Trường học không đủ phòng chức năng, giáo viên nghỉ giữa giờ ở phòng bảo vệ, sân trường lẫn với sân đình Nội Châu… tình trạng này diễn ra nhiều năm qua đối với thầy, trò Trường THCS Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội). Nhiều kiến nghị của thầy cô và phụ huynh nơi đây được gửi lên các cơ quan chức năng nhưng xem ra câu hỏi: Đến bao giờ trường mới hết cảnh học nhờ ở đình... dường như vẫn chưa có lời giải.
Học cùng… khói nhang
Ngày 26.10, tôi đến Trường THCS Tứ Liên đúng giờ các em đang nghỉ giải lao giữa hai tiết học. Hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp, khi các em học sinh ùa ra chơi đùa ở một khoảng sân chung, chật hẹp giữa trường và đình làng Nội Châu thì các giáo viên lặng lẽ đi về phòng bảo vệ ngồi nghỉ giữa tiết.
Trong phòng bảo vệ, có một chiếc bàn nhỏ, kế bên là bình nước lọc, bao quanh có 5 cô giáo đang ngồi uống nước và xem lại giáo án chuẩn bị giờ lên lớp. Hỏi cô Hoàng Thị Bảo Trang, giáo viên dạy Toán, đã có 9 năm dạy ở trường, tôi được biết: Do trường không có phòng chờ cho các thầy cô, nên cực chẳng đã các cô mới phải nghỉ chờ ở đây.
|
Trường THCS Tứ Liên và đình làng Nội Châu cùng chung một cổng, với 2 tấm biển khác nhau |
Tìm hiểu lịch sử đình Nội Châu, tôi được biết: Đình là nơi thờ ba vị thành hoàng, sau năm 1954, trường cấp 2 Tứ Liên (nay là Trường THCS Tứ Liên)được thành lập và nhờ dựng một số phòng học trong khuôn viên đình làng từ đó đến nay. Hiện tại, không chỉ chung sân mà trường và đình còn chung cổng ra vào. Ngoài cổng, phía trên đề tên Trường THCS Tứ Liên, phía dưới có một biển nhỏ đề "…
Giữ gìn tôn nghiêm nơi thờ tự…"(!). Và chính sự "ở đậu" đình làng Nội Châu của trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của thầy và trò nơi đây. Nhất là vào những ngày lễ, Tết, người dân mang hoa quả, hương lễ vào đình thờ cúng, tạo nên một cảnh tượng đông đúc ngay trước cửa trường, ở trong sân thì khói nhang bốc lên nghi ngút.
"Thực mục sở thị" tại trường, tôi cũng đồng quan điểm với nhiều phụ huynh nơi đây rằng: Nếu như ngày xưa, đất nước còn khó khăn, cơ sở giáo dục thiếu thốn, việc học sinh học nhờ ở đình có thể chấp nhận được nhưng đến bây giờ, học sinh ở Thủ đô mà vẫn chịu cảnh "học nhờ đình làng" thì không nên.
Mơ về ngôi trường mới
Để giúp tôi hiểu rõ hơn về cơ sở vật chất hiện tại của nhà trường, thầy Phùng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Tứ Liên nói: "Trường chỉ có một ngôi nhà hai tầng xây từ lâu, hai bên là hai dãy nhà cấp 4, giờ đã ẩm thấp, tường nứt, vữa tróc lởm chởm...".
|
Đã nhiều năm qua, các em học sinh ở Trường THCS Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) phải "học nhờ, chơi nhờ" ở đình làng Nội Châu. |
Đến phòng hội đồng của nhà trường, tôi quan sát thấy, phòng kiêm luôn nhiều thứ như, là nơi để nội quy, bảng chấm công, sách vở...Có lẽ, do cơ sở vật chất nhà trường thiếu và kém chất lượng nên nhiều phụ huynh học sinh trên địa bàn phường đã xin chuyển con em sang địa bàn khác để học.
Xác nhận về điều này, thầy Phùng Văn Minh cho biết: "Trong năm học 2011-2012, trên địa bàn có 104 học sinh, đủ độ tuổi vào lớp 6 nhưng số đăng ký học ở trường chỉ có 46 em, còn hơn một nửa, phụ huynh chuyển con sang học ở trường khác có cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang hơn".
Không chỉ chịu sức ép từ phía phụ huynh học sinh, việc Trường THCS Tứ Liên "mượn" đình làm nơi dạy và học đã ảnh hưởng nhiều đến nơi thờ cúng nên nhiều lần các cụ trong phường đề nghị nhà trườngdi dời, trả lại không gian cho đình Nội Châu. Đem những nguyện vọng của thầy, trò Trường THCS Tứ Liên, tôi đến làm việc với UBND phường Tứ Liên.
Trao đổi với tôi, ông Trần Văn Bách, Phó chủ tịch UBND phường cho biết: "Năm 1994, thành phố Hà Nội đã có quy hoạch về xây dựng 3 trường học, trongđó cóTrường THCS Tứ Liên, cùng với một số công trình khác trên tổng diện tích 24.000m2.
Nhưngvì thành phố chưa phê duyệt quy hoạch vùng thoát lũ nên tiến độ xây dựng các công trình bị chậm lại. Năm 2011, sau khi thành phố thông qua quy hoạch vùng thoát lũ, UBND quận Tây Hồ đã giao ngay cho Ban quản lý dự án của quận làm chủ đầu tư xây dựng quy hoạch tổng thể cụm công trình phúc lợi và dân sinh của phường, tổng số vốn 400 tỷ đồng. Hiện bản quy hoạch đang được xin ý kiến các sở, ngành có liên quan, sau đó mới trình thành phố phê duyệt !".
Nghe ông Phó chủ tịch UBND phường nói, tôi hy vọng một ngôi trường mới của thầy, trò Trường THCS Tứ Liên có thể sẽ trở thành hiện thực.
Theo QĐND
Vui lòng nhập nội dung bình luận.