“Hình hài” xã nông thôn mới đã rõ nét

Thứ hai, ngày 24/01/2011 17:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu dự Hội nghị sơ kết Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) năm 2010, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2011.
Bình luận 0

Hội nghị do Ban Chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình NTM T.Ư tổ chức tại Hà Nội ngày 22-1.

img
Ông Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Hội nghị.

Chủ trì hội nghị có các ông: Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình; Ngô Văn Dụ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư; Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Từ lúng túng sang chủ động, tự giác

Ông Nguyễn Văn Bền- Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) cho biết: “Sau 2 năm thực hiện điểm xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 hơn 18 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với trước khi thực hiện xây dựng NTM”.

Sau gần 2 năm thực hiện xây dựng thí điểm mô hình NTM theo 19 tiêu chí tại 11 xã điểm, so với mục đích, yêu cầu đề ra, hết năm 2010, 7/11 xã đạt 10 tiêu chí trở lên, trong đó 3 xã đạt 14/19 tiêu chí; 3 xã đạt từ 8-10 tiêu chí.

(Trích Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn Trung ương)

Với xã Tân Hội (Đức Trọng, Lâm Đồng), trong hơn 233 tỷ đồng huy động xây dựng NTM suốt 2 năm qua thì nguồn vốn dân vay đầu tư thâm canh cà phê, rau, hoa công nghệ cao tới hơn 200 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Hùng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Có đủ vốn cộng với áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ đã nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản. Theo đó thu nhập của ND Tân Hội cũng tăng, hiện đạt 23 triệu đồng/người/năm, gấp rưỡi trước khi thực hiện xây dựng xã NTM”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ban đầu, cán bộ cơ sở và người dân nghi ngờ bởi Chương trình huy động một lượng vốn lớn với rất nhiều công việc. Nhưng nay cán bộ đã thạo việc, người dân ủng hộ, tích cực tham gia. Xét cho cùng, xây dựng NTM là để dân bàn, dân làm, dân giám sát và hưởng thụ...

Điều chỉnh phù hợp với vùng, miền

Theo nhiều đại diện địa phương, trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM thì phát triển sản xuất, tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu lao động là những tiêu chí khó thực hiện nhất và cần điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương, vùng miền. Ông Lê Xuân Thuỷ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định chia sẻ: “Phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân là cực kỳ khó trong điều kiện thuần nông, sản xuất nhỏ lẻ, lao động nông thôn thiếu gắn bó với đồng ruộng”.

Một số địa phương tăng thu nhập cho ND không phải là bài toán khó trong xây dựng NTM, mà khó là bị bó buộc bởi một số tiêu chí. “Nếu giảm số lao động nông nghiệp xuống dưới 35% như tiêu chí thì xã Tân Lập không có người đi làm cao su, điều. Thu nhập từ cao su, điều có khi cao hơn là đi làm công nhân công nghiệp” - Ông Bùi Minh Hùng - Chủ tịch UBND xã Tân Lập (Đồng Phú, Bình Phước) nói.

Theo ông Bùi Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, khi xây dựng NTM đại trà thì tiêu chí cơ cấu lao động nông nghiệp nên căn chỉnh phù hợp với đặc thù địa phương, vùng miền. Miền Bắc đất chật, người đông, canh tác manh mún có thể chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ là bức bách. Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, ĐBSCL đất rộng, dễ thâm canh hơn nên chú trọng đào tạo tay nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT cho ND...

Kết luận Hội nghị, ông Trương Tấn Sang ghi nhận năm 2010 là năm tiến độ xây dựng NTM tại 11 xã điểm “tăng tốc” về khối lượng công việc. Về ý kiến của một số địa phương xung quanh các tiêu chí NTM, ông Sang nhấn mạnh, KT-XH phát triển thì tiêu chí xây dựng NTM cũng thay đổi nên các địa phương cần hết sức linh hoạt trong thực hiện.

Năm 2011, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về Chương trình xây dựng NTM; coi trọng, phát huy vai trò chủ thể của người dân, tránh tình trạng áp đặt, làm thay; ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án tại các xã điểm; chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho ND; các địa phương phải lập quy hoạch NTM, xây dựng cơ chế quản lý quy hoạch, tránh tình trạng phá vỡ, làm sai quy hoạch; Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính phải đảm bảo kế hoạch giải ngân sớm, đủ vốn cho các xã điểm xây dựng NTM; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hỗ trợ về nghiệp vụ cho Ban Chỉ đạo cấp xã, giải ngân đúng tiến độ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem