Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề "nóng" của thị trường lúa gạo
Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề "nóng" của thị trường lúa gạo
P.V
Thứ tư, ngày 07/08/2024 08:49 AM (GMT+7)
Việc thành lập Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia được kỳ vọng sẽ góp phần tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lúa gạo; thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện.
Ngày hôm qua (6/8), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đồng chủ trì cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia, một bước đi cần thiết để phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam ổn định, bền vững.
Có thể thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam những năm qua đạt được những con số vô cùng ấn tượng, liên tục lập những kỷ lục mới, khẳng định vị thế của Việt Nam đối với đảm bảo an ninh lương thực của thế giới. Trong các cuộc làm việc ngoại giao, rất nhiều nước đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong cung cấp lúa gạo ổn định.
Năm 2023, lần đầu tiên xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt con số 8,1 triệu tấn gạo, tăng 36,6% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 16 năm qua. Còn trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,18 triệu tấn, trị giá 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về sản lượng và tăng đến 25,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, giá xuất khẩu bình quân đạt 632,2 USD/tấn.
Tuy vậy, hai tư lệnh ngành Nông nghiệp và PTNT, Công Thương đều có chung nhận định, mặc dù có thương hiệu gạo Việt Nam, nhưng chưa sử dụng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa hợp lực để bảo vệ thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu tính chuyên nghiệp, còn sự cạnh tranh không lành mạnh.
Một số thị trường rất khó tính nhưng gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành. Tuy nhiên, ngay sau đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã không giữ được thị trường.
Đó là chưa kể, các khung pháp lý hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung khi chưa tạo ra được những động lực đủ mạnh và một môi trường thuận lợi cho người sản xuất và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; thông tin, số liệu liên quan không đầy đủ, xác thực, kịp thời và không phản ánh đúng thực tế gây khó khăn cho điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo trong những thời điểm nhạy cảm” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ.
Từ thực tế này, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, trong bối cảnh mới, ngành hàng lúa gạo cần bài toán chiến lược cho người trồng lúa, địa phương trồng lúa; cần các chiến lược tổng thể, cần tư vấn tầm chiến lược xử lý các vấn đề như: biến động thị trường chính sách các quốc gia, biến đổi khí hậu, biến đổi người tiêu dùng; tranh chấp thương mại, bảo hộ bản quyền; xu hướng mới trong phát triển…
Do đó, cần thiết có một thiết chế xử lý các vấn đề liên ngành, bao trùm để tư vấn, xử lý những vấn đề lớn của ngành hàng lúa gạo, đưa ra định hướng vì mục tiêu phát triển bền vững chung của cả ngành. Trong thiết chế này, nhà nước không can thiệp sâu vào thị trường nhưng đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết hoạt động, các hiệp hội ngành hàng, huy động hợp tác công tư để tạo thêm nguồn lực từ hợp tác quốc tế và nguồn lực xã hội hoá.
"Thiết chế này có sự tham gia của các bộ ngành, đại diện của các doanh nghiệp, của các địa phương và phải có tiếng nói của người trồng lúa. Do vậy, việc thành lập Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia là thiết chế thích hợp", ông Trần Công Thắng cho biết.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh khắc phục các hạn chế của ngành hàng lúa gạo, Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ xử lý nhanh chóng các vấn đề "nóng" như khi Thái Lan, Ấn Độ… có các chính sách mới, đột xuất về xuất khẩu gạo; hay khi thương hiệu gạo ST 25 bị giả mạo…
Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là rất cần thiết. Lúa gạo là ngành hàng quan trọng bậc nhất trong kinh tế - xã hội Việt Nam. Không chỉ là kinh tế mà còn là chính trị, văn hóa… cần có cơ chế đặc biệt với ngành hàng này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị, Hội đồng lúa gạo quốc gia cần xem xét bổ sung về quản lý trong nhập khẩu gạo vì hiện nay, lượng gạo nhập khẩu tương đối nhiều.
Được biết, việc thành lập Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia là ý tưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương với mục tiêu Hội đồng này sẽ đóng vai trò như một diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân cùng nhau bàn bạc, thống nhất đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến ngành lúa gạo tại những thời điểm và tình huống khác nhau; nâng cao được vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng.
Dự kiến, hội đồng sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường; thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần đảm bảo anh sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia; phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững thông qua nghiên cứu, rà soát để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề xuất các Bộ, ngành ban hành việc bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách hiện hành; tổ chức khảo sát, nghiên cứu hệ thống sản xuất, kinh doanh ở trong nước và ngoài nước về ngành hàng lúa gạo
Bên cạnh đó, nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo.
Hội đồng cũng có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình phát triển ngành lúa gạo. Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo.
Thêm nữa, cho ý kiến về chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách v.v. liên quan đến ngành hàng lúa gạo thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, các đơn vị chuyên môn sẽ tham mưu lãnh đạo hai bộ sớm hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.