Nhật Hà – Ngô Khiêm
Thứ sáu, ngày 18/02/2022 10:00 AM (GMT+7)
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) đã không thể diễn ra trong 3 năm liên tiếp. Tuy nhiên, những thành viên trong CLB hát Quan họ phường Vệ An (TP. Bắc Ninh) vẫn tổ chức hát quan họ trong không khí đầm ấm, quây quần.
Phường Vệ An trong những ngày đầu xuân khi tiết trời có mưa bụi lất phất bay. Trong không khí… rất xuân ấy, chúng tôi thấy thật may mắn khi được thưởng thức “đặc sản” của vùng quê Kinh Bắc ngay chính tại ngôi nhà người con gái của bà Tạ Thị Vinh – người được biết đến với nỗ lực “giữ lửa” quan họ phường Vệ An suốt mấy chục năm qua.
Bà Tạ Thị Vinh sinh năm 1955 tại TP. Bắc Ninh trong một gia đình có truyền thống hát quan họ. Mẹ của bà là cụ Nguyễn Thị Chiên (1914 - 1993) – người có nhiều công lao trong việc đào tạo các liền anh, liền chị ở Đoàn Dân ca Quan họ thuở ban đầu, bởi vậy mà khi mới 11 - 12 tuổi bà đã hát được một số bài cơ bản. Khi trưởng thành không có điều kiện được theo học quan họ chuyên nghiệp, thế nhưng câu ca Quan họ đã len lỏi, đồng hành cùng bà trong đời sống của một công nhân ở Hợp tác xã cơ khí Thành Bắc.
Vốn say mê Quan họ nên vào những năm 2000, bà đã được mời tham gia CLB Quan họ phường Vệ An và hiện nay bà đang giữ cương vị Phó Chủ nhiệm. Với sự nhiệt tình, tâm huyết, bà đã góp phần đưa CLB trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào gìn giữ và bảo tồn dân ca Quan họ trên địa bàn tỉnh.
Những năm 2007 - 2008, bà đã tham gia thi hát đối đáp Quan họ trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh. Năm 2009, bà giành giải Khuyến khích trong Cuộc thi hát đối đáp 50 câu Quan họ đầu xuân của tỉnh. Ngoài ra, bà còn vinh dự được tham gia hát “Đá đông triều” trong bộ phim “Ký sự quan họ” nổi tiếng về 49 làng Quan họ.
Bà Vinh bảo, đã mê “món” này thì ham lắm, đến nấu cơm, rửa bát cũng phải hát một, hai câu; đến ăn cơm cũng phải “làm” một vài lời… Bởi thế mà có những người như bà Nguyễn Thị Bài (72 tuổi) cứ rảnh rỗi lại sang “chơi” Quan họ rồi mê mẩn tối ngày.
Xác định việc truyền dạy Quan họ thì phương pháp là rất quan trọng, bởi thế bà luôn đau đáu tìm ra phương pháp để cho người học dễ hiểu, dễ hát, dễ đi vào lòng người. Rồi cũng từ cách truyền dạy ấy mà một người cháu của bà là chị Tạ Thị Hiếu cũng đã giành giải Ba trong cuộc thi hát đối đáp 50 câu Quan họ của tỉnh hay như cô con gái thứ hai của bà thời sinh viên cũng đã giành giải Nhì trong khoa với bài “Ngồi tựa mạn thuyền”.
Nặng lòng với CLB Quan họ phường Vệ An, bà Vinh cho biết: “CLB hiện nay có khoảng 30 thành viên và đều là những người đã về hưu, người tuổi nhất đã 90 tuổi. Tôi mới truyền lại một số bài đơn giản bằng các giọng La Rằng, Tứ Quý.
Chúng tôi đã xây dựng nề nếp tổ chức 1 tháng 4 buổi, trong đó 2 buổi sinh hoạt chung, 2 buổi dạy trực tiếp cho từng người. Đáng mừng sau mỗi buổi học, tôi thấy các liền anh, liền chị đều có những tiến bộ và càng say mê hơn.
Tôi cảm nhận rất rõ tình yêu với dân ca Quan họ trong huyết quản của họ và đó là động lực để tôi quyết tâm, kiên trì “ươm mầm” Quan họ trên địa bàn phường. Để có thế hệ kế cận, trong thời gian tới chúng tôi sẽ vận động, thuyết phục thêm những người trẻ tham gia vào CLB”.
Hội Lim không "về", Quan họ vẫn rộn tiếng ca
Ông Trần Văn Quy (62 tuổi) người có gần 20 năm tham gia CLB Quan họ phường Vệ An chia sẻ, ông hát Quan họ từ lúc mới hơn 10 tuổi khi nghe người lớn tuổi hát. Ông Quy trước đây công tác tại Nhà máy phân đạm Hà Bắc sau khi Bắc Ninh, Bắc Giang được tách ra ông về phường Vệ An công tác và tham gia CLB này.
Theo ông Quy thì các cụ ngày xưa hát Quan họ mộc, không có nhạc cụ còn bây giờ kinh tế phát triển hơn các nghệ nhân hát theo loa và cùng nhạc cụ.
“Hát Quan họ cổ khó hơn Quan họ hiện đại. Quan họ hiện đại có ca từ dễ thuộc, nhịp phách rộn ràng và được hát nhiều trong các đám cưới ở Bắc Ninh. Khi có đám cưới hoặc sự kiện thì nghệ sĩ thường hát bài “Mời nước, mời trầu”, đó là tục lệ tốt đẹp của người Bắc Ninh. Mỗi khi đi đâu ra khỏi tỉnh và giới thiệu mình là người Bắc Ninh thì mọi người đều mong muốn tôi thể hiện một bài hát quan họ”, ông Quy cho biết.
Những năm gần đây quan họ Bắc Ninh được Đảng, Nhà nước quan tâm cũng như được bạn bè quốc tế biết tới, hơn nữa hơn 10 năm trước Quan họ còn được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, từ đó tiếng hát của các phường xã đã đi lên rất nhiều.
Có thể nói Quan họ Bắc Ninh như được chuyển mình. Các thành viên trong CLB quan họ phường Vệ An luôn có sự giao lưu, thể hiện tinh thần đoàn kết, học hỏi nhiều hơn. Và các thành viên trong CLB mình cũng như CLB như được gần nhau hơn.
Mỗi bài hát có làn điệu riêng nhưng tựu trung lại đều ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, ca ngợi tình yêu, động viên người lao động để nâng cao năng suất lao động. Bài hát thấm đượm tình cảm, tiếng hát mang lại niềm vui, giải tỏa căng thẳng, giúp con người thêm yêu cuộc đời hơn.
Những ngày đầu Xuân này khi lễ hội Lim không được diễn ra, vì thế các nghệ nhân quan họ trong CLB dành nhiều thời gian nhất cho con cháu trong nhà, hướng dẫn, dạy các cháu hát Quan họ với mục đích truyền nghề. Và CLB phường Vệ An vẫn quây quần để hoà cũng với vũ điệu của mùa Xuân và cùng nhau hát vang những bài hát Quan họ Kinh Bắc trong không khí ấm cúng, thân thiện với những nụ cười rạng rỡ.
Chính những lời ca, tiếng hát vang lên làm xua tan đi không khí lạnh lẽo, và khiến các thành viên trong CLB như lạc quan hơn, và họ tin rằng đất nước sẽ sớm chiến thắng đại dịch Covid để cuộc sống của tất cả người dân sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường mới, để mùa Xuân trọn vẹn hơn như vốn dĩ đã từng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.