn do dịch bệnh và cùng với nỗ lực hỗ trợ bơm vốn rẻ của hệ thống ngân hàng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi.
Cụ thể, VCB đang triển khai chương trình lãi suất ưu đãi với quy mô 49 nghìn tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian từ 15/3/2022 đến hết ngày 31/3/2023 và lãi suất từ 5,6%-8,3%/năm.
BIDV, tương tự cũng thực hiện chương trình ưu đãi tín dụng với quy mô 200.000 tỷ đồng, trong đó 100.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm (kỳ hạn dưới 6 tháng) và 5,5%/năm cho kỳ hạn 6-12 tháng.
Từ đó, SSI duy trì quan điểm mặt bằng lãi suất trên thị trường đã tạo đáy và kỳ vọng nhích tăng dần về cuối năm. Mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát.
Lãi suất huy động sẽ tăng tối đa 0,5%
Nhóm nghiên cứu tại BVSC dự báo, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm, thậm chí còn tăng khoảng 0,25 - 0,5%.
Dự báo về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, nhân viên phân tích tại ACBS Trịnh Viết Hoàng Minh ước tính, lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2022 tối đa 0,5%.
Cũng theo ông Minh, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ xu hướng tiếp tục mở rộng nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 nếu hội tụ 3 yếu tố.
Thứ nhất, Fed sẽ chỉ tăng lãi suất với tổng mức tăng cao nhất là 2% nhưng Fed sẽ chưa bắt đầu chương trình thắt chặt định lượng (tức là rút tiền ra khỏi hệ thống).
Hai là, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì trong mức 4%, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.
Ba là, xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế chính của đất nước khi các hoạt động sản xuất dần phục hồi và kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi và một danh sách dài các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã đạt được cho đến nay như EVFTA, UKVFTA, CPTPP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.