Hội Nông dân Đà Nẵng tập huấn ủ chất thải thực phẩm thành phân hữu cơ cho nông dân quận Thanh Khê
Hội Nông dân Đà Nẵng tập huấn ủ chất thải thực phẩm thành phân hữu cơ cho nông dân quận Thanh Khê
Trần Hậu
Thứ tư, ngày 21/08/2024 08:38 AM (GMT+7)
Ngày 20/8, tại Hội trường UBND quận Thanh Khê (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), Hội Nông dân TP.Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật và bàn giao vật tư triển khai mô hình thu gom, xử lý chất thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ năm 2024.
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Đà Nẵng cho biết: "Mô hình thu gom, xử lý chất thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ được triển khai nhằm khuyến khích các hội viên nông dân, người dân xử lý rác thải sinh hoạt và các loại phụ phẩm trong quá trình canh tác để giảm lượng rác thải phát sinh.
Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững...".
Tham gia lớp tập huấn, cán bộ, hội viên, nông dân phường An Khê, Thanh Khê Tây, Xuân Hà được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách thu gom; phương pháp phân loại rác thải tại nguồn bắt đầu từ hộ gia đình; kỹ thuật lên men xử lý chất thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp....
Đồng thời, Hội Nông dân TP.Đà Nẵng hỗ trợ 42 hộ dân trên địa bàn quận Thanh Khê 42 thùng ủ rác thải (loại thùng nhựa 60 lít đã gia công) và bộ chế phẩm sinh học xử lý phế thải hữu cơ, để tiến hành thử nghiệm mô hình thu gom, xử lý chất thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ tại gia đình.
Trong đó, bộ chế phẩm sinh học gồm men vi sinh Emuniv và mật rỉ đường ủ phân hữu cơ có lượng vi sinh đủ dùng ủ 20 lít dịch chuối hoặc 1 tấn rác nhà bếp.
Bà Ngô Thị Thu Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP.Đà Nẵng cho hay: "Rác thải sinh hoạt của các hộ dân được thu gom và phân loại thành 3 loại: rác thải hữu cơ, rác vô cơ và rác độc hại. Mỗi loại rác thải sẽ được chứa trong 1 thùng riêng biệt; rác thải vô cơ và các phế thải có thể tái chế sẽ được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý tập trung; rác thải hữu cơ sẽ được dùng để ủ thành phân bón cho cây trồng.
Tôi mong rằng sau lớp tập huấn này, mọi người sẽ nhận thấy lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ ngay tại hộ gia đình. Từ đó chủ động thực hiện mô hình và cùng tuyên truyền, nhân rộng quy mô tại cụm dân cư, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về phân loại rác thải tại nguồn, thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường".
Ông Nguyễn Công Sáu (60 tuổi) chia sẻ: "Trước đây tôi chỉ biết mua phân bón cho cây trồng, sau khi tham gia lớp tập huấn này thì tôi thấy mô hình thu gom, xử lý chất thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ rất hay và hữu ích. Từ rác thải hữu cơ đã được ủ vi sinh, tôi làm phân bón cho vườn rau quả, cung cấp cho cây trồng nguồn dinh dưỡng dồi dào mà lại tiết giảm chi phí sản xuất, hạn chế mùi hôi thối phát sinh từ rác thải hữu cơ".
Việc triển khai lớp tập huấn mô hình thu gom, xử lý chất thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ nhằm góp phần đẩy mạnh công tác truyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng thực hành và hình thành thói quen cho nông dân trong việc tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân tạo thành sản phẩm phân hữu cơ sinh học có giá trị bón cho cây trồng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.