Nuôi cá koi, cá rô, nuôi ếch, loại thì ăn, loại thì xem chơi, nông dân huyện A Lưới ở TT-Huế thu về 33 tỷ/năm

Thứ năm, ngày 01/12/2022 13:33 PM (GMT+7)
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thành công mô hình phát triển nuôi thủy sản ở miền núi A Lưới gắn với du lịch sinh thái, với các loại cá nuooi như cá rô đầu vuông, cá koi và nuôi ếch.
Bình luận 0

Mô hình nuôi thủy sản được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai tại hai xã Hồng Kim và Trung Sơn với hai hộ tham gia, bình quân mỗi hộ nuôi 500m2. 

Các loại cá, ếch phát triển tốt, được xác định thích nghi với điều kiện nguồn nước tại các khe suối, ao hồ, môi trường tại các địa phương này.

Chỉ sau 4,5 tháng nuôi, cá rô đầu vuông đạt tỷ lệ sống trên 70%, trọng lượng 0,2kg/con, năng suất đạt 2,13 tấn/ha. 

Cá koi có tỷ lệ sống tương đương cá rô đầu vuông, trọng lượng mỗi con hơn 0,5kg, năng suất bình quân 3,62 tấn/ha. Và ếch cũng đạt tỷ lệ sống 70%, năng suất 7,18 tấn/ha. Mỗi hộ thu lãi từ 26-29 triệu đồng.

Nuôi cá koi, cá rô, nuôi ếch, loại thì ăn, loại thì xem chơi, nông dân huyện A Lưới ở TT-Huế thu về 33 tỷ/năm - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá phục vụ du lịch sinh thái ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Hồ Kính ở xã Hồng Kim chia sẻ, thành công mô hình nuôi cá và ếch mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế tại địa phương. Không riêng xã Hồng Kim, khí hậu, nguồn nước tại các khe suối trên địa bàn huyện A Lưới phù hợp cho phát triển nuôi thuỷ sản. Hiệu quả mô hình nuôi cá rô, ếch, chép koi của TTKN mới đây đã khẳng định điều này.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc TTKN tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thấy, những năm trở lại đây, hoạt động du lịch sinh thái ở A Lưới ngày càng phát triển, người dân địa phương tích cực tham gia vào hoạt động du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác các sản vật tự nhiên không đáp ứng nhu cầu của du khách và thiếu bền vững, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. 

Vậy nên, yêu cầu đặt ra với huyện A lưới cần có các sản phẩm nuôi trồng tại chỗ để phục vụ nhu cầu ăn uống, giải trí cho du khách.

Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào nuôi cá ở miền núi A Lưới phát triển khá mạnh. Đến nay, toàn huyện có đến 243ha nuôi cá với khoảng 400 hộ nuôi; sản lượng bình quân mỗi năm đạt trên 800 tấn (năng suất 3,3 tấn/ha); doanh thu mỗi năm 33 tỷ đồng. Hàng trăm hộ nuôi cá có thu nhập ổn định, bình quân mỗi năm từ vài chục triệu đến 70 triệu đồng.

Qua mô hình nuôi thủy sản vừa triển khai trong năm 2022 cho thấy, năng suất và sản lượng lượng của các đối tượng nuôi đều đạt và vượt yêu cầu đề ra. Các đối tượng nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Riêng tăng trưởng của ếch vẫn còn chậm do nhiệt độ tại A Lưới thấp hơn, mưa nhiều nên thời gian nuôi kéo dài hơn so với nuôi ở vùng đồng bằng. 

Các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, tạo ra sản phẩm cung cấp nhu cầu thực phẩm cũng như cảnh quan phục vụ du lịch cộng đồng tại các địa phương.

Thời gian đến, chính quyền địa phương cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ dân, nhất là các hộ có homestay phát triển các mô hình nuôi thủy sản để cung cấp sản phẩm tại chỗ, góp phần phục vụ phát triển du lịch, hạn chế tối đa việc khai thác đánh bắt thủy sản tự nhiên. 

Chính quyền địa phương và người dân tích cực hơn trong việc thực hiện mô hình, tranh thủ các nguồn lực phát triển các đối tượng nuôi bản địa phù hợp với điều kiện của địa phương, có giá trị kinh tế cao để phục vụ du lịch và phát triển kinh tế gia đình.

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện A Lưới xuất hiện nhiều hộ nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cuộc sống và vươn lên khá giả. Nhiều hộ nuôi hiệu quả phải kể đến như Đặng Thông Lộ ở thôn Quảng Phú, Trần Bá ở thôn Quảng Vinh (xã Sơn Thủy); Nguyễn Xuân Toàn ở thôn Căn Sâm, Hồ Xuân Phương ở thôn Căn Tôm, Hồ Thanh Phùng ở thôn A Lưới 1, Nguyễn Thị Liếp ở thôn Yry (xã Hồng Thượng); các hộ Hà Minh Hân, Viên Hải Xê ở thôn Ba Rít (xã A Đớt)...

Thế Thành (Báo Thừa Thiên Huế)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem