Thiên hạ, vạn vạn người, chẳng ai giống ai. Hoàng đế cũng vậy. Lịch sử hàng ngàn năm phong kiến Trung Quốc, chứng kiến những vị Vua kiệt xuất nhưng cũng chẳng thiếu những Hoàng đế tầm thường, vô năng. Có Hoàng đế cả đời chỉ chăm lo việc nước nhưng cũng đầy rẫy những “Hôn quân” chìm đắm trong tửu sắc.
Tấn Vũ Vương sức khỏe vô địch
Thể trạng của một Hoàng đế Trung Quốc, theo đó, cũng vô cùng. Có người sinh ra đã bệnh tật, lại không lo rèn luyện thân thế, chỉ mải mê hưởng thụ, sớm chết yểu. Có Vua lại sở hữu sức khỏe trời ban, lại yêu thích võ nghệ, nên mạnh mẽ vô cùng.
Theo Sử kí Tư Mã Thiên, Phần “Tần bản kỉ” thì chỉ xét riêng về sức khỏe và thể lực, Tần Vũ Vương Doanh Đảng, vị quân chủ thứ 32 của nước Tần – thời còn là chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc, xứng đáng xếp hạng nhất.
Doanh Đảng là con trai của Tần Huệ Vương Doanh Tứ. Năm 311 trước Công nguyên (TNC), Tần Huệ Vương qua đời, Doanh Đảng chính thức nối ngôi, lấy hiệu Tần Vũ vương. Khác với đa số các hoàng tử, con em Hoàng thân quốc thích, Doanh Đảng từ bé đã yêu thích võ nghệ, đam mê việc cưỡi ngựa, đánh trận.
Càng lớn, Doanh Đảng không chỉ sở hữu cơ thể cường tráng, lực lưỡng mà còn có sức khỏe vượt xa người thường. Theo mô tả (có phần ước lệ) của Sử kí Tư Mã Thiên, Doanh Đảng cao gần 9 thước (tầm khoảng 2m ngày nay), dùng một tay nâng vật nặng 100 cân, lên xuống 50 lần mà mặt không đổi sắc.
Tự hào vể sức khỏe vô địch nên Doanh Đảng chỉ thích giao du, kết nạp những lực sĩ. Dưới trướng của ông gồm những “tay đồ tể” bậc nhất nước Tần bấy giờ như Nhâm Bỉ, Ô Hoạch hay Mạch Thuyết đều được trọng dụng, phong cho chức tước.
Chuộng võ hơn văn nên ngay sau khi lên ngôi kế vị cha, Tần Vũ Vương đã dẹp bỏ tước hiệu tướng quốc của chính trị gia bậc nhất thời đó là Trương Nghi. Sau khi ép Trương Nghi phải từ quan, trở về cố quốc Ngụy, Tần Vũ Vương đặt ra tả hữu thừa tướng. Cam Mậu (tả thừa tướng), Sư Lý Tát (hữu thừa tướng) đều là những tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc.
Ở ngôi Hoàng đế, Tần Vũ Vương cũng để lại dấu ấn đậm nét, tất cả đều là những trận đánh. Năm 308 TCN, Tần Vũ Vương đích thân chỉ huy trận chiến Nghi Dương, công phá nước Hàn, chém hơn 6 vạn quân Hàn, buộc Hàn Tương Vương phải sai sứ đến tạ tội với nước Tần.
Cái chết… lãng xẹt vì cậy khỏe
Sau trận thắng để đời trước quân Hàn, quân Tần của Vũ Vương tiếp tục vượt sông Hoàng Hà, xây thành Vũ Toại. Nước Ngụy hoảng sợ, Ngụy Tương Vương phải sai thái tử đến triều kiến Tần Vũ Vương. Tiếp đó, Tần Vũ Vương đem 10 vạn quân đánh nước Sở, thắng liên tiếp nhiều trận, chiếm được thành Thương Ô (thuộc Quý Châu ngày nay), lập ra quận Kiểm Trung, giúp Tần mở rộng thanh thế và bờ cõi.
Năm 307 TCN, Vũ Vương sai Sư Lý Tát đem quân vào tận kinh thành Lạc Dương của nhà Chu. Chu Noãn Vương Cơ Diên sợ thế quân Tần phải đích thân ra tiếp kiến. Trong cuộc nói chuyện với Cơ Diên, Vũ Vương yêu cầu được xem hết Cửu đỉnh của Nhà Chu.
Cửu đỉnh là bộ gồm chín cái đỉnh (vạc) tượng trưng cho quyền lực phong kiến tại các nước Á Đông. Triều đại phong kiến Trung Quốc, Việt Nam... xem cửu đỉnh như là quốc bảo.
Theo truyền thuyết thì sau khi Hạ Vũ chia "thiên hạ" thành chín châu (cửu châu), lấy đồng của các châu đúc thành chín đỉnh (cửu đỉnh), khắc tinh hoa phong cảnh của chín châu vào Cửu Đỉnh, mỗi Cửu Đỉnh tượng trưng cho một châu, toàn bộ cất giữ tại kinh đô nhà Hạ.
Vì thế, Cửu Đỉnh trở thành biểu trưng cho quyền uy của chính quyền phong kiến và sự thống nhất quốc gia. Từ đó có câu nói "Có được Cửu Đỉnh là có được thiên hạ".
|
Sau khi xem xong một lượt, Vũ Vương quyết định chọn Đỉnh Ung để mang về nước, một hành động khẳng định quyền lực vượt trội của nước Tần, giờ đã không còn cam phận chư hầu nhà Chu nữa. Tuy nhiên, cũng chính từ đây đã xảy ra một việc, dẫn tới cái chết của Tần Vũ Vương sau này.
Cậy khỏe nên Tần Vũ Vương đã đưa ra lời thách đấu với lực sĩ Mạnh Thuyết, thi xem ai nâng được cao hơn cái đỉnh (Đỉnh Ung) này. Mạnh Thuyết thi trước nhưng không thể nhấc hết cả 3 chân đỉnh lên.
Tới lượt của Vũ Vương, đúng là không hổ danh vị Vua sức khỏe vô địch, ông đã nâng được đỉnh Chủ lên cao khoảng 2 gang tay so với mặt đất. Nếu như nâng thành công rồi mà đặt xuống ngay thì đã không xảy ra chuyện lớn. Đằng này, Vũ Vương trong tiếng hò reo cổ vũ của bày tôi, lại cố giữ đỉnh lâu, đến nỗi quá sức, bị đỉnh rơi vào chân, gãy luôn xương bánh chè.
Màn biểu dương sức mạnh quân chủ của Vũ Vương kết thúc theo cách thảm hại nhất, ông nhanh chóng được đưa về kinh đô chữa trị. Nhưng đến tháng 8 năm 307 TCN, Tần Vũ Vương vì vết thương quá nặng nên qua đời, thọ 23 tuổi, chỉ ở ngôi được 4 năm. Các lực sĩ Nhâm Bỉ, Ô Hoạch, Mạnh Thuyết hùa theo vua Tần trong cuộc thi nâng đỉnh, sau khi vua băng hà, đã bị xử trảm hết.
Tần Vũ Vương được an táng ở Vĩnh Lăng (nay thuộc Thiểm Tây). Tần Vũ Vương không có con trai. Vì vậy triều thần nước Tần đón em ông là Doanh Tắc đang làm con tin ở nước Yên về lập làm vua, tức là Tần Chiêu Tương Vương sau này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.