Đây là người quê Thanh Hóa, đại tài trăm năm hiếm có, sống đời lưu vong, mộ phần vẫn ở Bắc Kinh

Thứ sáu, ngày 05/05/2023 05:01 AM (GMT+7)
Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446) là con trai cả của Hồ Quý Ly, quê ở làng Đại Lại, huyện Vĩnh Phúc, lộ Thanh Hoa (ngày nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Là con trưởng nhưng Hồ Nguyên Trừng không được cha truyền ngôi...
Bình luận 0

 Lựa chọn con đường đi riêng, Hồ Nguyên Trừng đã thể hiện vai trò và vị trí của một nhà kỹ thuật quân sự tài ba, là một công trình sư lỗi lạc, một trong những nhân vật đa tài trăm năm hiếm gặp.

Đạn đá được thiết kế bởi nhà quân sự Hồ Nguyên Trừng, dùng để phòng thủ khi có giặc tấn công thành. Đây là một trong số hàng nghìn hiện vật được khai quật ở Thành Nhà Hồ.

Một công trình sư, nhà phát minh

Với vai trò là Tổng công trình sư, Hồ Nguyên Trừng đã xây dựng Thành Tây Đô trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng, từ tháng Giêng đến tháng ba năm 1397. Ngoài ra, ông còn là cha đẻ của thuyền cổ lâu (loại thuyền chiến hai tầng) và ông tổ của nghề đúc súng thần công khi cải tiến các loại hỏa pháo trước đó để cho ra đời khẩu “Thần cơ Thương pháo” có sức công phá và sát thương hơn hẳn các loại súng đương thời. 

Đây là người quê Thanh Hòa, đại tài tới mức trăm năm hiếm có, sống lưu vong, mộ phần vẫn ở Bắc Kinh - Ảnh 1.

Đạn đá được thiết kế bởi nhà quân sự Hồ Nguyên Trừng, dùng để phòng thủ khi có giặc tấn công thành. Đây là một trong số hàng nghìn hiện vật được khai quật ở Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1406, khi quân Minh lấy cớ “Phù Trần diệt Hồ”, mang 80 vạn quân sang đánh nước Việt, Hồ Nguyên Trừng với nhiệm vụ cầm quân chống lại quân địch, nhờ những chiếc thuyền chiến cùng “Thần cơ Thương pháo” và cách đánh độc đáo thông qua việc cho đúc nhiều dây xích lớn chăng qua những khúc sông hiểm trở, kết hợp với quân mai phục mà có lúc quân nhà Hồ đã chiếm được ưu thế so với giặc Minh trên cả hai mặt trận bộ binh lẫn thủy binh.

Sử nhà Minh chép: “Trong cuộc bình Giao Chỉ, nhà Minh đã bắt được súng thần, pháo thần của Giao Chỉ được coi là vũ khí nhất thiên hạ... Súng thần công có được gần đây dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài 100 bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến”.

Đánh giá về hiệu quả của phát minh này, “Đại Việt sử ký toàn thư” còn chép: “Xác chết cao ngang với thành”. Thế nhưng dù được trang bị vũ khí hùng hậu, nhà Hồ vẫn không đẩy lùi được sức tấn công của giặc. Bởi lẽ trước khi tấn công thành Đa Bang, giặc Minh quỷ quyệt đã nghĩ ra kế ly gián lòng dân với triều đình.

Mệnh trời là ở lòng dân

Là con trưởng nhưng Hồ Nguyên Trừng không được cha truyền ngôi. Bởi khi ấy, Hồ Quý Ly muốn lập người em là Hồ Hán Thương (con công chúa Huy Ninh nhà Trần) làm người kế nghiệp. 

Hồ Quý Ly mang câu đối để thử lòng thì Hồ Nguyên Trừng bày tỏ lòng mình hàm ý chỉ muốn làm bề tôi chứ không muốn làm hoàng đế: “Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc” (nghĩa là: Cây thông nhỏ ba tấc ấy, sau này làm rường làm cột, để chống đỡ xã tắc). 

Ẩn sâu bên trong quyết định ấy là những toan tính rất kỹ của Hồ Quý Ly. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Tháng 12 (năm 1400)..., Quý Ly đem ngôi nhường cho con là Hán Thương, tự xưng là Thái Thượng Hoàng, cùng coi chính sự..., Quý Ly sai sứ sang nước Minh..., nói rằng họ Trần đã tuyệt giống, Hán Thương là cháu ngoại của (Trần) Minh Tông tạm trông coi việc nước”.

Cuối năm 1405, Hồ Quý Ly cho triệu tập một cuộc hội nghị đặc biệt để bàn kế chống quân Minh. Khi được hỏi, Hồ Nguyên Trừng đáp rằng: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. 

“Hồ Quý Ly nghe thế liền ban thưởng cho ông một cái hộp trầu bằng vàng”. Về sau sử thần Ngô Sĩ Liên đã có lời khen, rằng: “Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó. Không thể vì cớ họ Hồ mà bỏ câu nói của Trừng được”.

Sống thân phận lưu vong

Giữa năm 1407, toàn bộ gia tộc họ Hồ, từ Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đến con cháu đều bị quân Minh bắt sống và giải về Kim Lăng (Nam Kinh, Trung Quốc). 

Kể từ đó, nhà Hồ mất, cả nước Việt rơi vào ách thống trị của nhà Minh. Minh Thành Tổ sau khi hỏi tội cha con Hồ Quý Ly trước triều đã tha tội cho Hồ Nguyên Trừng và các con nhỏ trong gia đình.

Kể từ đây, cuộc đời Hồ Nguyên Trừng không được sử sách chính thống Việt Nam nhắc đến. Nhiều văn bản Trung Quốc còn lưu lại đến ngày nay đều thống nhất dùng họ Lê cho Hồ Nguyên Trừng và con cháu ông.

Sở dĩ vua Minh Thành Tổ tha chết cho Hồ Nguyên Trừng là bởi biết ông rất giỏi chỉ huy xây dựng thành lũy. Ngay sau đó, Minh Thành Tổ giao cho Lê Nguyên Trừng nhiệm vụ đốc thúc một phần xây dựng cố cung Bắc Kinh. 15 năm xây dựng thành Bắc Kinh thì Nguyên Trừng góp công sức đến 14 năm.

Khi sống cuộc đời lưu vong ở Trung Quốc, do việc ông chế tạo được súng thần công mà được làm quan ở bộ Công của nhà Minh, thăng đến chức Tả thị lang, rồi được thăng chức Công bộ Thượng thư (1445). Trong “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn nhắc đến một tình tiết: “Quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng”. Sau khi ông qua đời, vua nhà Minh sắc phong làm “Thần hỏa khí”, mỗi khi tế súng đều phải tế Hồ Nguyên Trừng.

Tuy nhiên, dù chức cao bổng hậu Hồ Nguyên Trừng vẫn ngóng về quê hương với nỗi niềm sâu nặng. Phải chăng đấy là lý do Nguyên Trừng lấy bút hiệu Nam Ông (ông già nước Nam) và viết quyển “Nam Ông mộng lục” bất hủ. 

“Nam Ông mộng lục” chép lại những giấc mộng của Nam Ông với 31 thiên (hiện chỉ còn 28 thiên), phần nào giúp hậu sinh hình dung được đất nước con người Việt Nam cách đây hơn 600 năm. Các mảng đời sống, tín ngưỡng, phong tục, lề thói... rất sinh động và chân thật. 

Đây là tập hồi ký chữ Hán đầu tiên và là tác phẩm đầu tiên mở đường cho khuynh hướng viết về “người thực, việc thực” trong văn xuôi tự sự Việt Nam.

Hiện mộ phần Lê Trừng (tức Hồ Nguyên Trừng) ở tại thôn Nam An Hà, thuộc thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày nay. 

Ở Việt Nam, tên Hồ Nguyên Trừng đã được đặt cho một con đường ở thị trấn Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) và ở hai quận Hải Châu, Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng). 

Ông Lê Khắc Tuế một người nghiên cứu lịch sử vùng đất Tây Đô xưa (Vĩnh Lộc ngày nay) cho biết: Thời Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương chú trọng đến lực lượng quân thủy, đến việc đóng thuyền đinh sắt làm thuyền chiến và thùng chở quân lương. Sách Đại Việt sử ký toàn thư và sau này là “Vĩnh Lộc huyện chí” do Lưu Công Đạo biên soạn đời Gia Long thứ 15 (1816) mục nói về sông Bưởi có ghi rõ điều này. 

Hiện nay, ở hai bên bờ sông Bưởi ở xã Vĩnh Phúc và cả thị trấn Vĩnh Lộc còn nhiều dấu tích là nơi đậu thuyền, bãi đóng thuyền thời nhà Hồ. 

Những bãi đóng thuyền rộng khoảng 500m2 nằm sát bờ sông và được đào sâu gần với mực nước bình thường của sông Bưởi, có cửa ra sông rộng 20-25m. Tuy nhiên, do bãi bồi nên các bãi đóng thuyền của nhà Hồ có cốt thấp hơn bờ sông từ 2m-2,5m; diện tích này đang được dùng vào việc cấy lúa và trồng màu.

Ngay tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa mỗi lần đi ngang con phố mang tên Hồ Nguyên Trừng, nằm trong khu vực đất vua Lê (phường Đông Vệ), nhiều người lại nhớ về ông và không khỏi xót xa chạnh lòng nghĩ về vị cố nhân đại tài trăm năm hiếm gặp này.

Chi Anh (Văn hóa & Đời sống/Báo Thanh Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem