Mùa này, nếu đâu đâu cũng tươi non, náo nức thì Tây Nguyên lại càng nồng nàn, đắm say hơn. Nhìn nước hồ Xuân Hương sóng sánh, ngỡ hương Xuân nghi ngút thơm lên tận vầng mặt trời chín đỏ. Hình như loài cây nào sống giữa đất bazan cũng vạm vỡ, hồ hởi uống no gió, đón nắng, mà nắng gió cao nguyên thì bất tận nên cao su, cà phê bạt ngàn xanh thẫm như màu mắt cô gái vai đeo gùi bước chân con đường đất đỏ.
Ảnh internet
Chúng tôi gặp ở Tây Nguyên những ký ức xưa sóng sánh trong ly cà phê nguyên chất của người bạn mới quen nhưng đã như thân từ rất lâu. Những câu chuyện ở Buôn Đôn, chuyện những thợ săn voi danh tiếng, chuyện đám tang người tù trưởng kéo dài vài cây số với những con voi ngà cong dũng mãnh kéo quan tài người hùng của vùng đất thiêng. Tây Nguyên trong nắng Xuân, thời gian tan loãng gợi nhớ về quá khứ. Đó là những khuôn mặt tượng nhà mồ như vừa gặp đâu đây, phảng phất một gương mặt trong trí nhớ.
Lần đầu đến Tây Nguyên mới thấy chẳng đâu trời xanh hoang dại mà lại bao dung đến thế. Xanh như hút mắt người, hồn người, xanh như rọi vào tim ta một tiếng gọi. Phía xa kia là đại ngàn, xứ sở của những bầy voi, những cánh chim đại bàng hay những áng sử thi bất tận. Trong ngọn lửa cháy đượm chất gỗ cao nguyên, những khuôn mặt bừng sáng, già làng quắc thước sẽ kể khan để con cháu đừng quên cái gốc gác tổ tiên hay sự hình thành của đất đai, sông hồ... Đêm cao nguyên thăm thẳm, vòng xoang như tràn ra ôm trọn những đôi chân trần của các chàng trai, cô gái để mãi nhớ mình là người Ê Đê, M’Nông, Xê Đăng, Jrai, Bahnar…
Mùa Xuân lên cao nguyên, ché rượu cần sóng sánh, men say như tràn khắp những cung đường vi vút ngàn thông, chứa chan đôi mắt người đi, kẻ ở. Toan bước chân đi, bỗng nghe vẳng bên tai “Ơi M’Đrak” của cố danh ca Y Mon. Ôi, mới đây thôi đã thành huyền thoại. Chính những giá trị văn hóa đã tạo nên sự phồn thực, sóng sánh tràn đầy cho vùng đất no ấm này.
Bùi Việt Phương (Báo Gia Lai)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.