Học sinh không phải chuột bạch để thí nghiệm

Vương Hà Thứ năm, ngày 07/06/2018 06:46 AM (GMT+7)
Không chỉ bức xúc vì tiền của đổ xuống sông xuống biển, mà dư luận không chịu nổi kiểu liên tục cải cách giáo dục nên đã phải lên tiếng: Học sinh chứ không phải chuột bạch để thí nghiệm.
Bình luận 0

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT ngày 6.6 nóng nhất nghị trường Quốc hội so với các bộ, ngành được chất vấn. Rất nhiều câu hỏi được các đại biểu đưa ra, tới mức “nghẽn mạng” – như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết. 

Tuy nhiên, điều đáng nói, vẫn là những câu hỏi không mới so với những phiên chất vấn trước đây hoặc ở nhiều diễn đàn khác. Không mới, bởi những “bệnh cũ” vẫn hầu như còn nguyên đó và ở một số mặt, có phần nặng hơn.

Đó là vì sao chất lượng các trường sư phạm vẫn không được nâng lên; các trường đại học cứ đào tạo mặc cho tỷ lệ sinh viên thất nghiệp ra trường tiếp tục tăng; chất lượng đào tạo nhiều trường đại học giảm đi phải chăng vì đầu vào mở quá rộng, mở trường quá dễ, giáo viên cơ hữu nhiều trường tư chỉ ghi danh hình thức; đạo đức của một bộ phận học sinh và cả thầy cô giáo đi xuống…

img

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6.6.

Cũng có những chất vấn có nội dung mới một chút, nhưng thật buồn, đó là: Nạn bạo hành trong trường học, đặc biệt với trường mầm non có xu hướng tăng; bệnh thành tích ngày càng trầm trọng: Không còn khái niệm lưu ban, giấy khen không còn ý nghĩa vì hầu hết đều là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi…

Thậm chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải nhắc Bộ trưởng Nhạ trọng tâm câu hỏi của đại biểu: Vì sao càng cải cách, càng nặng tải hơn?

Tương tự, những cải cách giáo dục kèm theo thay đổi sách giáo khoa liên tục khiến dư luận thực sự “choáng”. Có đại biểu chất vấn, Bộ trưởng có cam kết gì để không thay đổi chương trình sách giáo khoa liên tục như vậy? 

Đây là câu hỏi khó, bởi trước đó, ở diễn đàn khác, Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết, sẽ thúc đẩy chương trình cải cách sách giáo khoa sớm một năm, hy vọng niên khóa 2019 – 2020 sẽ có sách giáo khoa mới cho lớp 1. Đáng nói là, chương trình cải cách này cũng đang có rất nhiều ý kiến trái chiều và không được dư luận tin tưởng.

Tuy nhiên, ông Nhạ vẫn tự tin khẳng định: “Trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi tin rằng việc đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phải đạt kết quả”.

img

Sách giáo khoa thay đổi liên tục cùng các chương trình cải cách giáo dục.

Trước những bức xúc, thiếu niềm tin vào ngành giáo dục thể hiện qua những câu chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải nói đến việc “xây dựng lòng tin” (!?).

Có lẽ, cũng không thể khác, xã hội phải kiên nhẫn chờ đợi và cố gắng đặt “lòng tin” vào Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Nhưng, qua những lần cải cách với những nét phác họa đầy hoa lá của những vị bộ trưởng tiền nhiệm, xã hội chỉ thấy, kết quả màu xám vẫn là gam chủ đạo. 

Cụ thể, từ phong trào “hai không” với nhiều hy vọng của dư luận đến cải cách chữ viết đầy tranh cãi, rồi cải cách sách giáo khoa hết đợt này đến đợt khác và chương trình đầy tham vọng: Phân ban.

Riêng về phân ban, được cho là tốn kém nhất không chỉ về kinh tế mà tốn nhiều giấy mực tranh luận về nó. Nhưng rốt cuộc, giải pháp có mục tiêu tương đối rõ ràng này cũng phải chấm dứt.

Không chỉ tiền của đổ xuống sông xuống biển, dư luận tới lúc không chịu nổi những lần cải cách này đã phải lên tiếng: Học sinh chứ không phải chuột bạch để thí nghiệm.

Thậm chí, có những giải pháp tốt để giảm dần áp lực thi cử là học sinh tốt nghiệp loại giỏi không phải thi đại học. Nhưng rồi chỉ kéo dài được 3 năm cũng phải chấm dứt. Lý do lãng xẹt: Vì quá nhiều tiêu cực ở địa phương, phần lớn con cháu các vị có chức, có quyền, có tiền, bằng mọi cách để đạt tiêu chuẩn học sinh giỏi.

Nhưng thay vì kêu gọi cả xã hội vào cuộc chấn chỉnh những tiêu cực đó, ngành giáo dục sớm chấp nhận “đầu hàng”. 

Vậy, liệu dư luận có đủ kiên nhẫn đặt “lòng tin” vào ông Nhạ?

Điều đó lý giải vì sao ngày càng nhiều người có tiền muốn cho con du học nước ngoài, và lượng học sinh du học từ bậc học phổ thông ngày càng tăng. Theo Bộ trưởng Nhạ, hàng năm số học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu rất lớn, chi phí khoảng 3-4 tỷ USD.

Giải pháp để lôi kéo học sinh học ngay trong nước, ông Nhạ cho biết, Bộ GDĐT đã tham mưu, có chính sách tập trung cho giáo dục cơ bản, chất lượng cao. Điều này trông đợi vào các nhà đầu tư, theo hướng chuẩn quốc tế để tăng đóng góp của tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực với ngân sách. Khi sửa luật tới đây, Bộ rất ưu tiên vấn đề xã hội hóa.

Xã hội một lần nữa lại phải chờ đợi.

Nhưng dư luận vẫn không thể quên, những giải pháp này không có gì đột phá. Còn cách xã hội hóa của chúng ta chưa tạo động lực nào cho giáo dục, trong khi mặt trái của nó đang hoành hành, gây nhiều hệ lụy. Đó là thực tế buồn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem