Lần theo thông tin từ đường dây nóng, phóng viên NTNN đã phát hiện các ngành chức năng tỉnh Hòa Bình lấy danh nghĩa “thanh lý” cây khô đã cho “hạ sát” 1 cây chò nâu cổ thụ tại xóm Trên, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn thuộc Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông.
Chuyện thật như… đùaTheo phản ánh của người dân, tại khu vực giáp ranh 2 tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, người ta vừa “hạ” 1 cây chò nâu nghìn tuổi…
Mặt cắt súc gỗ này là 1/4 đường kính của cây chò nghìn tuổi bị “xẻ thịt” nằm cạnh đường chính của xóm Trên.
Sau nửa ngày đường (từ huyện Lạc Thủy), 12 giờ trưa chúng tôi mới có mặt tại xóm Trên (xã Tự Do). Từ xa đã thấy những lóng gỗ như những con voi lăn lóc bên vệ đường. Vào vai “đại gia” đi mua sập gỗ, chúng tôi tìm gặp Lâm (đã đổi tên) – chủ sở hữu cây chò vừa bị hạ, anh ta nói như đinh đóng cột:
“Cây chò em vừa hạ phải hàng nghìn tuổi, to nhất Việt Nam…Khi chưa hạ, nó còn to hơn cây chò ở rừng Quốc gia Cúc Phương, 11 người mới ôm hết đường kính gốc của nó”.
Để chứng minh thêm độ “hoành tráng” của cây chò, Lâm đưa tôi vượt qua con dốc cao vượt mặt, đi theo con đường mà nhóm Lâm phải đầu tư 150 triệu đồng để di chuyển “cụ chò”. Qua vài trăm mét, đập vào mắt chúng tôi là cả một vạt rừng già có hàng loạt cây to cỡ 1 người ôm bị đốn ngang làm “sân” đốn hạ cây chò. Cây chò nghìn tuổi đã bị xẻ nhỏ nhưng mặt cắt mỗi súc gỗ cũng dài 3-4m.
Bức tử cổ thụ?Theo hồ sơ khai thác gỗ của Kiểm lâm Hòa Bình, cây chò nâu nói trên nằm tại K2 lô 8, khu phục hồi sinh thái (xóm Trên, xã Tự Do) thuộc KBT, đang trong tình trạng… chết đứng. Tuy nhiên trong câu chuyện với chúng tôi, Lâm nhiều lần khẳng định rằng cây chò này mới chết 2 cành.
Trong các văn bản như: Tờ trình của Chi cục Kiểm Lâm Hòa Bình, công văn của xã Tự Do, biên bản xác nhận của KBT, công văn của Sở NNPTNT… thể hiện: Cho phép UBND xã Tự Do được tận thu cây chò để phục vụ nhu cầu địa phương với hình thức tiêu thụ là tại chỗ. Nhưng “Đơn xin vận chuyển khai thác lâm sản tận thu” (được Chủ tịch UBND xã Tự Do – Bùi Văn Vinh công chứng) thì cây chò này được bán cho ông Nguyễn Văn Phượng (ở phố Mới, xã Liêm Vũ, huyện Lạc Sơn) với giá 40 triệu đồng. Sau đó ông Phượng bán lại cho Lâm.
Theo một số đầu nậu gỗ ở khu vực cầu Mai Lĩnh (Hà Nội), 1m3 chò nâu hiện tại có giá khoảng 15 triệu đồng. Tuy nhiên đấy chỉ là giá gỗ nhỏ lẻ, còn đối với các loại có đường kính lớn dùng làm sập, bàn ghế thì... vô giá.
|
Trước lúc đi vào nội dung liên quan đến cây chò, ông Đinh Quang Long – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hòa Bình khẳng định: Khu vực xã Tự Do là vùng lõi của KBT; vì vậy ngay cả 1 cành mục cũng không được khai thác. Tuy nhiên khi chúng tôi đề cập đến “thương vụ cây chò”, ông Long quay ngoắt 180 độ khẳng định đây là khu vực… phục hồi sinh thái!
Thực tế ngay cạnh gốc cây chò nói trên, có nhiều cây to 1 người ôm bị chặt hạ để làm đà giáo. Thế nhưng các văn bản của ngành chức năng ở Hòa Bình lại cho rằng đây là phân khu… phục hồi sinh thái. Hồ sơ (đề ngày 12.12.2013 – vẫn của KBT) thể hiện rõ vị trí cây chò cách phân khu bảo vệ nghiêm ngặt… 70m.
Ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Hòa Bình biện hộ rằng cây chò đã chết. Tuy nhiên tấm ảnh mà ông Trường cung cấp lại cho thấy cây chò vẫn còn nguyên cành lá. Lý giải về điều này, ông Bình cho rằng tấm ảnh trên được chụp từ trước! Ông Lê Minh Thủy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Hòa Bình cho biết: “Chò nâu là cây giá trị thấp và vùng này là… khu vực phục hồi sinh thái, do đó được phép tận thu mà không phải đấu giá…”.
Biên bản kiểm tra khai thác lâm sản (đề ngày 15.1.2014) thể hiện cây chò nói trên có tổng khối lượng là 20 lóng = 49,3m3 và được tính “theo giá thị trường” là 5 triệu đồng/m3. Nếu nhân với 5 triệu đồng/m3, giá trị cây chò đã “tròm trèm” 250 triệu đồng!”, vậy mà cây chò này chỉ được bán với giá 40 triệu đồng?
Trần Thụ (Trần Thụ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.