Hội Báo toàn quốc 2023: Sự đổi thay của báo Tết qua chặng đường hơn 100 năm

Thuỳ Trang - Hồng Loan. Ảnh: Loan Trang Thứ bảy, ngày 18/03/2023 16:02 PM (GMT+7)
Sáng 17/3 vừa qua, Hội Báo toàn quốc năm 2023 được khai mạc vào lúc 9h00. Hội Báo diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội và mở cửa tự do từ ngày 17/3 đến hết ngày 19/3. Điểm thu hút của Hội Báo năm nay là khu triển lãm Báo Tết với những ấn phẩm đặc biệt từ năm 1865 đến năm 2000.
Bình luận 0
Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 1.

Cổng chính “Hội Báo toàn quốc 2023”.

Đến với Hội Báo toàn quốc 2023, công chúng cùng các nhà báo, hội viên sẽ được tham gia nhiều hoạt động đặc sắc, mới mẻ. Trong đó, có thể kể đến hoạt động tham quan Triển lãm “Xuân xưa trên báo Tết”. Điểm đặc biệt ở khu triển lãm là sự xuất hiện của các ấn phẩm báo có mặt từ năm 1865 đến năm 2000, tức các ấn phẩm được ra đời ở 3 thế kỷ khác nhau, từ nửa cuối thế kỷ XIX đến năm đầu tiên của thế kỷ XX.

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 2.

Khách tham quan tại khu triển lãm “Xuân xưa trên báo Tết”.

Ấn phẩm báo đầu tiên in chữ quốc ngữ

“Gia Định Báo” là ấn phẩm báo đầu tiên, ra đời vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Đây được coi là tờ báo đầu tiên in chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, tờ báo này lại thuộc sự quản lý của người Pháp cho nên các thông tin đăng trên báo không thể hiện được chân thực tình hình nước ta trong giai đoạn này. 

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 3.

Gia Định Báo.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, báo chí Việt Nam chưa có cơ hội để phát triển. Chính vì vậy, không có sự đa dạng về các ấn phẩm do chỉ có một nhà phát hành báo. Các ấn phẩm báo được thể hiện ở mức khá đơn giản: mực đen, giấy trắng ngà và có sự sắp xếp bố cục.

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 4.

Một số ấn phẩm báo chí dưới thời Pháp thuộc.

Sang đến những năm 30 của thế kỷ XX, đây được coi là thời kỳ bắt đầu nở rộ của báo chí Việt Nam, điển hình là báo chí Cách mạng. Báo chí ở thời kỳ này như một vũ khí quan trọng trên mặt trận Chính trị. Phần lớn, các tờ báo đều đóng vai trò tuyên truyền, cổ vũ nhân dân đứng lên bảo vệ Tổ quốc và nêu cao ý chí quyết tâm đánh bại kẻ thù của Đảng. 

Từ đây, hình thức các ấn phẩm báo chí cũng được chú trọng. Các ký tự chữ, tranh ảnh minh họa được sử dụng rộng rãi. Kích thước chữ giữa tiêu đề và nội dung của bài đã có sự khác biệt rõ rệt. Ngoài ra, phông chữ tiêu đề ngày càng phức tạp hơn, thu hút hơn. Ở thời kỳ này, mực in đỏ bắt đầu phổ biến hơn. 

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 5.

Một số ấn phẩm báo chí trước Cách mạng Tháng Tám

Mùa xuân trên những ấn phẩm báo đầu thế kỷ XX mang một tinh thần thép của dân tộc Việt Nam. Phần lớn, tranh minh họa là những người dân lao động hăng say hay hình ảnh bộ đội hành quân. Các chi tiết hoa, lá, cành gần như chưa xuất hiện ở các tờ báo chính thống. 

Trong thời kỳ này, tạp chí bắt đầu ra đời ở Sài Gòn, tiêu biểu là tạp chí Tân Văn và tạp chí Tri Tân. Ở mảng tạp chí, đã có sự đầu tư vượt bậc về hình thức, đặc biệt là tranh minh họa phức tạp trên bìa chính. Các tạp chí gần như không có sự ảnh hưởng của chiến tranh nên tranh minh họa mang tính nghệ thuật nhiều hơn. 

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 6.

Ấn phẩm tạp chí trước Cách mạng Tháng Tám

Báo Tết là sự kết nối bện chặt giữa lãnh đạo và nhân dân Việt Nam

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hình thức các ấn phẩm báo chí Việt Nam chưa có sự thay đổi nhiều nhưng sắc xuân được thể hiện rõ hơn qua hình vẽ minh họa cũng như nội dung của báo. Trên các ấn phẩm, ban lãnh đạo và cán bộ đã viết những lời chúc, lời động viên đến đồng bào cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết riêng “Thơ chúc Tết” dành tặng dân tộc Việt Nam trong dịp lễ quan trọng. 

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 7.

Một số ấn phẩm báo chí sau Cách mạng Tháng Tám.

Cùng giai đoạn này, tạp chí ở Sài Gòn ngày càng được nâng cao chất lượng về in ấn và màu sắc. Hình vẽ minh họa được đầu tư chỉn chu, rõ nét. 

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 8.

Một số ấn phẩm tạp chí ở Sài Gòn sau năm 1945.

Bước qua kháng chiến chống Pháp, cả dân tộc ta đồng lòng chống lại Đế Quốc Mỹ. Không chỉ dừng lại ở mục tin tức, những bài hát kháng chiến đã được in ấn trên các ấn phẩm báo. Điều này cho thấy, văn nghệ cũng là một mặt trận của kháng chiến dân tộc. 

Hình thức ấn phẩm báo in đã có bố cục rõ ràng hơn. Đặc biệt là ảnh đen trắng đã xuất hiện trên báo, giúp cho nhân dân có thể cập nhật tin tức trong nước một cách chân thực, khách quan. 

Các hình vẽ minh họa có sự đầu tư lớn. Ý tưởng cắt ghép tranh, ảnh bắt đầu ra đời, đánh dấu sự có mặt của các bức ảnh đậm chất trào phúng của báo chí Việt Nam.

img
img

Một số ấn phẩm báo chí trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 10.

Tranh trào phúng trên báo.

Báo Tết chuyển mình và mang nhiệm vụ mới

Những năm đầu tiên sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, các ấn phẩm báo chí Việt Nam chủ yếu được in mực đen và mực đỏ, kết hợp với ảnh đen trắng. Bố cục của báo ngày càng rõ ràng và mạch lạc hơn, gần giống với các ấn phẩm báo in ngày nay. Hầu hết các ấn phẩm báo đều ca ngợi cuộc chiến đã qua, ca ngợi quân và dân Việt Nam đã luôn đoàn kết, chiến đấu và lao động hết mình.

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 11.

Một số ấn phẩm báo chí những năm 70.

Tuy nhiên, từ thập niên 80, báo chí Việt Nam có bước chuyển mình khi công nghệ in màu dần phát triển và ảnh đen trắng cũng được thay thế bằng ảnh kỹ thuật số. Các chủ đề về xây dựng đất nước bắt đầu phổ biến. Các tin tức cũng trở nên đa dạng hơn, không chỉ dừng lại về lĩnh vực chính trị, kinh tế, mà còn mở rộng sang lĩnh vực văn nghệ và giải trí. 

Điểm nổi bật trong giai đoạn này là hình ảnh trẻ em xuất hiện nhiều hơn, hình ảnh con người cùng với hoa đào, hoa mai cũng trở nên phổ biến và mang đậm không khí ngày tết. Con người trong các bức ảnh trở nên linh hoạt, gắn liền với nhiều hoạt động của dịp Tết.

img
img

Một số ấn phẩm báo chí những năm 80, 90.

Bước sang năm đầu tiên của thế kỷ XXI, công nghệ in ấn trong lĩnh vực báo chí ngày càng hoàn thiện và tiệm cận với chất lượng in ấn hiện nay. Màu sắc rõ ràng, đa dạng. Kỹ thuật cắt ghép, chỉnh sửa ảnh đã xuất hiện. Hình ảnh con người không còn mang dấu ấn của chiến tranh mà họ đã hướng về tương lai và sẵn sàng cho công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Sắc hoa cùng với sắc cờ đã điểm tô một mùa xuân mới tràn trề may mắn, nhiệt huyết của con người.

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 13.

Ấn phẩm báo chí năm 2000

Triển lãm “Xuân xưa trên báo Tết” từ năm 1865 đến năm 2000 đã chứng minh quá trình trưởng thành của báo chí Việt Nam. Đất nước ta đã trải qua những mùa xuân còn mang hơi thở phong kiến, những mùa xuân Cách mạng sục sôi, những chiến thắng vẻ vang trong dịp Tết và đến những mùa xuân, cả nước được độc lập, thống nhất và đi lên xây dựng một quốc gia giàu mạnh, công bằng, văn minh. Và những dấu ấn quan trọng ấy đã được lưu giữ thật trọn vẹn trên những ấn phẩm báo Tết. 

Dù là thế hệ nào, lòng tự hào vẫn luôn ở trong tim

Triển lãm “Xuân xưa trên báo Tết” đã thu hút hàng trăm công chúng đến tham quan chỉ trong buổi sáng ngày 17/3, trong đó có cả những người cao tuổi. Ông Nguyễn Trọng San (77 tuổi, Hà Nội) đã chia sẻ sự hãnh diện của mình: “Ông rất tự hào khi có cơ hội ngắm từng ấn phẩm báo, đặc biệt là những ấn phẩm ra đời từ rất lâu. Báo chí Việt Nam đã phản ánh lịch sử rất chân thực, rất khách quan. Điều mà ông thấy vui nhất là con người Việt Nam luôn lạc quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào. 

Trên những ấn phẩm báo Tết trong thời kỳ chiến tranh, chúng ta đều có thể thấy rõ những bức thư thăm hỏi của cán bộ dành cho đồng bào hay cả thơ chúc Tết Bác viết. Hơn thế, nụ cười của dân tộc ta cũng vang lên trong những câu chuyện rất đời thường, rất kháng chiến. Khi đọc những trang báo ấy, người ta không cảm thấy chiến tranh khốc liệt hay đáng sợ, người ta chỉ thấy hình bóng con người chiến đấu, lao động cần cù, hăng say, vui vẻ và hạnh phúc.”

Với ông San, báo chí Việt Nam đã thực sự trưởng thành từ khi ra đời vào năm 1865, dưới thời Vua Tự Đức cho đến năm 2000. Dù trải qua thời kỳ nào, báo chí cũng làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, trong chiến tranh là khích lệ đồng bào cả nước chiến đấu, tham gia sản xuất, khi hòa bình là lời kêu gọi nhân dân xây dựng đất nước, kiến thiết đất nước giàu mạnh hơn, văn minh hơn. 

Anh Vũ Định Hải, 27 tuổi, đến từ Hoàng Mai, cũng có chung niềm tự hào với ông San khi đến tham quan khu triển lãm: “Mình vô cùng xúc động khi được chứng kiến sự phát triển vượt bậc cả về hình ảnh lẫn nội dung của ấn phẩm báo Tết nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung qua từng thời kỳ. Báo Tết xưa đã đi từ giai đoạn chỉ đơn giản có nội dung chữ kết hợp cùng các khung kẻ cho đến sự xuất hiện của các bức tranh truyền thống, tranh cổ động, tranh hiện đại và ảnh chụp. Dần dần mọi ấn phẩm trở nên đa dạng, thú vị hơn.”

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 14.

Anh Vũ Định Hải chăm chú quan sát từng ấn phẩm báo.

Anh Hải cũng rất ngạc nhiên khi biết được sự trưởng thành vượt bậc của ấn phẩm báo trong thời kỳ kháng chiến: “Mình đặc biệt yêu thích ấn phẩm Quân Đội Nhân Dân xuất bản đợt Tết Giáp Ngọ. Mình không ngờ rằng báo Tết xưa và báo in ngày nay lại có cách trình bày, sắp xếp các nội dung khá tương đồng với nhau. Hôm nay, khi được quan sát từng trang báo của thế kỷ trước, mình mới có thể hiểu ra tầm quan trọng của báo in trong đời sống tinh thần của cha mẹ, ông bà. Mình hy vọng dù ở thời kỳ nào, báo in vẫn sẽ giữ được vị thế, song song với các thể loại báo chí khác bởi chúng đều có những điểm mạnh riêng và không thể thay thế cho nhau.”

Bạn Hà Thủy Tiên, sinh viên ngành Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lại có những cảm nhận thú vị khác về triển lãm. Bạn chia sẻ: “Mình chủ yếu tiếp cận báo điện tử để biết thêm các tin tức đời sống hàng ngày. Cho nên, gian trưng bày "Xuân xưa trên báo Tết" có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với mình bởi vì đã mang đến nhiều kiến thức mới mẻ về báo in dịp Tết. Khi xem từng ấn phẩm, mình có cảm giác thật hoài cổ, dường như những tháng ngày xưa cũ ấy đang hiện diện sống động ngay trước mắt".

Hội Báo toàn quốc 2023: Hoài niệm sắc xuân đất nước hơn 100 năm - Ảnh 15.

Bạn Hà Thủy Tiên đọc ấn phẩm báo Xuân Nhâm Tý 1972

Tiên cũng tiết lộ thêm bạn ấn tượng nhất với tờ báo Xuân Nhâm Tý năm 1972 bởi cách viết vô cùng thú vị của tác giả. Chẳng hạn như cách đặt tiêu đề của bài xã luận “Năm mới: nhiệm vụ mới, chiến thắng mới”. Tiên tinh ý phát hiện ra ngày trước thường sử dụng từ “nhứt” thay vì từ “nhất” như bây giờ. 

Đến với Hội Báo toàn quốc 2023, công chúng không chỉ có cơ hội tham gia các tọa đàm của các chuyên gia báo chí mà họ còn được trải nghiệm không gian sống động trong những ấn phẩm báo của đất nước trải dài hơn một thế kỷ. Mỗi người đến tham quan Hội Báo đều có những cảm nhận, suy nghĩ khác nhau. Nhưng trong họ đều có một điểm chung, đó là lòng tự hào vô hạn về sự trưởng thành của báo chí Việt Nam qua những thời kỳ thăng trầm của Tổ quốc.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem