Hiểm họa với du khách từ những tour du lịch băng rừng
Hiểm họa chết người từ những tour du lịch băng rừng
Văn Long
Thứ năm, ngày 03/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Những sản phẩm du lịch có kết hợp các hoạt động như bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, leo núi, đu dây vượt thác, thám hiểm hang động, rừng, núi… tiềm ẩn những nguy cơ gây chết người hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của du khách.
Những khu rừng bí hiểm, ẩn chứa những sự kỳ diệu hay những con đường giữa rừng, giữa núi là mơ ước khám phá của nhiều du khách đam mê du lịch. Đặc biệt, đây là mong muốn chinh phục của nhiều người ưa mạo hiểm. Tuy nhiên, việc thực hiện khi không có kinh nghiệm, không có sự dẫn đường, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng đã khiến nhiều du khách thiệt mạng.
Mới đây nhất, một vụ việc khiến nhiều người đau lòng là đoàn du khách tham gia tour trải nghiệm tuyến leo núi Bidoup (thuộc địa bàn huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) nhưng không may 4 người đã bị lũ cuốn, hai người may mắn bám được vào cây và được lực lượng cứu hộ giải cứu. 2 du khách còn lại bị nước lũ cuốn mất tích.
Cụ thể, sáng 28/11, đoàn du khách trên khởi hành chuyến khám phá Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà. Khi đi, đoàn chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm trên dưới 10 người. Đến ngày 29/11, khi trở về địa điểm xuất phát thì 9 người đi sau cùng đã gặp nạn khi qua cầu treo suối K'Long K'Lanh nằm ở thượng nguồn sông Đa Nhim (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương). 6 người đã bị rơi xuống nước, trong đó có 1 hướng dẫn viên. Ngay sau đó, hướng dẫn viên kịp dìu 1 du khách vào bờ, tuy nhiên, 4 người còn lại đã bị nước cuốn trôi.
Đến chiều 2/12, lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương cho biết lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy thi thể hai nữ du khách là chị L.T.Q.T và N.T.H.M. Cả hai nạn nhân đều được tìm thấy tại chính cây cầu bị lũ cuốn, nơi nạn nhân bị rơi xuống và bị mắc kẹt vào các thanh sắt.
Trong năm vừa qua, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra khiến nhiều du khách thích tour mạo hiểm ngày càng lo ngại bởi sự nguy hiểm có thể rình rập bất cứ lúc nào, nhưng lo ngại hơn nữa là việc các công ty lữ hành chưa đưa ra những khuyến cáo hay có sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Vào tháng 6, một vụ du khách tham gia tổ chức giải Ultra trail Dalat 2020 gặp nạn cũng từng gây sự chú ý của dư luận cả nước. Còn nhớ, vào thời điểm đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức giải Ultra trail Dalat 2020. Tuy nhiên, trong giải này đã có một nam vận động viên bị lũ cuốn trôi khi tham gia giải.
Vận động viên tử vong là T.Đ.T (40 tuổi). Theo UBND huyện Lạc Dương, chiều 20/6, nước lũ trên suối ở khu vực huyện dâng cao đột ngột. Trong lúc trận mưa xảy ra, Giải Ultra trail Dalat vẫn tiếp tục diễn ra. Khoảng 15h cùng ngày, vận động viên này bị nước cuốn trôi khi đang cố gắng chạy qua một con suối ở khu vực suối Vàng tại xã Đạ Sal (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Theo một số vận động viên tham dự giải, công tác tổ chức của giải chuyên nghiệp nhưng có sự chủ quan và không dự đoán được hậu quả của trận mưa lớn trong quá trình diễn ra cuộc thi. Đặc biệt, khi cuộc thi diễn ra với thời tiết mưa lớn, tại các con suối nước dâng lên cao, nhưng không có người của ban tổ chức khuyến cáo hoặc hướng dẫn các vận động viên.
Sau vụ tai nạn, bà Nguyễn Thị Nguyên (Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thời điểm đó) cho biết, đây là một tai nạn với tình huống nằm ngoài dự tính. Hai cơn mưa quá lớn trên diện rộng khiến nước suối dâng quá nhanh khiến tình hình khó kiểm soát.
Trước đó, một du khách khi khám phá mạo hiểm cũng gặp nạn. Ngày 11/5/2018, anh T.A.K (24 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng 6 người bạn xuất phát từ Lâm Đồng tham gia chinh phục cung đường leo núi (trekking) Tà Năng - Phan Dũng. Đến ngày 12/5, K đi trước nhóm bạn và bị lạc nhau ở một ngã 3. Sau nhiều ngày tìm kiếm, thi thể anh K được tìm thấy tại tầng 4 (thác 7 tầng Lao Phào, có độ cao khoảng hơn 300m).
36 du khách đi trekking mắc kẹt trên núi
May mắn hơn những du khách nói trên, mới đây ở Khánh Hoà cũng xảy ra một vụ việc khiến nhiều khách du lịch lo ngại, nhất là trong khi mưa lũ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngày 1/12, lực lượng chức năng huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cũng đã hỗ trợ, giải cứu 45 người bị kẹt khi khám phá núi Tà Giang thuộc địa phận xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn. Thông tin ban đầu, đoàn du khách 36 người từ TP.HCM đến huyện Khánh Sơn và thuê 9 người dân địa phương dẫn đường, phụ mang đồ đạc trekking (đi bộ băng rừng).
Đến thứ Bảy, mưa bắt đầu lớn khiến nước lũ dâng cao, nhóm này cũng mất liên lạc với người thân. Sau đó những du khách này được người dân địa phương đưa đến một trại bò để tá túc. Đến 9 giờ ngày 1/12, đoàn du khách đã xuống núi đến điểm hẹn với lực lượng chức năng tại khu vực suối để được giúp vượt suối chảy xiết, thoát ra ngoài an toàn.
Theo các hãng lữ hành, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo, thuận lợi để phát triển nhiều sản phẩm du lịch. Trong những năm gần đây, bên cạnh hình thức du lịch nghỉ dưỡng; tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, thì du lịch mạo hiểm cũng là một trong những hình thức du lịch được ưa chuộng. Nhiều địa điểm du lịch đã tổ chức, lồng ghép các hoạt động du lịch mạo hiểm để thu hút thêm nhiều khách du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động này có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân du khách tham gia trải nghiệm.
Vậy trước vụ việc trên, nhiều người đang thắc mắc, trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương ở đâu?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.