Nâng mức hỗ trợ lãi suất để tăng cường chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị và liên kết sản xuất

Trần Khánh Thứ năm, ngày 10/11/2022 19:00 PM (GMT+7)
Để tăng cường chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, nhất là ở khu vực kinh tế tập thể, Sở NNPTNT TP.HCM đề xuất nâng mức hỗ trợ lãi suất đối với các đối tượng là thành viên HTX, HTX, doanh nghiệp với với HTX sản xuất 6 sản phẩm chủ lực.
Bình luận 0

Cần vốn để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị

Từ năm 2011, TP.HCM phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới. Nhiều chính sách về khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được đẩy mạnh.

Xã Đa Phước bấy giờ là 1 trong những xã nghèo của huyện Bình Chánh, nông dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Chị Trần Thị Ngọc Thảo, chủ vườn lan Sơn Hà kể, sau 10 năm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, đời sống bà con đã khác xưa.

Chị Trần Thị Ngọc Thảo, chủ vườn lan Sơn Hà (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh). Ảnh: Trần Khánh

Chị Trần Thị Ngọc Thảo, chủ vườn lan Sơn Hà (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh). Ảnh: Trần Khánh

Chị Thảo vốn là thạc sĩ sinh học, có thâm niên 15 năm làm việc trong Viện Nghiên cứu dầu thực vật. Kinh nghiệm bản thân cùng với niềm đam mê giúp chị tin tưởng vào một mô hình hoa lan có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, thay cho các cây trồng truyền thống.

Lại thêm sự khuyến khích từ chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, năm 2012, vợ chồng chị quyết định chuyển về xã Đa Phước sinh sống và đầu tư vườn lan. Bước đầu, chị chuyển đổi 1.800m2 đất trồng lúa sang trồng lan với lượng giống 10.000 cây.

Nhờ chịu khó chăm sóc, cây lan dendrobium sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu nhập ổn định. Năm 2016, chị tiếp tục mở rộng diện tích lên 12.000m2. Toàn vườn hiện đang có khoảng 300.000 cây lan dendrobium các loại.

Mỗi ngày, chị xuất bán 1.000-2.000 cây. Chị Thảo tâm sự, cây lan dendrobium cho tỷ lệ lợi nhuận 30%. Sau 3 năm trồng có thể lấy lại vốn và có lãi. Hiện vườn lan Sơn Hà đang cho doanh thu trung bình mỗi năm từ 4-4,5 tỷ đồng.

Từ sự thành công của chị Thảo, chính quyền xã Đa Phước đã phối hợp mở thường xuyên các lớp tập huấn, dạy nghề trồng hoa phong lan. Từ 1 vài hộ trồng nhỏ lẻ ban đầu, đến nay xã Đa Phước có tổng cộng 7 vườn lan. 7 vườn lan này đã liên kết lại trên tổng diện tích 3ha để thành lập ra HTX hoa lan Đa Phước.

Ông Lưu Cẩm Hùng - Giám đốc HTX hoa lan Đa Phước cho biết, vườn lan Sơn Hà là đơn vị đi đầu và tích cực hỗ trợ bà con, thành viên HTX chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị ở địa phương.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM tham quan mô hình trồng lan ở HTX hoa lan Đa Phước, Bình Chánh. Ảnh: T.L

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM tham quan mô hình trồng lan ở HTX hoa lan Đa Phước, Bình Chánh. Ảnh: T.L

HTX Đa Phước cũng được chính quyền địa phương hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi vay từ chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, cũng như đáp ứng các điều khoản phải có về tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp đô thị, các sản phẩm chủ lực, nhất là nông nghiệp công nghệ cao thì nhu cầu vốn rất lớn.

Việc định giá tài sản là đất nông nghiệp lại rất thấp, mức định giá tài sản còn nhiều bất cập. "Vì thế, các chính sách dù đưa ra mức lãi suất hỗ trợ khá hấp dẫn song chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các thành viên", ông Hùng nói.

Nâng mức hỗ trợ lãi suất chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 461/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Theo đó, Trung ương đề ra mục tiêu đến năm 2020, TP.HCM có 145 HTX hoạt động có hiệu quả.

Năm 2019, UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch số 1949/KH-UBND về khuyến khích hộ nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đến năm 2020.

Theo đó, TP.HCM đề ra mục tiêu giai đoạn 2019-2021, tỷ lệ nông dân là hội viên nông dân có trực tiếp sản xuất nông nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh trong HTX đạt khoảng 20%.

Đến năm 2023, TP.HCM có 50% tỷ lệ nông dân là hội viên nông dân có trực tiếp sản xuất nông nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh trong HTX (tương ứng khoảng 33.746 hội viên nông dân).

Hội viên Hội Nông dân TP.Thủ Đức phát triển mô hình bonsai, cây cảnh theo chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Ảnh: Trần Khánh

Hội viên Hội Nông dân TP.Thủ Đức phát triển mô hình bonsai, cây cảnh theo chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Ảnh: Trần Khánh

Thế nhưng, theo báo cáo của Sở NNPTNT, tính đến tháng 10/2022, trên địa bàn TP.HCM mới chỉ có 101 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 2.482 thành viên; chỉ chiếm 3,67% so với tổng số hội viên nông dân (67.493 hội viên).

Vì vậy, để đạt được mục tiêu Trung ương giao và Kế hoạch Thành phố đã đề ra, Sở NNPTNT đề xuất, Nghị quyết 10 của HĐND TP.HCM năm 2017 về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (còn gọi chính sách hỗ trợ lãi vay) cần được bổ sung, sửa đổi. 

Cụ thể, Sở NNPTNT đề xuất tăng mức hỗ trợ từ 60%, 80% lên 100% lãi suất đối với các đối tượng là thành viên HTX, HTX, doanh nghiệp có tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX sản xuất 6 sản phẩm chủ lực; phát triển sản phẩm thuộc làng nghề truyền thống đã được UBND công nhận.

Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT cho rằng, đây sẽ là động lực quan trọng để khuyến khích phát triển HTX, hội viên nông dân tham gia HTX, doanh nghiệp có tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX sản xuất. Đặc biệt là tập trung phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm ngành nghề nông thôn thuộc Đề án mỗi xã một sản phẩm của TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem