Nhiều mô hình hay từ 50 dự án
Năm 2012, TP.Móng Cái đã ban hành quyết định phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn 9 xã giai đoạn 2012 - 2015.
Theo đó, trong 2 năm (2011 - 2012) tỉnh Quảng Ninh và TP.Móng Cái đã phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình này là 10,950 tỷ đồng, triển khai thực hiện 50 dự án có tổng kinh phí đầu tư là 23,450 tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ là 9,381 tỷ đồng, vốn do người dân đóng góp đối ứng là 14,069 tỷ đồng).
Các dự án nêu trên thuộc 15 nhóm ở 4 lĩnh vực chính: Trồng trọt (14 dự án); nuôi trồng thủy sản (5 dự án); chăn nuôi (28 dự án); đưa cơ giới hóa và sản xuất nông nghiệp (3 dự án).
Đến nay, nhiều dự án đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Ví dụ, mô hình nuôi dê ở xã Vĩnh Trung vừa làm tăng hiệu quả sử dụng đất đồi rừng, vừa mang lại lãi suất cao (từ 3-4 triệu đồng/con giống/năm).
Mô hình trồng lúa thuần chất lượng cao QR1, mang lại lãi suất vượt 20 – 30% so với trồng giống lúa thuần khang dân. Mô hình nuôi cua biển đang được triển khai với trọng lượng cua thương phẩm là 300 – 400g/con, có giá bán bình quân 200 nghìn đồng/kg. Dự án đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nhà nông tăng hiệu quả, giảm chi phí nhân công. Ngoài ra, các địa phương trong thành phố còn có các mô hình nuôi cá rô phi, nuôi lợn nái Móng Cái, nuôi lợn rừng… đã và đang được triển khai trên diện rộng, mang lại tín hiệu khả quan.
Trong năm 2013, TP.Móng Cái tiếp tục được phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất là 6,138 tỷ đồng, phục vụ cho việc thực hiện mô hình phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung.
Dự kiến, thành phố sẽ triển khai thêm 4 mô hình: Nuôi lợn nái Móng Cái tại xã Hải Đông; trồng rau an toàn tại xã Hải Xuân; nuôi cá nước lợ, nước ngọt tại xã Vạn Ninh; sản xuất thực phẩm an toàn tại xã Hải Tiến. TP.Móng Cái cũng đã vận động được 5 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nuôi tôm thẻ chân trắng ở Vạn Ninh và Hải Đông.
Ở cấp độ hộ gia đình, tại các xã Hải Tiến, Quảng Nghĩa, Vĩnh Trung, Hải Sơn, Bắc Sơn… nhiều nông dân cũng đã xây dựng các trang trại nuôi tôm, nuôi lợn. Có 6 hợp tác xã (HTX) đã được thành lập, trong đó có, 1 HTX dịch vụ vận chuyển, 5 HTX dịch vụ tổng hợp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Kết quả “chưa đạt mức tối đa”
Qua 3 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn 9 xã, việc đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất được quan tâm, tích cực thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả và được nhân rộng. Tuy nhiên, kết quả phát triển sản xuất chưa đạt mức tối đa. Đa số các mô hình được xây dựng có quy mô nhỏ, việc tuân thủ kỹ thuật chưa nghiêm ngặt, sản phẩm chưa thực sự đạt yêu cầu đề ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Về khách quan, sự suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam đã làm ảnh hưởng tới sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thiên nhiên thất thường, dịch bệnh bùng phát cũng gây trở ngại lớn cho người nông dân.
Về chủ quan, việc tham gia Chương trình xây dựng NTM của người dân ở một số địa phương còn mang nặng tính hình thức, phong trào, chưa thực sự quyết tâm làm giàu từ việc phát triển nông – lâm – ngư nghiệp. Các tổ chức cá nhân có tiềm lực kinh tế chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, nên việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa chưa được đẩy mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Kinh- Phó Bí thư Thành ủy Móng Cái thừa nhận, tiến trình xây dựng NTM ở Móng Cái nói chung và việc đổi mới phát triển sản xuất trên địa bàn một số xã trên địa bàn chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao, có trách nhiệm của lãnh đạo và cấp ủy địa phương đó. Quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng đã được nhìn nhận một cách khách quan và rút ra bài học kinh nghiệm.
Ông Vũ Văn Kinh cho biết thêm, nhiệm vụ xây dựng NTM ở địa bàn Móng Cái sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và hết sức nặng nề, do đó, rất cần các biện pháp khắc phục tồn tại của cấp ủy địa phương trên lộ trình xây dựng NTM.
Trong đó, một giải pháp được quan tâm đặc biệt và được đông đảo người dân ủng hộ là phải thực hiện tốt nhiệm vụ khuyến khích, thu hút đầu tư vào việc sản xuất, nuôi trồng các sản phẩm lợi thế của địa phương để tích cực phát triển sản xuất theo phương thức sản xuất hàng hóa và tập trung.
Một giải pháp được đông đảo người dân ủng hộ là chính quyền địa phương phải thực hiện tốt việc khuyến khích, thu hút đầu tư vào việc sản xuất, nuôi trồng các sản phẩm lợi thế của Móng Cái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.