Học online quá lâu, sinh viên lo thiếu kỹ năng khi đi xin việc

Thứ sáu, ngày 29/04/2022 07:20 AM (GMT+7)
Sau thời gian dài học trực tuyến, nhiều sinh viên lo lắng mình thiếu kỹ năng thuyết phục nhà tuyển dụng trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Bình luận 0

Ngày 28/4, Lý Thị Ánh Tuyết, sinh viên năm cuối khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng, có mặt tại Hội chợ việc làm cầu nối nhân lực 2022 do Học viện Ngân hàng tổ chức để tìm kiếm cơ hội và học hỏi thêm kỹ năng.

Hai năm qua, do dịch Covid-19 bùng phát, Tuyết chủ yếu học online tại nhà. Vì thế, nữ sinh đến hội chợ với tâm lý chờ mong nhưng cũng có phần tự ti.

Học online quá lâu, sinh viên lo thiếu kỹ năng khi đi xin việc - Ảnh 1.

Lý Thị Ánh Tuyết đến hội chợ để tìm kiếm cơ hội và học hỏi thêm. Ảnh: Minh Thúy.

Thiếu kỹ năng vì học online

Ánh Tuyết chia sẻ thời gian học trực tuyến quá dài khiến cô chịu ảnh hưởng về kỹ năng giao tiếp. Cô không được trò chuyện trực tiếp với thầy cô, bạn bè dẫn đến cảm thấy mất hứng thú, kết quả học tập giảm sút.

Ngoài ra, khả năng tiếng Anh của nữ sinh năm cuối còn kém. Điều này khiến cô tự ti khi chuẩn bị ra trường xin việc. Tuyết tâm sự bản thân cần trau dồi thêm kiến thức, trải nghiệm công việc thực tế để tự tin khi đi làm.

Trước thềm tốt nghiệp, cô nhắm tới vị trí giao dịch viên tại 4 ngân hàng lớn. Dù vậy, Tuyết lo lắng mình không thể hiện tốt khi gặp nhà tuyển dụng.

Tương tự, Cao Mai Phương, sinh viên khoa Tài chính, vẫn còn nhiều nỗi lo khi đứng trước hành trình tìm kiếm việc làm. Cô muốn cọ xát trực tiếp với nơi tuyển dụng để học cách trả lời phỏng vấn chuyên nghiệp, trình bày CV bắt mắt nhằm ghi điểm. Cô nhắm tới cơ hội cạnh tranh cho vị trí quản lý khách hàng cá nhân tại tại một ngân hàng.

Học online quá lâu, sinh viên lo thiếu kỹ năng khi đi xin việc - Ảnh 2.

Cao Mai Phương kỳ vọng học hỏi thêm để ghi điểm trong quá trình ứng tuyển. Ảnh: Minh Thúy.

Qua quá trình học trực tuyến, Phương nhận định hình thức này có ưu lẫn nhược điểm. Cụ thể, khi học online, sinh viên được thầy cô giảng dạy tận tâm, tuy nhiên, họ lại không thể tham dự các hoạt động tư vấn, giới thiệu nghề nghiệp. Tình trạng đó khiến người học thiếu kỹ năng giao tiếp, thuyết trình.

Khác với Ánh Tuyết, Mai Phương, Đinh Thái Ngân, sinh viên năm 2 khoa Quản trị Kinh doanh, chưa đặt mục tiêu vào làm việc tại ngân hàng nào. Nữ sinh chỉ đến hội chợ với hy vọng được trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp sau 2 năm học tại nhà.

Sau thời gian dài học trực tuyến, cô chia sẻ khó khăn lớn nhất mình gặp phải là thiếu kỹ năng giao tiếp và chọn lọc kiến thức trọng tâm.

Nhà tuyển dụng cần gì?

PGS.TS Đỗ Thị Kim Hảo, Phó giám đốc phụ trách Học viện Ngân hàng, cho hay Hội chợ việc làm cầu nối nhân lực được tổ chức nhằm giúp sinh viên tiếp xúc trực tiếp với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, tìm hiểu sâu về hoạt động của họ cũng như điều kiện xét tuyển.

Học online quá lâu, sinh viên lo thiếu kỹ năng khi đi xin việc - Ảnh 3.

PGS.TS Đỗ Thị Kim Hảo. Ảnh: Minh Thúy.

Tại đây, nhà tuyển dụng có thể đánh giá khả năng của sinh viên bằng việc phỏng vấn, trao đổi. Thống kê cho thấy trong năm 2019, gần 1.000 sinh viên đã được tuyển dụng trực tiếp. Bà dự kiến sau ngày đầu tiên, khoảng 1.000 em có cơ hội việc làm sớm.

Nói về tiêu chuẩn tuyển dụng, bà Đặng Minh Huyền, Giám đốc nhân sự Ngân hàng MB, cho hay sinh viên cần có chuyên môn tốt, thích ứng linh hoạt với thay đổi trong ngành, sáng tạo trong công việc.

Bà đánh giá hiện tại, đa số sinh viên linh hoạt, ham học hỏi kiến thức. Tuy nhiên, họ chưa biết cách vận dụng kiến thức vào công việc thực tế, chọn ra điểm trọng yếu cần vận dụng. Ngoài ra, sinh viên còn thiếu kỹ năng thuyết trình, thuyết phục nhà tuyển dụng.

Trong khi đó, khi tìm kiếm ứng viên, ngân hàng đánh giá cao những sinh viên tư duy mới trên cơ sở kiến thức đã được học, trình bày vấn đề thuyết phục trong thời gian ngắn.

Học online quá lâu, sinh viên lo thiếu kỹ năng khi đi xin việc - Ảnh 4.

Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm. Ảnh: Minh Thúy.

Bà Ngô Bảo Ngọc, đối tác nhân sự khu vực miền Bắc của một ngân hàng, nhận xét hầu hết sinh viên đều năng động, tiếp xúc sớm với đối tác chuyên môn, có nhu cầu thực tập tại các đơn vị.

Tuy nhiên, nhiều em chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn tại nơi làm việc bởi kiến thức học tại nhà trường chỉ đóng vai trò nền tảng cho thực tế tại ngân hàng.

Theo bà, để đảm bảo tỷ lệ trúng tuyển cao, sinh viên cần tăng khả năng giao tiếp, tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị tốt về ngoại hình, giọng nói, chủ động tương tác trong lần đầu phỏng vấn với nhà tuyển dụng, tránh sự cố về trang phục hoặc thiếu tập trung.

"Sinh viên cần đảm bảo CV đủ thông tin, không gây phản cảm, tìm hiểu kỹ về yêu cầu vị trí làm việc", bà Bảo Ngọc nhấn mạnh thêm.


Minh Thúy (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem