Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng cho biết, ở điều kiện bình thường của thời tiết, dịch bệnh và thị trường, phần lãi trong sản xuất của ND cũng chưa phải là nhiều. Trong bối cảnh giá xăng, dầu, điện và nhiều mặt hàng thiết yếu khác tăng, người ND phải đối mặt với nguy cơ bỏ nghề, chán ruộng, sản xuất đình trệ...
Ông có thể phân tích rõ hơn những khó khăn ND gặp phải trong bối cảnh giá cả tăng?
|
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng |
- Xăng, dầu, điện đều tăng giá kéo theo các mặt hàng thiết yếu, vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng theo. Giá tăng đồng nghĩa với chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng, giá thành nông sản theo đó sẽ tăng cao, giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Trong bối cảnh đó, nhiều hộ nông dân sẽ phải đối mặt tình trạng sản xuất đình đốn, sản xuất cầm chừng không có lãi, người chăn nuôi bỏ chuồng không, ngư dân bỏ biển, người trồng cây công nghiệp, trồng lúa không có đủ vốn để đầu tư cho tưới tiêu, vận chuyển.
Hàng vạn trang trại nuôi gia súc, gia cầm cũng không tránh khỏi nguy cơ bỏ không. Tóm lại, trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu tăng, người ND nếu cứ sản xuất với chi phí cao thì sẽ lỗ, nếu không sản xuất thì rơi vào cảnh thất nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ vừa đưa ra nhằm ổn định kinh tế vĩ mô?
- T.Ư Hội NDVN rất đồng tình, ủng hộ 6 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đang phải chịu sức ép của giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng.
Chính phủ khẳng định giảm đầu tư công nhưng vẫn ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; bán điện cho hộ nghèo với giá ưu đãi. Tuy nhiên phát triển nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh khó khăn này cần tính đến khoản hỗ trợ cụ thể khuyến khích ND tích cực sản xuất.
|
Giá cả nhiều mặt hàng tăng đang khiến gánh nặng của nhà nông thêm lớn. |
Theo Phó Chủ tịch, những khoản hỗ trợ cụ thể đó là gì?
- T.Ư Hội NDVN kiến nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ ND vượt qua "bão giá". Chính phủ cần hỗ trợ lãi suất, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho ND vay vốn để mua sắm vật tư, phân bón, nguyên liệu đầu vào nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần ổn định thị trường nông sản.
Chính phủ cũng có thể khuyến khích ND đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất, sản lượng nông sản thông qua việc đưa ra định mức hỗ trợ nguyên liệu đầu vào theo điều kiện của từng ngành nghề, chẳng hạn hỗ trợ trực tiếp xăng, dầu cho ngư dân, đưa ra định mức hỗ trợ tưới tiêu, vận chuyển trên mỗi héc ta cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây lương thực tại các vùng sản xuất hàng hoá trọng điểm, tập trung...
Về phía mình, Hội NDVN đã có giải pháp gì giúp ND vượt qua khó khăn do giá cả tăng?
- T.Ư Hội NDVN đã chỉ đạo Hội ND các địa phương vận động ND vượt khó khăn, tích cực sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, tránh bất lợi về thời tiết, sử dụng năng lượng, nguyên liệu tiết kiệm.
Nhằm hạn chế tác động xấu của lạm phát, giá cả tăng, T.Ư Hội NDVN cũng chỉ đạo Hội ND các địa phương xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất như tổ, nhóm ngư dân liên kết đánh bắt hải sản; tổ hợp tác sản xuất lúa, nuôi cá tra, cá basa, tổ hùn vốn, góp vốn; chi hội ngành nghề…
Thông qua các hình thức liên kết, động viên ND hỗ trợ lẫn nhau, hộ khá giả giúp hộ khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt. T.Ư Hội đã yêu cầu Hội ND các địa phương nắm bắt kịp thời, báo cáo thường xuyên tình hình sản xuất, đời sống của ND.
Thông qua việc rà soát lại các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Hội ND các cấp, T.Ư Hội NDVN sẽ báo cáo với Đảng, kiến nghị với Chính phủ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ ND phát triển sản xuất…
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Công (thực hiện)
Bà Bùi Mai Hoa - Chủ tịch Hội ND Ninh Bình: Giá đã tăng quá sức chịu đựng
Giá xăng, dầu, giá điện tăng kéo theo giá phân bón, vật tư sản xuất nông nghiệp vốn đã cao nay lại tiếp tục tăng, nông dân quá khả năng chịu đựng. Giảm bao cấp giá điện, xăng, dầu là cần thiết, nhưng để đảm bảo an sinh xã hội, Nhà nước cần phải có chính sách bình ổn giá xăng, dầu, điện ở khu vực nông thôn, nông dân; có chính sách hỗ trợ nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ khó khăn. Việc hỗ trợ này phải trực tiếp, chứ không qua khâu trung gian.
Nguyễn Thanh (ghi)
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh: Tăng tiền hỗ trợ trực tiếp
Các yếu tố tác động tới lạm phát rất mạnh và tất nhiên, nông dân, người nghèo là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Nghị quyết của Chính phủ đã nêu rõ sẽ nỗ lực để đảm bảo an sinh xã hội, do vậy, Chính phủ cần đầu tư một cách thiết thực cho việc này. Về lâu dài, Chính phủ cần có những giải pháp vĩ mô để ổn định tình hình kinh tế, kéo giảm lạm phát.
Tôi rất đồng tình với việc Chính phủ sẽ tiến tới xóa bỏ bao cấp giá theo một lộ trình thích hợp và đi kèm với đó là hỗ trợ người nghèo, tăng đầu tư cho nông thôn. Với giá điện tăng lên, lần đầu tiên Chính phủ đã thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo là rất đáng hoan nghênh.
Tôi cho rằng trước những biến động về giá như hiện nay thì việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng tiền hỗ trợ là một cách làm đúng hướng để tạo sự ổn định cho nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A: Đầu tư nhiều hơn cho nông thôn
Người dân thu nhập thấp, người nghèo và bà con nông dân phải chịu gánh nặng giá cả leo thang và chịu nhiều
khó khăn hơn cả. Lạm phát sẽ ảnh hưởng xấu đến việc huy động vốn để thực hiện tái cấu trúc, cải cách, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp mà khó khăn thì sẽ ảnh hưởng xấu đến việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Đáng nhẽ các doanh nghiệp đã chớp được cơ hội của "hậu khủng hoảng" để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thì nay lại căng thẳng vì lãi suất cao, giá nguyên liệu đầu vào chi phí sản xuất tăng... Với bà con nông dân thu nhập đã thấp lại phải chịu nhiều sức ép tăng giá của phân bón, vật tư.
Theo tôi, giải pháp quan trọng hiện nay là Chính phủ cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho khu vực nông thôn. Nghị quyết của Chính phủ cũng đã nêu là sẽ tăng đầu tư cho nông thôn, giảm bớt những đầu tư không cần thiết.
Nếu không sớm thực thi hiệu quả việc đầu tư cho nông thôn thì khu vực này sẽ ngày càng khó khăn và bất ổn, kéo theo bất ổn của cả nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Hỗ trợ giải quyết đầu ra sản phẩm
Giá xăng, dầu, điện tăng chắc chắn sẽ đẩy giá của một loạt các mặt hàng tăng vì đó là “đầu vào” cơ bản của các ngành kinh tế, từ sản xuất đến dịch vụ.
Điều này sẽ tiếp tục tác động tăng giá "vòng hai" với các mặt hàng khác. Ví dụ, giá điện tăng thì giá phân bón tăng; giá phân bón tăng thì kéo theo chi phí sản xuất ra hạt gạo của nông dân tăng... Nông dân vốn đã có thu nhập thấp thì việc cứ tăng giá các đầu vào mà giá đầu ra không tăng được là bao sẽ gây nên khó khăn.
Tôi cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành làm sao hỗ trợ giải quyết đầu ra sản xuất của nông dân. Hiện hạt gạo, con cá của VN được xuất khẩu với giá khá cao nhưng nông dân vẫn đang bán lúa, cá với giá thấp.
Nhà nước chưa có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân hiệu quả trong khâu mua bán, bảo quản, tiếp thị sản phẩm. Với cơ chế giá thị trường, nếu không được hỗ trợ các khâu này, nông dân khó có thể tự mình vươn lên.
Mai Hương (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.