Vụ nhóm cướp đâm tử vong 3 người và trọng thương 2 người khác ở quận Tân Bình (TP HCM) tối 13.5 đang làm rúng động dư luận. Câu chuyện không chỉ dừng ở việc cho thấy nạn cướp đang lộng hành ở TP HCM, đe doạ an ninh và tính mạng người dân, mà còn đặt ra một vấn đề lớn hơn là hoạt động của các “hiệp sĩ đường phố” như hiện nay đã thật sự phù hợp hay chưa?
Hiện trường nhóm hiệp sĩ bị trộm cướp tấn công ngay trên phố làm 5 người thương vong (Ảnh: IT)
Các đội “hiệp sĩ đường phố” xuất hiện tự phát trong bối cảnh an ninh ở nhiều nơi không được đảm bảo, do những người thích làm việc nghĩa, tự nguyện giúp đỡ cộng đồng ngăn chặn cái ác. Mô hình này chỉ có tại một số tỉnh phía Nam. Phải khẳng định rằng rất nhiều "hiệp sĩ" đã có những đóng góp nhất định khi nhiều lần phát hiện và bắt tội phạm, giúp đỡ người dân bảo vệ tài sản, tính mạng, hỗ trợ lực lượng Công an giữ gìn ANTT. Việc tham gia của người dân vào việc đấu tranh trấn áp tội phạm là một nội dung của phong trào "Quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" mà ngành Công an phát động nhiều năm qua. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của mô hình “hiệp sĩ đường phố” ở một số nơi vẫn mang tính phong trào, hoàn toàn xuất phát từ sự nghĩa hiệp của người dân.
Công an mới là lực lượng nòng cốt trong công tác trấn áp tội phạm, vì được Nhà nước giao nhiệm vụ, còn các lực lượng khác chỉ có vai trò tham gia, hỗ trợ. Nhưng ở nhiều nơi, nhiều “hiệp sĩ” dường như hiểu sai vai trò “tham gia, hỗ trợ”, dẫn đến “làm thay” công việc của Công an, mà điều này rvô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an nguy của các "hiệp sĩ".
Có lẽ, các “hiệp sĩ” hiểu hơn ai hết rằng, tội phạm hình sự là những kẻ liều lĩnh luôn manh động và thường có hung khí. Vì thế, để đấu tranh với chúng là công việc rất nguy hiểm, đòi hỏi cả trí tuệ, kỹ năng nghiệp vụ lẫn trang thiết bị phòng vệ cần thiết. Mỗi khi tiến hành phá một vụ án hình sự, là những người được học hành bài bản về nghiệp vụ chống tội phạm, lực lượng Công an còn phải lên kế hoạch chu đáo để sao cho bắt được tội phạm mà vẫn bảo toàn lực lượng. Còn với lực lượng “Săn bắt cướp”, ngành Công an cũng phải chọn lựa những người tinh nhuệ, giỏi cả võ thuật lẫn bắn súng và lái xe.
Để trấn áp tội phạm trên đường phố, Công an TP.Hà Nội còn hiểu rằng, chỉ riêng lực lượng cảnh sát giao thông là không đủ, nên đã thành lập lực lượng 141 với sự tham gia của cả cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động cùng cảnh sát giao thông.
Đến lực lượng Công an đã có đủ chuyên môn nghiệp vụ lẫn vũ khí, trang thiết bị tự vệ mà còn phải phối hợp cả 3 lực lượng, vậy mà các “hiệp sĩ” lại đấu tranh chống tội phạm chỉ bằng nghĩa khí và lòng nhiệt tình, thì rõ ràng không cân sức.
Các “hiệp sĩ” chỉ là những người dân thường, không được đào tạo nghiệp vụ cũng như kỹ năng đối mặt với tội phạm, không có võ thuật, càng không được trang bị các thiết bị phòng vệ, thì việc để họ trực diện đối mặt với bọn cướp luôn manh động, táo tợn, là quá nguy hiểm. Khi họ còn không thể bảo vệ nổi bản thân thì sao có thể bảo vệ cho người khác? Thực tế đau lòng từ vụ án ở quận Tân Bình đã minh chứng cho điều này.
Những "hiệp sĩ đường phố" ra tay khống chế tội phạm luôn nhận được sự ngợi ca của người dân (Ảnh: TH)
Thế nhưng đáng lo ngại khi lâu nay - thậm chí cả sau khi đã có 5 người bị thương vong do bọn cướp tấn công - nhiều người vẫn tiếp tục cổ vũ cho các “hiệp sĩ” tay không bắt cướp. Lẽ ra, chỉ nên kêu gọi họ hỗ trợ, tham gia cùng lực lượng Công an trấn áp tội phạm, chứ không nên chủ động săn bắt cướp chỉ bằng … xe máy như vừa rồi. Khi phát hiện tội phạm, họ có thể thông báo với lực lượng Công an để phối hợp vây bắt, thay vì làm thay công việc vốn đầy nguy hiểm của cảnh sát hình sự, nhằm tránh thương vong vô ích. Để góp phần bảo vệ ANTT, đâu cứ phải lăn xả vào, phải bị thương bị chết mới là anh hùng?
Có thể, nhiều người sẽ đặt ngược lại vấn đề: Vì sao đến nông nỗi người dân phải tự bảo vệ mình? Vai trò của lực lượng công an - những người đang hưởng lương để làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT, bảo vệ người dân - đang ở đâu?
Tất nhiên, đó là khía cạnh, một vấn đề rất đáng suy nghĩ. Chứng kiến mô hình “hiệp sĩ đường phố” tổ chức săn bắt cướp nở rộ, tôi cũng có cảm giác vai trò của lực lượng Công an địa phương quá mờ nhạt, khiến người dân phải trông vào các “hiệp sĩ”, hoặc lực lượng Công an đang phó thác cho “hiệp sĩ đường phố” đối mặt với nạn cướp đang hoành hành.
Việc người dân cùng tham gia vào phòng chống tội phạm là cần thiết. Song cần nhấn mạnh rằng, “tham gia, hỗ trợ” hoàn toàn khác với “làm thay” lực lượng chuyên trách. Thực tế, việc "làm thay" trong không ít trường hợp đã đẩy những người nghĩa hiệp vào vòng nguy hiểm, đó là điều đã được nhìn thấy trước.
Trong cuộc chiến chống tội phạm, nếu không may gặp rủi ro, như bị thương, bị phơi nhiễm HIV, thậm chí tử vong, lực lượng chuyên trách còn được hưởng chế độ chính sách, được ghi công tưởng thưởng, nhưng các “hiệp sĩ đường phố” hoạt động tự phát thì liệu có chế độ chính sách gì? Những tổn thất về thương vong của họ chỉ gia đình họ là người gánh chịu bởi các “hiệp sĩ” đều đang trong tuổi lao động.
Chưa kể trong trường hợp khi vây bắt tội phạm, các “hiệp sĩ” lại “quá tay” khiến tội phạm bị thương, bị chết thì ai sẽ bảo vệ họ, bởi theo luật, họ không được phép?
Tôi cho rằng xã hội không nên quá ngợi ca để khuyến khích các “hiệp sĩ đường phố” tay không trực diện đối đầu với tội phạm. Vì điều này chỉ mang lại nguy hiểm cho họ khi họ không được đào tạo, không được trang bị thiết bị phòng vệ trong khi tội phạm hình sự liều lĩnh và luôn có vũ khí. Không thể để họ làm thay công việc của Công an, nhất là, việc làm đó vừa nguy hiểm cho tính mạng của họ, lại vừa dễ khiến họ vi phạm pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.