Hồ Tây ngân vọng tiếng chuông

Nguyễn Thanh Mừng Chủ nhật, ngày 08/06/2014 08:00 AM (GMT+7)
Tiếng chuông ấy là tiếng chuông Mẹ. Dường như từ giờ Tý, nó đã trồi lên theo tăm sóng Tây Hồ và đến hừng đông, nhập thân với chuỗi âm thanh thực giữa bến đạo và bờ đời.
Bình luận 0
Vượt qua ngàn dặm đường từ phương Nam ra Bắc, đặt hành trang xuống chốn Tây Hồ, giữa mịt mù khói sóng tôi lắng lòng để nghe một tiếng chuông. Tiếng chuông mà tôi dọn mình đón nhận là tiếng chuông minh triết từng vang lên và đọng lại trong tâm thức vạn thuở. Có nền là đất, đỉnh là trời, tiếng chuông ấy xa xôi mà gần gụi lắm, bất chấp cuộc hí trường của tạo hóa, nói theo ngôn từ Bà huyện Thanh Quan, một nữ sĩ hoài cổ sang trọng và điêu luyện trong nền thơ nước Việt.

Tiếng chuông ấy là tiếng chuông Mẹ, cất tiếng gọi thương nhớ quắt quay để đứa con hiếu thảo Trâu Vàng guồng chân qua vực Kim Ngưu. Dường như từ giờ Tý, nó đã trồi lên theo tăm sóng Tây Hồ và đến hừng đông, nhập thân với chuỗi âm thanh thực giữa bến đạo và bờ đời.

Tôi cúi nhặt những mảnh vỡ của trời xanh, những mảnh vỡ bao hàm tiết diện của huyền thoại phiêu bồng, thơm ngát và tin rằng, bất cứ ai cần mẫn nâng niu, nó sẽ hóa thành những đóa sen dịu dàng lan tỏa.

img
Chùa Một Cột
Nghe nói thuở hồng hoang, Tây Hồ được bao bọc bởi cánh rừng tiền sử và cuộc nước mênh mang của nó ăn thông với cả sông Hồng. Đó là chuyện của những nhà địa chất, những người thường cầm trên tay mùi vị của hàng vạn hàng triệu năm qua một vết chân chim hay chiếc lá hóa thạch.

Với một ký ức lưu giữ cả muôn trùng như thế, Tây Hồ cho tôi nỗi xao động thăm thẳm khiến mỗi cơn gió bâng quơ của nó cũng phả vào da thịt mình chút hồn cổ tích. Bất chợt, linh giác tôi thừa nhận rằng hội thi vượt Vũ Môn do nhà trời tổ chức vẫn còn được diễn ra định kỳ nơi này để mọi kiếp thủy tộc đều có giây phút khấp khởi với cuộc ứng thí đầy hy vọng.

Cuối cùng là những con cá chép đăng quang hóa rồng, đuôi vẩy râu sừng mọc lên trọn vẻ oai linh, bước sang công cuộc hô phong hoán vũ cho hạ giới. Có điều là, nó vẫn khôn nguôi ngoảnh về bản quán với biết bao bạn bè thương mến cũ. Ở mặt hồ xưa, hình ảnh nó đã một thời gợi nguồn cảm xúc cho những bức tranh Lý ngư vọng nguyệt, những bức tranh từng gieo niềm sảng khoái thanh khiết cho các tao nhân mặc khách lẫn những người chân bùn tay lấm.

img
Liễu Hồ Tây
Giai thoại xưa kể rằng các bậc vua chúa thỉnh thoảng đến Tây Hồ mong tìm chút gì đó giải thoát những hệ lụy trong căn cơ bổn mạng đế vương, hiểu thêm lẽ nhiệm mầu của chữ nhân, chữ đức ngõ hầu lúc hồi triều bàn tay sẽ dịu mát hơn khi cầm nắm ấn kiếm trị quốc bình thiên hạ. Các nho sĩ cũng thường xuyên đến đây, tìm sự hứng khởi cho ngòi bút vốn bị câu thúc bởi tính chất văn chương cử tử, hòng nghiêng về phía ảo diệu của nhân tâm.

Dưới cành trúc la đà, canh gà rộn rịp của Tây Hồ bỗng trở thành điểm lý tưởng kiến tạo cuộc gặp gỡ giữa con người và trời đất, rắc chút bảng lảng lên bậc thềm tư duy, tiếp sức cho sự bay bổng của trí tưởng.

Nếu Hà Nội là một bài thơ thiên nhiên được hình thành bởi những nhịp điệu ý niệm của cây xanh, của mây nước thì Tây Hồ là khổ chuyển tiếp cho vĩ thanh sông Hồng miên man. Và nếu các hồ khác đẹp ở sự uẩn súc, cổ điển thì Tây Hồ đẹp ở sự khoáng đạt, cách tân. Vẻ đẹp Tây Hồ đưa tôi liên tưởng đến sự hun đúc vóc vạc và tâm hồn nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ, một nét mẫn tiệp bổ khuyết cho cuộc đời uyên minh và bão táp của thi hào Nguyễn Trãi.

img
Hà Nội 1997
Đến thăm đình, chùa và phủ Tây Hồ, một quần thể trong làng Tây Hồ – ngôi làng thơ mộng nối tiếp với Nghi Tàm Quảng Bá, những làng hoa và cây kiểng nổi tiếng của đất nước mà mới nghe tên tất cả sự thơm và ngọt đã ùa về trong ngũ giác – tôi như lạc vào một cung bậc khác của đời sống.

Tôi vừa muốn kiếm tìm những tia sáng của vầng trăng văn hóa qua vạn lý phong rêu, vừa muốn níu kéo những con người hiện tại cùng chia sẻ với không khí huyền hoặc của ngàn năm. Tôi sà xuống bên bờ hồ cạnh hai gốc vối cổ thụ, nơi có một trung niên râu tóc ơ hờ, nửa như chìm đắm nửa như lơ đãng với chiếc cần câu. Những con cá rô to lơ lửng nơi đầu dây rồi lọt vào chiếc giỏ lưới như thể vô tình và bản thân tôi cũng thành một khái niệm vô tình trước ánh mắt anh, nếu như không có câu nói bâng quơ như thả vào mây trắng:

- Trước khi muốn tìm hiểu về Tây Hồ, ông hãy kể lại cho tôi nghe về mối tình Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ.

img
Vãn cảnh chùa Trấn Quốc.
Tôi chợt hiểu, chân Ức Trai đã từng đi trên con đường làng này, mắt đã từng ngắm phong cảnh này, miệng từng uống bát nước vối từ nụ và lá của cây này, hồn từng thả lời bóng gió với giai nhân đất này và còn để lại trong lòng người địa phương niềm tự hào về chàng rể quý đất Tây Hồ.

Ôi, những dòng thơ mộc mạc nhưng tình tứ hãy mãi còn :“Ả ở đâu mà bán chiếu gon – Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn – Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi – Đã có chồng chưa được mấy con”. Gái thuyền quyên không bỏ lỡ vận hội trao duyên với khách anh hùng, Nguyễn Thị Lộ sắc sảo đáp từ : “Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon – Cớ chi ông hỏi hết hay còn – Xuân xanh vừa độ giăng tròn lẻ – Chồng còn chưa có có chi con”.

Chỉ có bấy nhiêu. Lịch sử không thấy ghi thêm một dòng lý lịch trích ngang nào về nữ sĩ thời đầu Lê – người mà cả văn chương lẫn nhan sắc đổ quán xiêu đình đã làm lay động dữ dội tâm hồn Ức Trai- ngoài đôi dòng về việc vua phong chức Lễ nghi học sĩ, ngày đêm ra vào cung khuyết. Sau đó là bức rèm thâm cung bí sử với những mưu toan của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cùng đám hỗn thần bày ra vụ án Lệ Chi Viên thảm khốc !

Bây giờ tôi vô vọng khi có ý định tìm một dòng gia phả hay một cái tên khắc vào những bảo vật văn hóa phi cung đình mà dân gian thường làm đối với các nhân vật bị cấm kỵ nhưng không bao giờ mất đi trong lòng vạn đại. Nhưng cảnh hàm oan đã đeo đẳng Nguyễn Thị Lộ cho đến hôm nay. Câu chuyện truyền kỳ Rắn báo oán mà người ta giành để lý giải số phận đại vinh quang và đại bi thảm của Nguyễn Trãi đã đưa Nguyễn Thị Lộ vào tình thế nhân vật phải gánh lấy, phải chịu đòn trước bia miệng !

img
Gác Khuê Văn
Dù thế nào đi nữa, Nguyễn Thị Lộ trong tâm trí tôi cũng như anh chàng câu cá đang ngồi tán gẫu chuyện thế nhân đây cũng nguyên vẹn một Nguyễn Thị Lộ tài hoa, ngọn gió lung linh rười rượi của Tây Hồ. Và lòng chúng tôi luôn hướng về cuộc xướng họa trữ tình của họ, buổi hai người mới thắp trong lòng nhau cái sự người này muốn khép mở giùm bàn tay của người kia khi chèo lái con thuyền vận mệnh để vượt qua cuộc bể dâu.

Ừ thì chàng là bậc đại thần, là người từng thay mặt xã tắc, chấp bút cho áng thiên cổ hùng văn của một dân tộc đau khổ và quật cường. Ừ thì thiếp là kẻ quê mùa với gánh chiếu dãi dầu dọc ngang châu quận. Nhưng ai dám bảo rằng Sao Khuê chỉ lấp lánh ở gác tía thềm châu, bỏ quên vầng tóc thề và trái tim đong đầy hương đồng gió nội của người thôn nữ đa cảm và bé bỏng nơi bùn lầy nước đọng ?

Thăm Tây Hồ, đi trên những con đường mang tên các nhà văn hóa lớn của thế kỷ: Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân, lòng khách xa thêm chút bồi hồi, dịu ngọt. Dọc các con đường, hoa dâu da xoan nở trắng, thi thoảng những nhị hoa li ti rơi trên vai áo thoáng một mùi hương đặc trưng của Hà Thành. Phía trên vầng trắng dâu da xoan dịu nhẹ, mùa hè đã thắp trong vòm phượng vĩ và bằng lăng cao vút những ngọn lửa luân phiên màu đỏ cuồng nhiệt cạnh sắc tím thảng thốt.

Tôi thật khó dứt cái ý nghĩ về những tâm hồn muốn gửi cho nhau một điều gì đẹp đẽ giữa cõi mang mang trời đất. Tây Hồ làng trong phố, phố trong làng. Nhưng cuộc luân chuyển từ làng qua phố những kiến trúc building, hotel, restaurant bây giờ với bước chân quá mạnh dạn của nó có thể làm ai đó giật mình ngậm ngùi trước tiếng ếch hồi niệm, ẩn thân một giọng gọi đò của cõi ngàn xa.

Dù đời sống kinh tế có quy luật riêng của nó, nhưng sự điều chỉnh nhuần nhụy là hết sức cấp thiết để cuộc hòa hợp của văn hóa cổ và kim được êm thấm, khỏi trầy vi tróc vảy, thậm chí khỏi cả nguy cơ tuyệt diệt. Vâng, chỉ một chút sương mù, một làn khói mỏng, một bóng thuyền lững lờ trong tiếng chuông ngân êm đềm qua sóng nước Tây Hồ cũng đủ lay động đến tâm can muôn người như mọi âm thanh và hình ảnh biểu trưng của hồn cốt dân tộc.

img
Văn Miếu
Nhớ mùa Thu năm Sửu, vợ chồng tôi có đưa các cháu dạo quanh Tây Hồ, đi trên đường Thanh Niên, xưa là Cổ Ngư, ghé thăm chùa Trấn Quốc có hàng cau thẳng tắp đẹp như nét vẽ. Tôi đã kể cho các con tôi về chuyện ông Khổng Lồ đúc quả chuông vĩ đại bằng đồng đen. Quả chuông nầy thâu tóm được anh ba trời đất qua tiếng ngân có quyền uy tối thượng của tâm linh.

Vượt qua mọi âm thanh dâu bể, tiếng chuông cổ tích vẫn vẹn nguyên sức mạnh kỳ diệu của nó, len vào cõi tiềm ẩn huyền vi trong mỗi con người hiện tại, buộc một nuột tơ vấn vít với nguồn cội, với cả thiên hà.

Tôi hòa hợp với tuổi thơ các con tôi, thả trí tưởng theo dấu chân Trâu Vàng thuở ấy. Bóng nó mãi còn lung linh trên mặt hồ, kết tụ qua tiếng chuông huyền ảo, đồng vọng giữa một hiện thực hồn nhiên nhưng đầy mẫn tuệ của dân tộc Việt buổi bình minh.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem