Thế là hai loại cây trồng giản dị vốn thân quen gần gũi từ bao đời nay đã "đi thẳng từ ngoài đồng vào trong nhà" như một thứ nông sản độc lạ chưng tết, tượng trưng cho lời chúc lành năm mới đạt nhiều thắng lợi, trĩu hạt bội thu.
Anh Ngô Văn Sơn (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) là người có cách làm đầy sáng tạo này. Cận Tết, những chậu lúa mơn mởn, bắp đã có trái được cắt tỉa một cách gọn gàng chờ đến ngày giao cho khách hàng.
Đây không phải là mùa đầu tiên anh trồng lúa bắp trong chậu. Những năm trước, anh Sơn cũng đã làm theo đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp trong tỉnh.
Trong năm 2017, anh Sơn trồng 100 chậu bắp và 100 chậu lúa, giá bán mỗi chậu chỉ 100.000 đồng.
Theo anh Sơn, để mua những loại lúa, bắp trong chậu này, khách phải đặt trước. Cách Tết khoảng 3 tháng, anh mới bắt đầu trồng.
Anh Sơn chia sẻ, khó khăn nhất trong việc trồng lúa bắp trong chậu là trồng sao cho đúng ngày để cây ra hoa, kết trái tạo ra thành phẩm. “Trước đây, tôi thấy lúa, bắp ngoài đồng trổ rất đẹp nên có ý nghĩ trồng để chưng dịp tết. Rồi Tết năm đó tôi lên kế hoạch thực hiện”, anh Sơn nói.
“Sau vài lần thất bại thì việc trồng lúa, bắp trong chậu mới có kết quả khả quan, tôi đem những chậu đẹp nhất để chưng. Nhiều người thấy vậy mới thuê tôi làm bán cho họ”, anh Sơn hào hứng kể.
Để cây “đơm hoa, kết trái” đúng ngày và bắt mắt, người trồng phải có kinh nghiệm và chăm sóc kỳ công qua nhiều công đoạn.
Đối với cây bắp, anh Sơn trồng mỗi chậu 3 hạt sau đó chỉ lấy 2 cây. Còn lúa trồng 3 hạt để nguyên. Sau từ một tháng rưỡi, lúa sẽ ra bông. Bắp thì lâu hơn, khoảng 3 tháng mới ra trái.
Khi gieo trồng, lúa, bắp được để trong các chậu bằng nhựa mỏng để tiện chăm sóc. Thế nhưng, khi được trưng bày, lúa, bắp sẽ được đưa vào các chậu sứ với họa tiết cầu kỳ.
Ngoài lúa, bắp, nhân dịp Tết Nguyên đán 2017, anh Sơn còn cho ra đời 500 quả bưởi tạo hình ngoài vỏ. Đáng chú ý có bưởi tạo hình bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.