Hiến kế thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn

Hoàng Nhật Thứ sáu, ngày 28/09/2018 10:29 AM (GMT+7)
Theo ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM), trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này.
Bình luận 0

img

Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”. (Ảnh: Trọng Hiếu) 

Sáng 28.9.2018, tại Hà Nội, Báo Nông thôn ngày nay thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với NHNN, một số Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”.

Tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh; Ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam; đại diện bộ Thông tin truyền thông; các Vụ, Cục thuộc NHNN; các đơn vị: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel); các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng trên toàn thế giới

Phát biểu tại Hội thảo về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt - Vai trò của Hội nông dân, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, đã chia sẻ một khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hàng ngày. Tỷ lệ tiền mặt trong tổng lượng tiền của nền kinh tế chỉ chiếm khoảng hơn 7,7% ở Mỹ và 10% ở khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 2016. Điển hình tại Thụy Điển tiền mặt chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng tiền trong nền kinh tế.

“Hiện nay, ngày càng nhiều Chính phủ kêu gọi chuyển đổi các giao dịch từ tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán điện tử được khuyến khích bởi những hoạt động thanh toán này sẽ để lại dấu vết điện tử mà nhà chức trách có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát. Người dân, đặc biệt là những người nông dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng sẽ không phải đến ngân hàng để rút tiền, gửi tiền và có thể thanh toán ở bất cứ nơi nào, bất cứ thời gian nào (24/7). Giao dịch trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, góp phần kích thích hoạt động thương mại”, Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam cho biết

img

Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh tại nhiều quốc gia

Ông Nam cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng trên toàn thế giới và cũng đang được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn thay cho hình thức chi trả tiền mặt thông thường. Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là xu hướng tất yếu cùng với sự phát triển của công nghệ, sự hội nhập của nền kinh tế. Một xã hội không tiền mặt là xu hướng mang tính toàn cầu.

Thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều hạn chế

Bên cạnh những ưu điểm của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, cũng chỉ ra những khó khăn. Đó là đến thời điểm hiện nay, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế.

“40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.

Những số liệu này cho thấy, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới mục tiêu năm 2020, tiền mặt chỉ xuất hiện ở mức thấp hơn 10% trên tổng phương diện thanh toán là một mục tiêu nhiều thách thức”, ông Phạm Tiến Nam nói.

Lấy ví dụ từ lĩnh vực thuế, việc nộp thuế điện tử được triển khai từ năm 2014, với 95% doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử qua các ngân hàng thương mại. Doanh thu thực tế từ nộp thuế điện tử tăng từ 55% lên 70% tiền nộp vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý thích nộp thuế trực tiếp hơn nộp qua tài khoản và tới sát hạn cuối mới đi nộp...

Tương tự, trong lĩnh vực thanh toán tiền điện, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt đã có từ lâu nhưng theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến nay, mới có trên 4,5 triệu khách hàng thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, chiếm 18,47% số khách hàng sử dụng điện trên cả nước. Một trong những nguyên nhân là thói quen và tâm lý ngại thay đổi của đa số người dân.

Riêng đối với những vùng như nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Các DN, nhất là DNNVV, việc rút, sử dụng và trả nợ của người vay bằng tiền mặt còn rất lớn. Đối với các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chủ trang trại, tỉ trọng sử dụng tiền mặt còn lớn hơn. Thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của dân chúng, cho nên việc triển khai thanh toán KDTM gặp nhiều khó khăn.

Ông Nam phân tích, người tiêu dùng trong nước nói chung và người nông dân ở khu vực nông thôn nói riêng thường sử dụng tiền mặt bởi phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi.

Ngoài ra, tiền mặt giúp họ dễ dàng quản lý ngân sách mà không lo phát sinh chi phí; đồng thời thanh toán bằng tiền mặt bảo đảm an toàn, riêng tư bởi không để lại dấu vết giao dịch và không lộ thông tin cá nhân.

Ngoài nhận thức, thói quen về sử dụng tiền mặt trong lưu thông, một nguyên nhân căn bản khác khiến cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều hạn chế tại Việt Nam nói chung và vùng nông nghiệp, nông thôn nói riêng chính là vấn đề liên quan đến hệ thống hạ tầng công nghệ.

img

Toàn cảnh hội thảo "Thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn" (Ảnh: Trọng Hiếu)

Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam nêu thực trạng: “Muốn người dân tích cực sử dụng phương thức thanh toán phi tiền mặt, thế nhưng trên thực tế, hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại vùng nông nghiệp, nông thôn còn ít. Mặc dù số lượng tài khoản ngân hàng gia tăng nhưng việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng sâu vùng xa hoặc nông thôn vẫn còn thấp.

Đồng thời, việc thanh toán qua thẻ tín dụng mới chỉ chủ yếu thiên về số lượng chứ chưa thiên về chất lượng, thanh toán thẻ vẫn qua rút tiền ATM là chủ yếu (chiếm tới 85%), chỉ có 15% là phát sinh qua thanh toán... Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán phân bổ chưa đều, hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hàng ngày”.

Theo số liệu thống kê không chính thức, nếu không tính Agribank, số lượng điểm giao dịch của các NHTM (chi nhánh hoặc phòng giao dịch) bình quân/1 đơn vị hành chính cấp huyện chỉ ở mức 2 -3 điểm giao dịch ở khu vực nông thôn (huyện, huyện đảo).

Trong khi đó, con số này tại các quận/thành phố/thị xã xấp xỉ 40 điểm giao dịch, tức chênh lệch nhau 16,7 lần. Số liệu này đặc biệt thấp tại khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc (0,7 điểm giao dịch/huyện) và khu vực Duyên hải miền Trung (1,3 điểm giao dịch/huyện).

Từ đây, ông Nam chỉ ra một nghịch lý, đó là muốn thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có tài khoản ở ngân hàng và tài khoản đó phải có tiền. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ người dân sống ở nông thôn cao (khoảng 70%), do đó những người có tài khoản ở ngân hàng chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức được trả lương qua tài khoản theo Chỉ thị 20/2007 của Chính phủ và người dân sống ở các đô thị.

Còn người dân ở vùng nông thôn thì khó mở tài khoản. Ngoài ra, việc tốn phí khi thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm phí chuyển tiền, phí làm thẻ, Phí thường niên, phí in sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí giao dịch… quy trình, thủ tục mở tài khoản còn phức tạp cũng là cản trở lớn khiến nhiều người ngần ngại khi sử dụng hình thức này

Nguyên nhân thứ ba, đồng thời cũng là nguyên nhân căn bản gây khó khăn cho quá trình phát triển không dùng tiền mặt đến từ tâm lý lo ngại rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử. Hiện nay có tới hơn 50% người dùng bày tỏ lo ngại về các vấn đề an ninh khi thực hiện các giao dịch điện tử thay vì sử dụng tiền mặt.

Trên thực tế, các phương thức thanh toán hiện đại trên nền tảng ngân hàng số đem lại nhiều lợi ích cả về tài chính cũng như các mục tiêu quốc gia về giảm lượng tiền mặt trong thanh toán. Nhưng đồng thời, nó cũng đối mặt nhiều rủi ro về lừa đảo, tin tặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Thực tế tại Việt Nam đã xuất hiện các nhóm tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao ăn cắp tiền của tài khoản cá nhân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng xâu vùng xa chưa biết tự bảo vệ thông tin tài khoản và nhận thức chưa đầy đủ về giao dịch an toàn. Trong khi, công tác thông tin tuyên truyền cho người dân chưa rộng khắp.

Giúp mỗi người dân hiểu rõ tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt

Từ thực tế nêu trên, ông Phạm Tiến Nam đã đề xuất một số giải pháp. Theo đó, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM), trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Nếu người dân có hiểu biết đầy đủ hơn thì họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng.

Việc tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động thanh toán KDTM hiện nay trong nền kinh tế (chứ không phải tung hô cho các hình thức thanh toán mới) sẽ khiến khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng hình thức, rồi từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp nhất với mình. Có như vậy, những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân và mới khiến cho khách hàng xóa đi thói quen và tập quán thanh toán chi tiêu bằng tiền mặt.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thanh toán không dùng tiền mặt. Phát triển các hệ thống và dịch vụ thanh toán bán lẻ như: Tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ; xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH); hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng; phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn. Trong đó, về tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ, tiếp tục phát triển (cả về số lượng và chất lượng) kết hợp với sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS; phát triển mạng lưới POS dùng chung, thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS); tăng cường chấp nhận thanh toán thẻ trong các giao dịch thanh toán trực tuyến; mở rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...

Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ thanh toán hiện đại mới với chi phí hợp lý, tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện dụng và chất lượng cao; khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ phi vật lý, thẻ không tiếp xúc (để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi, chi trả bảo hiểm xã hội, thu học phí...).  

Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số…) nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và cả đối với những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác, gắn với việc xây dựng chương trình; kế hoạch triển khai thúc đẩy Tài chính Toàn diện tại Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem