Học kinh nghiệm Nhật Bản làm OCOP, TP.HCM nâng tầm sản phẩm địa phương

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 06/09/2022 14:51 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh tại TP.HCM đang tích cực tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP - One Commune One Product) để nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương, như cách mà người Nhật đã thành công.
Bình luận 0

Học kinh nghiệm người Nhật làm OCOP

Chương trình OCOP bắt nguồn ở Nhật Bản từ thập niên 70, với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh, liên kết sản xuất và gia tăng giá trị. Là quốc gia công nghiệp nhưng các làng nghề tại Nhật Bản vẫn duy trì tốt, góp phần tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách thu nhập với khu vực thành thị.

Sau khi chương trình được thực hiện thành công tại Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới đã áp dụng chương trình này. Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã học hỏi kinh nghiệm, vận dụng vào tình hình thực tiễn để phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Học kinh nghiệm Nhật Bản làm OCOP, TP.HCM nâng tầm sản phẩm địa phương - Ảnh 1.

TP.HCM hiện có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (6 sản phẩm 3 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao) và 1 sản phẩm đang đề xuất xếp hạng 5 sao cấp quốc gia. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ hiệu quả triển khai của các nước trên thế giới, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 490 phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Đầu tháng 8, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký Quyết định số 919 phê duyệt Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Tại TP.HCM, Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2019. Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định 1943). Điểm khác biệt lớn của Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 so với giai đoạn trước là không gian thực hiện được mở rộng.

Nếu như trước đây Chương trình OCOP tại TP.HCM chỉ thực hiện trên địa bàn 5 huyện nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ), thì nay mở rộng trên toàn địa bàn Thành phố, ngoài 5 huyện ngoại thành thì có thêm 16 quận và TP.Thủ Đức.

Học kinh nghiệm Nhật Bản làm OCOP, TP.HCM nâng tầm sản phẩm địa phương - Ảnh 3.

Sản phẩm mật ong rừng sữa ong chúa của Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Xuân Nguyên (huyện Bình Chánh) đã được công nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Hồng Phúc

Mục tiêu của Chương trình OCOP tại TP.HCM cũng không khác mục tiêu chương trình OCOP quốc gia.

Đó là phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Chương trình cũng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn bền vững tại các địa phương.

Không chần chừ đăng ký gắn sao OCOP

TP.HCM hiện có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (6 sản phẩm 3 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao) và 1 sản phẩm đang đề xuất xếp hạng 5 sao cấp quốc gia. Sản phẩm OCOP đang chờ xếp hạng 5 sao là bột rau má có đường Orama của Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM).

Chị Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt, cho biết khởi nghiệp từ năm 2015, sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận nhưng khi biết Chính phủ và TP.HCM đang đẩy mạnh Chương trình OCOP, chị không chần chừ, quyết định đăng ký tham gia xét duyệt để được gắn sao.

"Nhật Bản làm OCOP rất tốt, trong khu vực, Thái Lan cũng có mô hình mỗi làng xã một sản phẩm rất hay. Họ kinh doanh, quảng bá sản phẩm đặc trưng tận dụng ưu thế địa phương, không chỉ phục vụ tiêu dùng mà còn phục vụ du lịch. Chương trình này rất ý nghĩa, khuyến khích phát triển nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương", Hương nói.

Học kinh nghiệm Nhật Bản làm OCOP, TP.HCM nâng tầm sản phẩm địa phương - Ảnh 4.

Bột rau sấy lạnh của Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi) tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh tại TP.HCM cũng đều vui mừng khi TP.HCM đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP, học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản và các quốc gia khác để nâng tầm các sản phẩm địa phương, phát triển kinh tế nông thôn.

Theo kế hoạch, dự kiến năm 2022, TP.HCM sẽ tổ chức đánh giá, công nhận cho 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (22 sản phẩm 3 sao và 19 sản phẩm 4 sao). Năm 2023 sẽ có thêm 27 sản phẩm, năm 2024 có 28 sản phẩm và năm 2025 có thêm 28 sản phẩm.

Tham gia huấn luyện, đào tạo cho nhiều HTX, chủ thể sản xuất, kinh doanh tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác, bà Huỳnh Thị Mỹ Nương - Tổng Giám đốc Công ty Đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững (SDLT), nhận định Chương trình OCOP có ý nghĩa rất lớn. 

"Phát triển OCOP như một mắt xích khai thác hết tiềm năng của TP.HCM hiện nay. Đây không phải là chương trình tự phát, chưa có kinh nghiệm mà mình đã tích lũy kinh nghiệm và có sự hỗ trợ về kinh nghiệm từ các nước tiên phong đã triển khai. Đây là lợi thế lớn cho Việt Nam, có thể học kinh nghiệm cũng như sáng tạo các biện pháp phù hợp thực tiễn trong nước", bà Nương đánh giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem