Hiếm có nơi nào như thành phố này ở Tuyên Quang, dân dựa vào dòng sông Lô mà mưu sinh, làm giàu

Thứ tư, ngày 21/06/2023 05:10 AM (GMT+7)
Có người đã ví von, dòng sông là cội nguồn để tạo ra một thành phố. Sông Lô, vốn đã mang trong mình trọng trách ấy, khi đồng hành cùng người dân Thành Tuyên (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) suốt cả chiều dài lịch sử, giờ lại càng thêm lấp lánh, khi đã dần lên hình hài thành phố 2 bên dòng sông.
Bình luận 0

Những người đi trên sông

Hiếm có thành phố nào, dòng sông song hành cả chiều dài thành phố như ở Thành Tuyên. Người dân dựa vào lợi thế đấy, để mưu sinh và làm giàu. 

Phường Nông Tiến, vốn nổi tiếng là mảnh đất “trên bến dưới thuyền” một thuở. Bí thư Đảng ủy phường Nông Tiến Phùng Văn Vân cười bảo, ngô, lúa, hoa màu, cây ăn quả… ở Nông Tiến có lẽ được thụ lộc từ nước dòng Lô mà bời bời tươi tốt. 

Từ đất làng Tằm vốn chỉ quay tơ dệt sợi, Nông Tiến từ lúc nào trở thành “thủ phủ” của cây ăn quả, hoa đào, ngô nếp và cả cá lồng đặc sản. 

Ông Vân nhẩm tính, phường có 5 tổ dân phố bám dọc sông Lô, là các tổ 1, 2, 4, 6, 8, mỗi tổ tận dụng một lợi thế để phát triển. Tổ 1, tổ 8 phát triển cây ăn quả, cây cảnh và hoa màu; tổ 2, tổ 4, tổ 6 tận dụng mặt nước dòng Lô để nuôi cá. Ở 3 tổ này, bà con đã làm 76 lồng nuôi các loại cá, từ bình dân đến đặc sản, như rô phi đơn tính, cá chiên, cá lăng…

Hiếm có nơi nào như thành phố này ở Tuyên Quang, dân dựa vào dòng sông Lô mà mưu sinh, làm giàu - Ảnh 1.

Thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) bên dòng sông Lô. Ảnh: Hoàng Thảo.


Anh Lê Văn Sáng ở tổ 4, phường Nông Tiến tự gọi mình là “người đi trên sông”. Những ngày chưa cố định, gắn đời mình với những lồng nuôi cá, anh đã lang thang sông nước, đánh bắt, mua bán cá tôm về cho vợ chạy chợ. 

Sau này, khi dòng Lô được trị thủy, không còn cảnh hung dữ ngầu đục những ngày mưa lớn, anh học lấy nghề nuôi cá lồng trên sông. Anh bảo, nước sông Lô hiền hòa, trong mát, chỉ cần áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, cá lồng thơm ngon, trở thành món ăn đãi khách đặc sản. 

Vừa rồi, chiếc cầu Tình Húc được đưa vào sử dụng, rồi công cuộc cải tạo khu vực hai bên dòng sông của thành phố được đẩy nhanh tiến độ, anh Sáng vui lắm. 

Anh bảo, mấy nữa ánh đèn lấp lánh hai bên thành phố cũng sẽ rọi xuống sông nước thuyền bè, để cuộc sống của những vạn chài bên sông, vẫn bám sông bám nước mà sống đấy, nhưng không phải trông trời trông đất nữa, mà chuyển dần theo hướng dịch vụ để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hiếm có nơi nào như thành phố này ở Tuyên Quang, dân dựa vào dòng sông Lô mà mưu sinh, làm giàu - Ảnh 2.

Đảo hoa cầu Tình Húc của anh Trần Việt Trung trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều người dân.

Nhiều người nông dân đã nhanh chóng nhập cuộc và chuyển hướng làm ăn. Như anh Trần Việt Trung, tổ 8, phường Nông Tiến. Khu vườn này rộng gần 7 ha, trước đây được anh trồng các loại cây ăn quả có múi như, cam, chanh, bưởi… 

Do nhà nước thu hồi đất để xây dựng cầu Tình Húc và đường dọc 2 bờ sông Lô, nên đầu năm 2020, anh đã chuyển đổi sang trồng các loại hoa để phục vụ khách đến tham quan, chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đẹp cho bản thân, bạn bè và gia đình. Các loại hoa được anh đưa vào trồng là cúc, hoa hồng cổ, hoa giấy đủ sắc màu… 

Anh bảo, phường chuyển mình, nông dân cũng không thể đứng im mãi được, mình cũng phải chủ động để hòa mình vào với nhịp sống mới chứ.

Đánh thức sông trong phố

Nguyên Chủ tịch UBND phường Nông Tiến Nguyễn Chí Thuật bảo, so với cách đây mươi, mười lăm năm, thì Nông Tiến giờ đã đổi thay gấp năm, gấp mười lần rồi. Từ một xã thuần nông ven thị xã, Nông Tiến vươn mình, trở thành một đô thị với dáng dấp hiện đại và mới mẻ.

Những ngày đầu nhận quyết định thu hồi đất và tài sản trên đất xây dựng tuyến đường bên sông Lô, vợ chồng chị Tạ Thị Hương, anh Nguyễn Văn Hợi, tổ 6 phường Nông Tiến rơi nước mắt không biết bao nhiêu đêm. Anh chị không có công việc ổn định, gia đình bao đời nay chỉ trông chờ vào thu nhập từ vườn cây ăn quả tận dụng đất ven dòng Lô để trồng. Những ngày tháng 6 phải bàn giao đất, vườn bưởi lúc lỉu còn chưa đến ngày cho thu hoạch, vợ chồng chị cứ lần lữa mãi. Tiếc công, tiếc sức mình lắm, cũng lo mấy nữa không còn đất thì biết lấy gì làm kế sinh nhai. Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Trần Ngọc Rịnh biết được điều ấy. 

Ông cùng cán bộ phường, cán bộ tổ dân phố đến phân tích từng điều. Ông bảo, nếu cứ mãi bám vào đất nông nghiệp, lại còn là đất khai hoang, chưa có sổ đỏ thì cũng chỉ lo đủ đời mình thôi, đời con cháu mình phải khác chứ. Thêm nữa, con đường thành hình rồi, đô thị thành hình rồi, thì lo gì không có việc mà làm… Mất đâu chừng 3 - 4 ngày, thì anh chị Hương, Hợi nhận tiền đền bù hoa màu. Giờ, hai vợ chồng đã chuyển sang làm dịch vụ.

Ông Trương Văn Hội ở tổ 6 cũng là 1 trong 7 hộ gia đình bàn giao đất xây dựng tuyến đường bên sông. Nhà ông Hội đã 5 - 6 thế hệ sống ở đất này, ai nấy đều làm nông nghiệp. Ông bảo, mình nhường đất cho nhà nước, để nhà nước đổi lại cho mình hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Rồi vài ba năm nữa, thì cả khu vực này sẽ khoác lên mình chiếc áo mới, mình hưởng lợi, con cháu mình hưởng lợi, sẽ không còn “nửa phố nửa quê” như này nữa.

Hiếm có nơi nào như thành phố này ở Tuyên Quang, dân dựa vào dòng sông Lô mà mưu sinh, làm giàu - Ảnh 3.

Tuyến đường 2 bên bờ sông Lô đoạn qua phường Nông Tiến đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tuyến đường dọc 2 bên bờ sông Lô đấu nối với các tuyến Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C, đường Hồ Chí Minh kết nối với đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai những ngày này cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Có chiều dài hơn 7,9 km, trong đó tuyến 1 nằm bên có chiều dài hơn 5 km, tuyến 2 có chiều dài hơn 2 km. 

Với cam kết, hết tháng 10, toàn bộ 2 tuyến đường dọc bên dòng Lô sẽ hoàn thành, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Tuyên Quang Lý Đỗ Thành Quang cho biết, đến thời điểm này, tuyến đường 2 bên bờ sông Lô đã đến những giai đoạn cuối cùng. 

Cùng với việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường 2 bên bờ sông, đơn vị cũng đồng thời tiến hành chỉnh trang quanh khu vực, như thiết kế vườn hoa công viên tạo cảnh quan tại khu ẩm thực cũ thuộc phường Minh Xuân; cải tạo, chỉnh trang vườn hoa khu vực đường Chiến Thắng Sông Lô… có sử dụng lan can bê tông đồng bộ với khu vực Hồ công viên Tân Quang.

Nhiều khu đô thị bám dọc sông Lô cũng đã bắt đầu được quy hoạch, đầu tư. Như Dự án đô thị bên sông Lô ở phường Hưng Thành, Dự án đô thị sinh thái ở Nông Tiến và Hưng Thành, Dự án khu đô thị dịch vụ và dân cư ở phường Nông Tiến…

Câu chuyện đánh thức dòng sông trong phố vẫn còn là câu chuyện dài. Nhưng với những bước đi phù hợp, tôn trọng dòng chảy lịch sử, văn hóa và cả tâm huyết của những người làm quy hoạch, một thành phố hiện đại với những khu đô thị đồng bộ hai bên bờ sông sẽ không còn là giấc mơ xa xôi. Dòng sông Lô, sẽ mãi là nhân chứng, đồng hành cùng với thành phố để tạo nên một bức tranh hài hòa, xuyên suốt trong tâm thức người yêu quê hương.

Trần Liên (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem