Hoàn cảnh éo le của nữ nông dân một chân và người con trai bị bệnh thiếu máu

Trọng Tuấn Thứ tư, ngày 24/07/2024 08:50 AM (GMT+7)
Ngày con trai bị bệnh thiếu máu nặng cần phải nhập viện chữa, nhưng nhà không còn gì để bán bà Bé đành theo mọi người đi làm xa không ngờ vì tai nạn lao động đã cướp đi của bà một bên chân.
Bình luận 0

Sự hy sinh cao cả

Với người nông dân mỗi sáng ra đồng sẽ mang theo cuốc, liềm, xẻng… nhưng bà Hoàng Thị Bé (SN 1964 - thôn Đồn Cây Lâm, xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) ngoài những công cụ lao động thông thường, chiếc ghế gỗ nhỏ và đôi nạng cũ kỹ đã trở thành vật bất ly thân. Chiếc ghế gỗ nhỏ là công cụ để bà có thể di chuyển trên đồng, do không thể đứng làm, bà phải cắp theo chiếc ghế, cứ gặt xong một chỗ bà lại cầm theo chiếc ghế lê thân hình gầy gò in màu nắng sương đến một vị trí khác để gặt.

Mỗi ngày, dù nắng hay mưa, bà Bé đều chống đôi nạng gỗ đã mòn nhẵn, từng bước khó nhọc qua con đường đất gập ghềnh để đến với mảnh ruộng thân thuộc. Dù bên chân trái đã phải cắt bỏ do tai nạn lao động, nhưng ánh mắt bà vẫn ánh lên niềm tin. Bàn tay chai sạn của bà nắm chặt cán liềm, gặt từng bó lúa lớn.

Hoàn cảnh éo le của nữ nông dân một chân và người con trai bị bệnh thiếu máu- Ảnh 1.

Con đường đi vào đến thửa ruộng nhỏ của gia đình rất khó khăn đối với người khuyết tật như bà, nhưng sáng nào mọi người cũng thấy bóng lưng bà ngoài ruộng.

Vào năm 2013, con trai mang căn bệnh thiếu máu trở nặng, cần phải truyền máu gấp, bà Bé tuyệt vọng với khoản tiền viện phí khổng lồ, vượt quá khả năng chi trả của gia đình nghèo.

Trong cơn tuyệt vọng, bà Bé đã quyết định đi xa làm thuê với hy vọng kiếm được số tiền đủ để chữa trị cho con trai. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã đã cướp đi một bên chân của bà - người trụ cột trong gia đình.

“Thời gian đó, tôi tự nhủ đi làm xa nốt một năm nữa để có tiền cho con đi viện chữa trị. Nhưng không may tôi bị tai nạn, tôi tưởng không về được gặp con lần cuối. Lúc biết chuyện tôi bàng hoàng không dám tin vào sự thật. Nhưng cũng chẳng làm thế nào được, chỉ dần học cách chấp nhận, làm quen với cuộc sống của một người khuyết tật” - bà Bé nói, mắt ngấn lệ.

Hoàn cảnh éo le của nữ nông dân một chân và người con trai bị bệnh thiếu máu- Ảnh 2.
Hoàn cảnh éo le của nữ nông dân một chân và người con trai bị bệnh thiếu máu- Ảnh 3.

Hình ảnh người phụ nữ cụt chân vẫn tần tảo sớm hôm trên ruộng nương đã rất quen với người dân nơi đây.

Hoàn cảnh éo le của nữ nông dân một chân và người con trai bị bệnh thiếu máu- Ảnh 4.

Bà Bé vừa cười vừa chia sẻ lại những tháng ngày khó khăn khi vừa bị tai nạn lao động nhưng đôi mắt bà ngấn lệ.

Vì cái đói, cái nghèo, vì bệnh tật triền miên mà vợ của Khánh đã bỏ đi, dưới mái nhà đơn sơ chỉ còn bà Bé cùng con trai - anh Hoàng Văn Khánh (SN 1992) và hai đứa cháu là con của anh Khánh - em Hoàng Minh Hiếu (SN 2015), em Hoàng Thị Ngọc Duyên (SN 2018) sinh sống.

Dù nhà xây nhưng vẫn còn dang dở, căn bếp cũng chỉ được dựng tạm bợ bằng vài tấm bạt. Mùa đông, gió lùa qua khe cửa và vách tường, khiến mùa đông vô cùng lạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình, đặc biệt là hai đứa cháu nhỏ của bà.

“Nhà cũng là con trai tôi tự xây lấy thôi, một bên tường còn chưa trát. Ngày trước cũng phải chạy vạy khắp nơi để xây nhà. Giờ vẫn còn gần 30 triệu nữa chưa trả được cho người ta” - bà Bé tâm sự.

Hoàn cảnh éo le của nữ nông dân một chân và người con trai bị bệnh thiếu máu- Ảnh 5.
Hoàn cảnh éo le của nữ nông dân một chân và người con trai bị bệnh thiếu máu- Ảnh 6.
Hoàn cảnh éo le của nữ nông dân một chân và người con trai bị bệnh thiếu máu- Ảnh 7.

Căn nhà cũ kỹ, chưa hoàn thiện là nơi mà bà Bé cùng con trai và hai đứa cháu sinh hoạt hàng ngày.

Hoàn cảnh éo le của nữ nông dân một chân và người con trai bị bệnh thiếu máu- Ảnh 8.

Căn bếp cũng chỉ được dựng tạm bợ, nấu bữa cơm qua ngày cho cả gia đình bà Bé.

Hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà Bé vẫn kiên cường làm chỗ dựa cho cả gia đình. Với tinh thần lạc quan ấy, bà vẫn hăng say với công việc đồng áng, rồi lại tất bật với việc chăm con bệnh nặng, chăm cháu tuổi còn quá nhỏ. Bà tin rằng mỗi hạt mồ hôi, mỗi bước chân khó nhọc hôm nay sẽ góp phần tạo nên một tương lai tươi sáng hơn cho con cháu.

Ước mơ được sửa lại ngôi nhà, tạo điều kiện học hành tốt hơn cho các cháu luôn cháy bỏng trong tim người bà lam lũ. Chính niềm tin mãnh liệt vào tương lai và tình yêu vô bờ bến dành cho gia đình đã tiếp thêm sức mạnh cho bà, giúp bà vượt qua mọi trở ngại.

Hoàn cảnh éo le của nữ nông dân một chân và người con trai bị bệnh thiếu máu- Ảnh 9.

“Tôi cũng đã ở tuổi gần đất, xa trời rồi. Ngày hôm nay còn sức đi làm chứ ngày mai không biết như thế nào. Giờ tôi chỉ mong sao cho con và cháu tôi có mái nhà kiên cố, che mưa chắn gió cho chúng nó. Để nếu một mai tôi có đi xa, tôi cũng yên lòng” - bà Bé nói, nước mắt đầm đìa.

Hiếu là anh trai trong gia đình, dù tuổi còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện và yêu thương bà, bố và em gái. Khi được hỏi về ước mơ lớn nhất của em, Hiếu dõng dạc trả lời: “Em ước bà và bố đều khỏe mạnh để chăm lo cho chúng em. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này có công việc ổn định, làm chỗ dựa cho cả gia đình”.

“Gia đình bà Bé là hộ gia đình đặc biệt khó khăn, bà là người khuyết tật do tai nạn lao động, con trai cũng bị bệnh thiếu máu từ bé, căn nhà xây cũng tạm bợ. Rất mong các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đặc biệt quan tâm, hỗ trợ gia đình, để gia đình có một cuộc sống, tương lai tươi sáng hơn” - Ông Lâm Văn Quý - Chủ tịch UBND xã Sa Lý chia sẻ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

Anh Hoàng Văn Khánh (con trai bà Bé) - thôn Đồn Cây Lâm, xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

Số điện thoại: 0348.092.751

Hoặc gửi về Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay.

Vui lòng ghi rõ: MS 24724

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem