Phó Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận: Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam tạo động lực, thúc đẩy nông dân làm giàu

Bùi Phụ (ghi) Thứ năm, ngày 10/10/2024 06:04 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam mà điểm nhấn là Lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương hợp tác xã tiêu biểu năm 2024 rất có ý nghĩa, tạo sức lan tỏa, khích lệ, động viên hội viên nông dân cả nước.
Bình luận 0

Chương trình rất ý nghĩa, lan tỏa cái đẹp

Nhiều năm qua, ông Nguyễn Ngọc Hoà rất quan tâm đến đề tài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên trong những cuộc họp giao ban báo chí hàng tháng, hàng quý và hàng năm do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Thuận phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Bình Thuận tổ chức, ông Hoà luôn mong muốn các cơ quan báo, phóng viên có những bài viết phản ánh về đời sống người nông dân, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là tăng cường thông tin, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ số, nông nghiệp hữu cơ, gắn với liên kết, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị…

Đặc biệt, ông Nguyễn Ngọc Hòa rất ấn tượng với chân dung những nông dân Việt Nam xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu được biểu dương trong chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, giao báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tổ chức.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam rất ý nghĩa lan tỏa cái đẹp - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận.

 

Nhân dịp này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận.

Ông nhận xét thế nào về các gương điển hình Nông dân Việt Nam xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu sẽ được tôn vinh trong chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam?

- Bình Thuận là tỉnh duyên hải  Nam Trung bộ, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 356.746ha, chiếm 44,91% diện tích đất tự nhiên nên có điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, bao trùm cả 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng. Đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với cả nước, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã được Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận quan tâm triển khai, được các cấp Hội và Nông dân tỉnh nhà hưởng ứng mạnh mẽ, với số lượng hộ đăng ký và đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tăng lên hàng năm.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam rất ý nghĩa lan tỏa cái đẹp - Ảnh 2.

Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm Farm Ba Tường của anh Nguyễn Minh Tâm ở xã Thiện Nghiệp, TP.Phan Thiết. Anh Nguyễn Minh Tâm là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Ảnh: PV

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 55.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, với mức thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Đã vận động, hướng dẫn, thành lập 510 mô hình kinh tế hợp tác trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ nông sản …

Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: Tổ hợp tác sản xuất giống lúa xác nhận xã Bắc Ruộng (huyện Tánh Linh), trồng táo trong nhà lưới xã Phước Thể (huyện Tuy Phong), chăn nuôi bò sinh sản xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam), HTX thanh long Thuận Hòa, HTX thanh long Thuận Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc),…

Bên cạnh đó, với tinh thần "Giúp nhau cùng phát triển, cùng làm giàu", nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã hỗ trợ giúp đỡ nhau, nhất là hỗ trợ giúp đỡ các hộ nông dân nghèo về giống, vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, tạo thêm việc làm, thoát nghèo, ổn định đời sống, vươn lên làm giàu.

Phong trào đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh và thúc đẩy kinh tế nông thôn, nông nghiệp phát triển, xây dựng nông thôn mới. Chính từ đây đã xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, xuất sắc.

Tôi cho rằng, việc tôn vinh, biểu dương các tấm gương Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương hợp tác xã tiêu biểu trong Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2024) là rất ý nghĩa.

Chương trình này đã tạo sự lan tỏa, khích lệ, động viên hội viên nông dân cả nước. Đây cũng là dịp để nông dân trao đổi học tập kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để hỗ trợ nông dân hăng hái tham gia sản xuất, cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc…

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam rất ý nghĩa lan tỏa cái đẹp - Ảnh 3.

Ông Đinh Xuân Đào, từ nông dân trồng thanh long đến ông chủ xuất khẩu thanh long Liễu Đào ở huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận, được chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023. Ảnh: Bùi Phụ

Phát triển ngành nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế của tỉnh Bình Thuận 

Theo ông, để nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cần những giải pháp gì?

Phát triển ngành nông nghiệp được xác  định là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh Bình Thuận, đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định; phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững sẽ có tác động lớn trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Trong đó, việc tôn vinh, biểu dương tạo sự lan tỏa những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, các mô hình (tổ hợp tác, hợp tác xã) hoạt động hiệu quả giúp nông dân học tập kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh là rất cần thiết.

Vấn đề đặt ra là công tác truyền thông phải được quan tâm đúng mức, phải đồng hành cùng nông dân, phù hợp với tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Bình Thuận.

Việc tuyên truyền cần chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung đổi mới, đa dạng hóa về hình thức và nội dung tuyên truyền gắn với xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị. Thông qua việc tăng cường tuyên truyền, thông tin, lan tỏa mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trên tất cả các kênh báo chí, truyền thông, cổng, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội; vận động được đông đảo nông dân tham gia các phong trào thi đua, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng 3 phong trào trọng tâm: Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh. Đây là những phong trào thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Đồng thời chủ động nắm bắt tình hình trong hội viên, nông dân, kịp thời phối hợp giải quyết hoặc kiến nghị, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết, tháo gỡ kịp thời các bức xúc, các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, trong đời sống của nông dân...

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tận dụng lợi thế của mạng xã hội, công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, thông tin đến nông dân, theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV), về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày 4/5/2022 của UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận có "đặt hàng" gì với báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và các cơ quan báo chí khi thông tin đến nông nghiệp, nông thôn, đời sống của người nông dân hiện nay, thưa ông?

- Qua công tác truyền thông, nhận thức của người dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới được mở rộng, có sự phát triển và tiến bộ rõ nét, người dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam rất ý nghĩa lan tỏa cái đẹp - Ảnh 4.

Cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Thuận hướng dẫn người dân gieo giống lúa. Ảnh:KN

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn những hạn chế nhất định, như: Chưa sát, hợp với tính chất ngành nghề, vùng miền, văn hóa, đối tượng (dân tộc, tôn giáo, giới tính,...)...

Do đó, rất cần các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, hỗ trợ hộ nông dân về ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ số, nông nghiệp hữu cơ, gắn với liên kết, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị…

Xin chân thành cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem